Khoa học góp phần giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm

Các nhà hàng, tiệm tạp hóa, nông dân, công ty thực phẩm đang tìm đến biện pháp hóa học hoặc vật lý để giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm.

Nhận thức ngày càng tăng về vấn đề lãng phí thực phẩm và tác hại trong kinh tế lẫn môi trường đã thúc đẩy nỗ lực giảm thiểu thực phẩm bị vứt đi.

Nhóm nghiên cứu ReFed đã chỉ ra, trong năm 2021, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giải quyết lãng phí thực phẩm tại Mỹ huy động được đến 4,8 tỉ USD – cao hơn 30% so với số tiền huy động năm 2020.

Cũng theo ReFed, riêng tại Mỹ, năm 2019, khoảng 35% trong số 229 triệu tấn thực phẩm (trị giá khoảng 418 tỉ USD) không bán được hoặc không được ăn hết. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ cho biết, thực phẩm là chất thải chiếm tỷ lệ lớn nhất ở các bãi chôn lấp. Thực phẩm thối rữa giải phóng khí metan.

Không ít thực phẩm không bán được hoặc không được ăn hết - Ảnh: AP

ReFed ước tính, với cách thức đóng gói công nghệ cao thì khoảng 225.000 kg thực phẩm có thể không phải đưa đến bãi chôn lấp.

Công ty Thụy Điển Innoscentia đang phát triển cảm biến giúp xác định thịt còn an toàn hay không bằng cách đo lượng vi khuẩn tích tụ trong bao bì. Công ty liên doanh Mỹ - Bỉ Ryp Labs thì phát triển nhãn dán sản phẩm giải phóng hơi nước làm chậm quá trình chín.

Công ty SavrPak do kỹ sư hàng không vũ trụ Bill Birgen thành lập cho ra đời loại túi dùng vật liệu an toàn với thực phẩm - được Cục quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt - nằm gọn trong hộp đựng mang đi, hấp thụ hơi nước ngưng tụ giữ cho thức ăn nóng và giòn.

Chuỗi tiệm gà rán Hattie B’s tại bang Tennessee (Mỹ) sau khi thử nghiệm bao bì SavrPak đã quyết định sử dụng. Mỗi túi tốn chưa tới 1 USD và đảm bảo thức ăn ngon hơn.

Túi SavrPak - Ảnh: SavrPak

Tuy nhiên, chi phí vẫn là rào cản. Chuỗi tiệm tạp hóa lớn nhất nước Mỹ Kroger chấm dứt quan hệ đối tác nhiều năm với công ty Apeel Sciences vì người tiêu dùng không sẵn lòng trả nhiều tiền hơn cho phát minh lớp phủ giữ ẩm và loại bỏ oxy giúp thực phẩm tươi lâu hơn.

Lớp phủ được làm từ hai chất phụ gia thực phẩm phổ biến là monoglyceride và diglyceride. Apeel Sciences cho biết với lớp phủ thì quả bơ có thể để thêm được vài ngày, cam chanh để được đến vài tuần.

Kroger không công bố giá thực phẩm sau khi dùng lớp phủ Apeel Sciences tăng thêm bao nhiêu. Phía Apeel Sciences nói rằng nghiên cứu của họ cho thấy khách hàng sẵn sàng trả nhiều tiền, họ sẽ tiếp tục làm việc với Kroger về công nghệ khác trong tương lai.

Một rào cản khác cũng lớn không kém: mỗi loại thực phẩm có cấu tạo sinh học và yêu cầu xử lý riêng.

Giáo sư Randy Beaudry (trường Nông nghiệp thuộc Đại học bang Michigan) cho biết, rào cản này đã khiến nhiều dự án, trong đó có dự án bao bì ngăn ngừa nấm mốc trong cà chua mà ông từng hợp tác phát triển thất bại.

Vài công ty không tạo ra công nghệ mới mà cải tiến công nghệ hiện có. Hazel Technologies bán 1-methylcyclopropene (loại khí khiến trái cây chậm chín được dùng hàng chục năm nay) nhưng dưới dạng gói nhỏ từ từ giải phóng khí vào hộp đựng sản phẩm.

Mike Mazie - giám đốc quản lý kho chứa của cơ sở đóng gói táo BelleHarvest - đặt hàng 3.000 gói trong năm nay. Ông đánh giá 1-methylcyclopropene dạng gói “tạo nên sự khác biệt”.

Theo giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Natural Resources Defense Council Yvette Cabrera, công nghệ giải quyết lãng phí thực phẩm rất hứa hẹn nhưng chỉ là một trong số nhiều giải pháp cần thực hiện. Bà chỉ ra hầu hết thực phẩm bị lãng phí đến từ hộ gia đình nên giảm khẩu phần, mua ít thực phẩm hơn hay sửa đổi nhãn thời hạn theo hướng dễ hiểu hơn sẽ có tác dụng lớn hơn công nghệ.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/khoa-hoc-gop-phan-giai-quyet-van-de-lang-phi-thuc-pham-190727.html