Khó tuyển diễn viên sân khấu truyền thống

Những năm qua, việc tuyển dụng diễn viên cho 2 đoàn nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh gặp không ít khó khăn. Ngày càng có nhiều diễn viên, nghệ sĩ nghỉ chế độ, trong khi việc tuyển dụng diễn viên mới theo đúng quy định lại không dễ dàng, nên đơn vị đang thiếu diễn viên so với chỉ tiêu biên chế được cấp.

Thiếu hụt diễn viên 2 đoàn nghệ thuật

Nhà hát NTTT tỉnh hiện có 2 đoàn nghệ thuật, gồm: Đoàn Dân ca kịch và Đoàn Tuồng. Tổng số nhân sự của nhà hát hiện có 72 người, trong đó có 35 diễn viên. Hàng năm, 2 đoàn thực hiện biểu diễn 80 đêm phục vụ khán giả ở các địa phương trong tỉnh; 100 đêm biểu diễn dưới hình thức nghệ thuật đường phố ở TP. Nha Trang và các điểm du lịch. Nhìn chung, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị đối với đời sống tinh thần, nhu cầu tìm hiểu, thụ hưởng văn hóa của người dân đã thể hiện nhiều mặt tích cực. Để phổ biến tốt hơn, hiệu quả và lâu dài hơn, nhà hát đang có hướng phối hợp với các trường học, đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh thực hiện các buổi diễn phục vụ học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sĩ; đồng thời phục dựng, dàn dựng thêm nhiều vở diễn, trích đoạn, chương trình biểu diễn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng khán giả khác nhau.

Diễn viên Đoàn Dân ca kịch biểu diễn trong chương trình kỷ niệm Ngày Thơ Việt Nam năm 2024.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt những nhiệm vụ chuyên môn được giao, nhà hát đang đối diện với sự thiếu hụt lực lượng diễn viên. Hiện nay, Đoàn Dân ca kịch có 17 diễn viên, Đoàn Tuồng có 18 diễn viên. So với chỉ tiêu biên chế được giao, cả 2 đoàn đang thiếu 8 diễn viên; chưa kể sắp tới, Đoàn Dân ca kịch lại có thêm 3 diễn viên nghỉ hưu. Thế nhưng, việc tuyển dụng lại không dễ, vì nguồn diễn viên đầu vào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo quy định là rất khó. Trong đó, yêu cầu về bằng cấp chuyên môn trình độ cao đẳng hoặc đại học đối với vị trí diễn viên là đòi hỏi bắt buộc, trong khi trên địa bàn tỉnh hiện không có cơ sở đào tạo bộ môn NTTT. Vậy nên, nguồn diễn viên sân khấu truyền thống dân ca kịch bài chòi, tuồng để cung cấp cho nhà hát gần như không có. Thực tế, có những người được truyền dạy về NTTT từ trong gia đình nên có chuyên môn rất tốt, nhưng họ lại không có bằng cấp do các cơ sở đào tạo cấp theo quy định. Đối với dân ca kịch bài chòi, nhà hát có thể tuyển dụng một số người có bằng thanh nhạc rồi bồi dưỡng thêm, nhưng với sân khấu tuồng thì đòi hỏi phải có bằng cấp của loại hình nghệ thuật này.

Trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có Trường Đại học Khánh Hòa được phép đào tạo các chuyên ngành nghệ thuật ở trình độ cao đẳng. Theo quy định, các trường đại học chỉ được đào tạo từ trình độ đại học trở lên, còn trình độ cao đẳng do các trường cao đẳng nghề đào tạo. Vì vậy, từ năm 2019, Trường Đại học Khánh Hòa phải dừng đào tạo các ngành NTTT ở trình độ cao đẳng. Sau đó, nhà trường đã có nhiều văn bản kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên đến năm 2021 được bộ cho phép tuyển sinh sinh viên ở 6 ngành nghệ thuật trình độ cao đẳng, gồm: Hội họa; đồ họa; diễn viên múa; biểu diễn nhạc cụ truyền thống; biểu diễn nhạc cụ phương tây; thanh nhạc. Về năng lực đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của trường hoàn toàn đáp ứng đúng yêu cầu giảng dạy theo hướng bài bản, chuyên nghiệp. Mỗi năm, chỉ tiêu tuyển sinh cho từng chuyên ngành từ 15 đến 20 sinh viên. Tuy nhiên, vấn đề tuyển sinh cho 6 chuyên ngành nghệ thuật này rất khó khăn nên thường không đủ chỉ tiêu; các chuyên ngành này cũng không có chuyên ngành nào thuần túy về nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Cần sự kết nối

Theo ông Nguyễn Ngọc Quang Trung - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh, tình trạng thiếu hụt lực lượng diễn viên của cả 2 đoàn nghệ thuật đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chuyên môn của nhà hát. Vậy nên, thời gian tới, đơn vị rất mong giữa nhà hát với Trường Đại học Khánh Hòa có thể tìm giải pháp tháo gỡ vấn đề này. Nhà hát sẽ hỗ trợ nhà trường để thực hiện những môn học thực hành; còn nhà trường giảng dạy các môn lý luận, đại cương, cấp văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp. Qua đó, có thể đào tạo được những diễn viên có bằng cấp phù hợp và trình độ chuyên môn biểu diễn NTTT ở một mức độ nhất định.

Tiến sĩ Trần Viết Thiện - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, sự phối hợp giữa nhà trường với các đơn vị nghệ thuật trong vấn đề đặt hàng để đào tạo, bồi dưỡng vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Thực tế, việc trường xin được đào tạo trình độ cao đẳng đối với các chuyên ngành nghệ thuật chỉ có thời hạn đến năm 2025 là chấm dứt. Trong thời gian này, trường đang phải tự lớn mạnh để có thể đào tạo chuyên ngành nghệ thuật theo trình độ đại học. Khi đó mới có thể liên thông được trình độ trung cấp, cao đẳng lên đại học, từ đó mới mở được các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nên khả năng của trường hiện chỉ dừng lại ở việc phối hợp. Các cơ quan, đơn vị cần chứng nhận, chứng chỉ, nhà trường sẽ dựa trên nhu cầu, nguồn lực để mở lớp.

Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo ngành Văn hóa - Thể thao tỉnh, đồng chí Lê Hữu Thọ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị, các đơn vị nghệ thuật của tỉnh và Trường Đại học Khánh Hòa cần có sự kết nối, trao đổi thông tin, nhu cầu của nhau để có giải pháp hiệu quả, lâu dài trong việc đào tạo, chuẩn hóa trình độ diễn viên sân khấu NTTT. Từ đó, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giữ gìn, phát huy giá trị NTTT gắn với hoạt động du lịch…

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202403/kho-tuyen-dien-vien-san-khau-truyen-thong-7fc2aa0/