'Khoác áo mới' cho những món quà quê

Những năm qua, chị Trần Thị Ngọc Lan (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) khéo léo đưa những món ăn 'nhà quê' thành sản phẩm OCOP. Sản phẩm của chị không chỉ gợi nhớ ký ức tuổi thơ của bao người mà còn 'chắp cánh' cho đặc sản quê hương vươn tầm quốc tế.

Chị Trần Thị Ngọc Lan (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, bên phải) luôn tâm huyết, trách nhiệm với từng sản phẩm

Một ngày giữa tháng 8/2023, chúng tôi đến thăm Doanh nghiệp tư nhân Chế biến thực phẩm Ngọc Lan. Ấn tượng đầu tiên là một hàng dài giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP được trưng bày ngay ngắn trên kệ. Phía dưới kệ là các sản phẩm “nhà quê” được làm nên từ sự sáng tạo, nhạy bén cùng tất cả tâm huyết của chị Lan. Không khí tại khu chế biến thực phẩm rất nhộn nhịp, mọi người vừa rôm rả trò chuyện, vừa nhanh tay hoàn tất những phần việc còn lại trong ngày.

Chị Lan bộc bạch: “Hiện doanh nghiệp Ngọc Lan có 11 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao như cà na sấy dẻo, cà na ngâm đường, muối ớt xanh, muối ớt đỏ, muối tiêu rau răm, đá me, tắc xí muội, chanh muối, sốt me,... Nguyên liệu chế biến các sản phẩm là nông sản tại địa phương. Những sản phẩm này tuy dân dã nhưng chất chứa biết bao tình cảm của người miền quê, là những món quà quê hấp dẫn, gợi lại ký ức tuổi thơ, nhất là đối với những người dân xa xứ”.

Chị Lan sinh ra và lớn lên ở huyện Vĩnh Hưng. Những món ăn dân dã đã theo suốt ký ức tuổi thơ của chị. Nhớ về những năm tháng sống cùng bà ngoại và những món quà quê, chị Lan bắt đầu làm món me ngào đường và sốt me. Ban đầu, chị chỉ làm để dùng trong nhà và gửi tặng bạn bè, người thân vào các dịp lễ, tết. Thấy sản phẩm ngon, chất lượng, nhiều người hỏi mua, từ đó, chị “bén duyên” với nghề chế biến thực phẩm từ nông sản địa phương.

Nguyên liệu chế biến các thực phẩm tại cơ sở của chị Trần Thị Ngọc Lan chủ yếu từ những món “nhà quê” dân dã gắn liền với ký ức tuổi thơ của bao người

Để thành công như hiện tại, chị Lan trải qua những tháng ngày nhiều gian khó. Chị Lan cho biết: “Nếu chế biến theo kiểu truyền thống, sản phẩm làm ra không đẹp, khó mở rộng thị trường tiêu thụ, do đó, tôi đến TP.HCM học công nghệ chế biến gần 3 năm nhằm tích lũy kinh nghiệm để xây dựng quy trình sản xuất tốt hơn. Khi có quy trình sản xuất thì vấn đề đầu ra sản phẩm lại là một khó khăn. Trước thực trạng này, tôi đem các sản phẩm đi chào hàng khắp các chợ đầu mối tại TP.HCM. Nhiều cửa hàng còn e dè không dám nhận, một số cửa hàng lại cho lời khuyên là phải có nhiều sản phẩm mới nhận hàng. Do đó, tôi tiếp tục tận dụng những nông sản địa phương để chế biến ra nhiều mặt hàng thực phẩm khác”.

Không dừng lại ở việc kinh doanh để có thu nhập, chị Lan còn quyết tâm nâng tầm sản phẩm qua việc xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc,... Để làm được điều này, chị xây dựng thương hiệu Cơ sở Chế biến thực phẩm Ngọc Lan cho từng sản phẩm. Chị vừa chú trọng chất lượng sản phẩm, vừa chú ý đến mẫu mã, bao bì; đồng thời, tranh thủ làm các hồ sơ, thủ tục để sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP. Ngoài sự nỗ lực, tâm huyết, chị Lan còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ máy móc, thiết bị chế biến thực phẩm và tạo điều kiện cho cơ sở tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại.

Đến nay, cơ sở của chị Lan là một trong những cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn OCOP nhiều nhất với 11 sản phẩm, trong đó, một số sản phẩm xuất sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhờ đó, hàng tháng, cơ sở có thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập trên 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Nhìn lại một hành trình vượt khó để đi đến kết quả như hôm nay, điều chị Lan tâm đắc nhất không chỉ là nguồn doanh thu hàng tháng mà còn là các nông sản “nhà quê” được “chắp cánh” sang thị trường quốc tế, góp phần khẳng định, nâng tầm thương hiệu cho nông sản của quê hương./.

Minh Thư

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khoac-ao-moi-cho-nhung-mon-qua-que-a162316.html