Khoa học và công nghệ đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh

Cách đây 61 năm, ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu Hội phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng. Tại sự kiện, Bác đã giao nhiệm vụ cho giới trí thức khoa học và công nghệ. Lĩnh hội tư tưởng chỉ đạo của Người, nêu cao tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp khoa học công nghệ, tôn vinh quá trình lao động, sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức Việt Nam, ngày 18/6/2013, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18/5 hằng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Sản phẩm mắc ca của Công ty TNHH Đạt Thủy, huyện Mai Sơn được hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

Sản phẩm mắc ca của Công ty TNHH Đạt Thủy, huyện Mai Sơn được hỗ trợ xây dựng thương hiệu.

Những năm qua, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La luôn bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết của tỉnh. Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Phát huy vai trò, chức năng, Sở tham mưu cho tỉnh đề ra những định hướng, ban hành cơ chế chính sách, chương trình về khoa học và công nghệ kịp thời, hiệu quả. Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tiếp tục đẩy mạnh, toàn diện trên các lĩnh vực, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống. Các nhiệm vụ được triển khai, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực; từng bước xây dựng luận cứ khoa học, đề ra các chủ trương, chính sách của tỉnh, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh triển khai 64 nhiệm vụ khoa học và công nghệ, thông qua hoạt động nghiên cứu đã lựa chọn nhiều giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao được đưa vào sản xuất, như: Kỹ thuật ghép cải tạo cây ăn quả; nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng nhân giống các giống bơ, nhãn, mận hậu; xây dựng mô hình trồng giống nho chịu hạn theo hướng hữu cơ; nuôi bò lai F1 giữa giống bò BBB và bò lai Sind; bảo tồn các giống lúa nếp đặc sản...

Từ một tỉnh miền núi khó khăn, Sơn La đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, hình thành vùng cây ăn quả, rau, hoa chất lượng cao tập trung, như: vùng trồng nhãn huyện Sông Mã; vùng trồng xoài, mận hậu xuất khẩu huyện Mai Sơn, Yên Châu; vùng trồng na, mận, cà phê, chè, lúa đặc sản huyện Sốp Cộp, Mai Sơn, Sông Mã, Mường La; mô hình nuôi cấy mô lan kim tuyến, lan hồ điệp tại huyện Mộc Châu... Nhiều sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu, không chỉ mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, mà còn tạo chỗ đứng trên thị trường.

Các nghiên cứu về xã hội, nhân văn được triển khai, như đề tài “Nâng cao hiệu quả công tác giám sát cộng đồng đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh”, “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng mô hình quản lý công trình hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị trên địa bàn thành phố Sơn La”; “Ứng dụng công nghệ thực tế ảo xây dựng mô hình tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La”..., góp phần đưa ra các giải pháp hiệu quả, phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực.

Công tác sở hữu trí tuệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được quan tâm triển khai. Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cộng đồng về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản. Đến nay, toàn tỉnh có 28 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, nhiều sản phẩm quả tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ an toàn đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, với sự tham gia của hàng nghìn hộ nông dân trong tỉnh.

Thuận Châu là địa phương có lợi thế phát triển cây chè, năm 2018, sản phẩm chè của huyện được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, đây là động lực để nông dân mở rộng diện tích, phát triển vùng chè nguyên liệu lên gần 800 ha. Không chỉ tạo nguồn thu cho gần 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè, còn giúp địa phương giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, chia sẻ: Năm 2019, sản phẩm “Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu”, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm vinh dự tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. HTX đang tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất các giống chè chất lượng cao, sản xuất theo hướng hữu cơ. Trung bình mỗi năm, HTX bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con; sản xuất 600 tấn chè khô cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện thực hóa mục tiêu đưa Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh, bền vững, ngành Khoa học và Công nghệ tích cực tham mưu cho tỉnh chỉ đạo xây dựng các chương trình, đề án về khoa học và công nghệ. Tăng cường phát triển tài sản trí tuệ, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực của sự phát triển.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/khoa-hoc-va-cong-nghe-dong-hanh-cung-su-phat-trien-cua-tinh-fddt8GEIR.html