Khó tiếp cận gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội

Mặc dù đã triển khai được một năm nhưng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư mới giải ngân được hơn 0,5%. Nguyên nhân là bởi có quá nhiều rào cản khiến cả người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận gói tín dụng này.

Cụ thể là giải ngân được 0,53% trong số 120.000 tỷ đồng dù đã qua một năm triển khai. Cần nhắc lại về mục tiêu của gói là “phao cứu sinh”, là “động lực” để đẩy nhanh tiến độ, huy động nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội; nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhưng chiếc “phao” ấy dù đã được đẩy ra xa bờ tới cả năm trời vẫn bị nhiều người từ chối bám vào. Có ví von: “phao” đẹp nhưng chỉ để ngắm bởi nếu có với tay cứ trượt dài. Nói cách khác: trên chặng đường tiếp cận gói 120.000 tỷ có quá nhiều rào cản khiến cả người dân và doanh nghiệp nhiều khi bị trượt từ vòng đầu.

Gắn bó với khu công nghiệp tại Bắc Giang đã nhiều năm nhưng cả hai vợ chồng chị Vi Thị Nhung - Khu công nghiệp Bắc Giang vẫn phải đi thuê trọ trong căn nhà nhỏ chưa đầy 10m2. Vậy nên khi có thông tin về một dự án NOXH gần nơi làm, chị Nhung đã tìm hiểu thủ tục, rồi xin nghỉ để hoàn thiện hồ sơ nhưng "khó đủ chỗ”.

Khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội

Chị Nhung cho biết: "Xin giấy xác nhận về thực trạng nhà ở, ở nơi tôi tạm trú thì UBND xã không cho và bảo là về xin tại nơi tôi đăng ký hộ khẩu thường trú. Khi tôi xin ở nơi đăng ký hộ khẩu thường trú Sở xây dựng lại không duyệt bảo phải xác nhận ở nơi đăng ký hộ khẩu tạm trú thì mới được…".

Vậy nên dù tự xét đủ về điều kiện, thu nhập và ước mơ về một mái ấm là hiện hữu nhưng ở khâu đầu tiên liên quan đến thủ tục xác thực, tưởng như đơn giản nhất, khó khăn đã nảy sinh. Thủ tục, pháp lý… cho tới bây giờ cũng là nguyên nhân lớn nhất khiến cho các dự án không thể triển khai và điều này không hề mới.

Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý cho một dự án bất động sản ít nhất mất từ hai đến ba năm. Trong đó, riêng khâu định giá đất thường chiếm tới một nửa thời gian. Thậm chí, một số dự án còn kéo dài và chưa thể đưa ra con số cuối cùng. Nguyên nhân này đã làm đội chi phí của sản phẩm hay mỗi m2/nhà tăng cao. Doanh nghiệp không mặn mà khi “làm” nhà ở xã hội và hệ quả là nguồn cung khan hiếm, giá nhà chỉ tăng không giảm.

Cả hai vợ chồng chị Nhung vẫn phải đi thuê trọ trong căn nhà nhỏ chưa đầy 10m2.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay từ gói 120.000 tỷ cũng không phải hấp dẫn. Như hiện tại, ngân hàng thương mại cho vay mua nhà bình quân ở mức 13,5% thì người mua nhà xã hội sẽ chịu lãi 11-12%, đây là một mức lãi suất khá cao và cần cân nhắc kỹ. Bởi số tiền người vay phải trả cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi không nên quá 50% thu nhập mỗi tháng. Tuy nhiên với lãi suất trên 10%, tiền người mua nhà phải trả cho ngân hàng rất nhiều. Chưa kể việc thả nổi theo lãi suất thị trường cũng là một rủi ro mà người đi mua nhà có thể gánh chịu trong tương lai khi mà lãi suất thị trường tăng. Theo con số mới nhất, chỉ có 28/63 tỉnh tham gia vay gói 120.000 tỷ với 68 dự án; ba địa phương nhiều nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bắc Ninh, mỗi địa phương có 6 dự án. Đáng chú ý chỉ có 30/68 dự án đăng ký vay, các dự án còn lại không có nhu cầu.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/kho-tiep-can-goi-tin-dung-phat-trien-nha-o-xa-hoi-227060.htm