'Khóa tập huấn 1 ngày' giúp gia tăng giá trị kinh tế từ rừng trồng

Hiện nay, các chủ rừng là cá nhân và hộ gia đình đang quản lý khoảng 1,8 triệu ha rừng trồng, chiếm hơn 50% tổng diện tích rừng trồng toàn quốc. Phát triển rừng trồng nhiều năm qua đã góp phần đáng kể trong nỗ lực nâng cao tỉ lệ che phủ rừng, là nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Thời gian qua, mặc dù được hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, nhưng trong bối cảnh hội nhập kinh tế các chủ rừng quy mô nhỏ đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường, phải có chứng chỉ rừng và gỗ hợp pháp, năng suất thấp, giá trị kinh tế chưa cao, tiếp cận nguồn vốn đầu tư chưa hiệu quả.

Tại Quảng Trị, ngoài các vấn đề trên, chủ rừng quy mô nhỏ còn gặp một số khó khăn trong chăm sóc, phát triển rừng trồng như sâu bệnh, nguồn giống (hiện tại nguồn giống trôi nổi trên thị trường khá nhiều, chất lượng không tốt nên không đảm bảo được sản lượng cũng như chất lượng của rừng trồng) và giá cả thị trường thay đổi thường xuyên.

Hiện tại, nhu cầu nâng cao năng lực đối với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ở Việt Nam rất cao. Các yếu tố chính cho sự phát triển này là nhu cầu về các sản phẩm gỗ được cấp giấy chứng nhận quản lý rừng bền vững (FSC), nhất là đối với việc tiếp cận thị trường xuất khẩu cũng như một số quy định của Chính phủ về lĩnh vực môi trường, đặc biệt là ngành lâm nghiệp.

Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 500.000 ha rừng được cấp chứng chỉ. Để thực hiện được mục tiêu này, nhu cầu đào tạo nhằm tăng cường năng lực cho các chủ rừng rất lớn. 2 triệu hộ gia đình, cá nhân - đối tượng chủ yếu của ngành lâm nghiệp nước ta - hiện giữ khoảng 1,8 triệu ha rừng trồng đang cần hỗ trợ nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường nhưng lại gặp khó khăn về khả năng chi trả cũng như thời gian tham gia các khóa đào tạo hiện có trên thị trường.

Đối với Quảng Trị, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 42.000 ha rừng trồng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC. Đến năm 2030, tỉnh sẽ phát triển 100.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, tăng gấp hơn 4 lần so với hiện nay. Tỉnh luôn khuyến khích các nhóm hộ trồng rừng, chủ rừng tham gia xây dựng chứng chỉ rừng, quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao chất lượng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sống, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Để góp phần thực hiện các mục tiêu nói trên, việc nâng cao năng lực cho chủ rừng có quy mô nhỏ là rất cần thiết.

Mới đây tại Quảng Trị, Trung tâm Đào tạo Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã tổ chức “Khóa tập huấn 1 ngày”. Khóa tập huấn này được tổ chức nhằm cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản cho các chủ rừng nhỏ để có thể áp dụng ngay vào thực tế với chi phí tối thiểu.

Trước đây, nhiều khóa tập huấn dài ngày được mở nhưng do thời gian học kéo dài dẫn đến tăng chi phí và khó khăn trong đi lại đối với chủ rừng nhỏ nên chưa đạt được hiệu quả tối ưu. “Khóa tập huấn 1 ngày” được phổ biến đến các chủ rừng nhỏ thông qua mạng lưới cộng tác viên. Đây là đội ngũ giúp kết nối, chuyển tải kiến thức, kinh nghiệm giữa Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ với các chủ rừng nhỏ tại địa phương.

Khóa tập huấn này có 3 chủ đề chính: Kỹ thuật lâm sinh cho rừng trồng; Quản lý vườn ươm và sản xuất cây giống; Chứng chỉ rừng. Mỗi chủ đề sẽ được tổ chức thành những lớp “tập huấn 1 ngày” nhằm giảm bớt thời gian và chi phí đi lại cho các chủ rừng nhỏ.

Đây là chương trình đào tạo phù hợp với điều kiện của chủ rừng nhỏ ở địa phương thông qua kết quả nghiên cứu khoa học; khảo nghiệm và kinh nghiệm thực tế; mô hình trình diễn cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật của Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, cố vấn kỹ thuật của chuyên gia quốc tế... Dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, các chương trình đào tạo và tư vấn kỹ thuật được xây dựng nhằm giúp chủ rừng vừa tăng năng suất, chất lượng rừng trồng, tăng hiệu quả đầu tư, vừa giữ được đất không bị thoái hóa và bảo vệ môi trường.

Năm 2023, Trung tâm Đào tạo Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng triển khai thử nghiệm 3 lớp với 75 học viên, tập trung vào 3 nội dung: Thiết kế và quản lý vườn ươm quy mô nhỏ, chọn giống và sản xuất cây keo lai chất lượng cao; Kỹ thuật tỉa thưa tăng chất lượng rừng trồng cây keo lai; Khai thác tác động thấp và an toàn lao động.

Toàn bộ 9 nội dung tập huấn sẽ được triển khai trong 2 năm tiếp theo, dự kiến năm 2024 tổ chức 70 lớp với khoảng 1.750 học viên; năm 2025 tổ chức 172 lớp với 4.300 học viên tham gia. Năm 2023, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở 2 huyện Hải Lăng, Triệu Phong.

Theo kế hoạch, năm 2024, trung tâm sẽ phát triển mạng lưới này trên địa bàn toàn tỉnh để giới thiệu rộng rãi “Khóa tập huấn 1 ngày” đến các chủ rừng nhỏ.

Khi được tiếp cận với “Khóa tập huấn 1 ngày”, các chủ rừng nhỏ có thể áp dụng ngay kiến thức đã học vào thực tiễn sản xuất với chi phí tối thiểu, từng bước cải thiện chất lượng rừng trồng hướng tới quản lý rừng bền vững và gia tăng giá trị kinh tế từ rừng trồng. Điều này giúp các chủ rừng nhỏ dễ dàng tiếp cận thị trường sẵn sàng chi trả cho dịch vụ môi trường rừng, hưởng lợi từ rừng và được chi trả cao hơn các dịch vụ do rừng mang lại.

Tỉnh Quảng Trị được WWF chọn làm điểm đầu tiên tại Việt Nam để áp dụng mô hình quản lý rừng có chứng chỉ. Hiện tỉnh có 2.145 ha rừng tự nhiên của cộng đồng được cấp chứng nhận FSC dịch vụ sinh thái (FSC-ES), đóng góp hấp thụ hàng năm khoảng 7.000 tấn CO2 . Các chi hội đang tiếp cận nguồn chi trả tự nguyện cho 7.000 tấn CO2 (khoảng 10 Euro cho 1 tấn CO2 , tương đương 1,5 tỉ đồng/năm).

Diện tích rừng trồng gỗ keo và rừng tự nhiên được cấp chứng chỉ FSC tạo điều kiện cho hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, nhóm hộ, hợp tác xã tham gia cung ứng cho thị trường nguyên liệu có chứng nhận FSC gồm gỗ keo và các lâm sản ngoài gỗ như tre nguyên liệu, hạt trẩu, bồ kết và măng khô. Như vậy, lợi ích của những cánh rừng được cấp chứng chỉ rừng rất lớn, là động lực để các chủ rừng nhỏ trong cả tỉnh nỗ lực hơn nhằm đạt được mục tiêu đặt ra.

Mục đích của “Khóa tập huấn 1 ngày” thể hiện đúng định hướng của Chiến lược Lâm nghiệp quốc gia, chính sách của địa phương về quản lý rừng bền vững. Kiến thức, kỹ năng về các chủ đề liên quan đến quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng không chỉ được củng cố mà còn nhân rộng qua công tác đào tạo các giáo viên cấp cơ sở, góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực đào tạo trong lĩnh vực quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Đây là sản phẩm có ý nghĩa về kinh tế, môi trường, xã hội qua việc đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của các chủ rừng nhỏ về đào tạo kiến thức kỹ thuật và kỹ năng nâng cao chất lượng, giảm rủi ro, tăng giá trị kinh tế rừng trồng, từ đó góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, sản phẩm còn giúp các chủ rừng nhỏ ở vùng sâu, vùng xa và đồng bào thiểu số tiếp cận với các khóa tập huấn kỹ thuật với chi phí tối thiểu.

Hoài Nam

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/dien-dan/khoa-tap-huan-1-ngay-giup-gia-tang-gia-tri-kinh-te-tu-rung-trong/180526.htm