Khó khăn trong quản lý giống cây lâm nghiệp

Giống cây lâm nghiệp là yếu tố quyết định đến hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng rừng trồng. Tuy nhiên, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, bên cạnh một số vườn ươm có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nguồn gốc cây giống vẫn có những cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ tự phát, nhập nguồn giống trôi nổi trên thị trường.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 20 vườn ươm giống cây lâm nghiệp, tập trung chủ yếu tại các huyện: Hòa An, Thạch An, Trùng Khánh, Bảo Lạc, Bảo Lâm và Thành phố. Các vườn ươm xuất bán nhiều loại giống cây: mỡ, keo, quế, hồi, sưa, lát, thông, tông dù, xoan ta... cho người dân phát triển kinh tế rừng, trồng rừng. Qua đánh giá, phần lớn các cơ sở đều đáp ứng các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp như: có địa điểm cố định, sử dụng các giống cây được công nhận, có hồ sơ đảm bảo truy xuất nguồn gốc lô giống, thiết kế vườn ươm theo quy định…

Anh Tạ Ngọc Oanh, chủ cơ sở Vườn ươm Oanh Sơn thuộc xóm Nà Roác, xã Bạch Đằng (Hòa An) chia sẻ: Những năm trước, vườn ươm chủ yếu làm giống keo, hiện nay vườn cung ứng đủ các loại giống cây nhưng bán nhiều nhất vẫn là cây keo tai tượng Úc, bạch đàn, quế, mỡ… phục vụ trồng rừng. Trung bình hằng năm vườn xuất từ 20 - 30 vạn cây các loại.

Chị Tạ Thị Ngọc Châm, chủ cơ sở Vườn ươm Thiện Châm, tổ 10, phường Đề Thám (Thành phố) cho biết: Gia đình tự mua hạt giống về ươm, vườn ươm thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành lâm nghiệp trong quá trình sản xuất từ khâu trộn đất, đóng bầu, ươm hạt; chăm sóc đúng chu kỳ sinh trưởng mới cho xuất vườn. Các loại giống cây lâm nghiệp xuất vườn trung bình, tùy loại có giá từ 900 - 1.000 đồng/cây keo Úc, từ 1.800 - 2.000 đồng/cây bạch đàn mô, 1.000 - 1.300 đồng/cây quế.

Theo Chi cục Kiểm lâm, bình quân trên địa bàn tỉnh trồng khoảng 1.500 ha rừng/năm, nhu cầu cây giống khoảng 3 - 3,5 triệu cây/năm, chủ yếu trồng rừng mới và trồng cây phân tán gồm các loại cây keo, quế, mỡ, lát hoa… Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc quản lý các vườn ươm nhỏ, lẻ tại địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn. Nhiều vườn ươm hoạt động tự phát hoặc hoạt động theo thời vụ, chỉ sản xuất vào các thời điểm thị trường cây giống có nhu cầu cao. Bên cạnh đó, không ít chủ vườn chưa nắm rõ các quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp nên chưa thực hiện đầy đủ các quy định. Ngoài ra, một số vườn quy mô nhỏ khi được kiểm tra đều đưa ra lý do tự ươm cây giống để trồng cho gia đình. Do đó, rất khó để lực lượng chức năng xử lý, nhất là một số vườn ươm không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động như: Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lâm nghiệp Phan Văn Dũng, thị trấn Nước Hai; Cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lâm nghiệp Đàm Văn Trung, xã Nguyễn Huệ (Hòa An)…

Giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp được bày bán tại chợ thị trấn Nước Hai (Hòa An).

Với số lượng vườn ươm hoạt động tự phát nhỏ, lẻ như hiện nay, thiết nghĩ, các cấp, ngành trên địa bàn cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các vườn ươm; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ vườn thực hiện đúng quy định trong sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị từ sản xuất giống cây lâm nghiệp, giúp bà con làm giàu chính đáng, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của cả chủ vườn và chủ rừng.

Để đảm bảo chất lượng cây giống lâm nghiệp, hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất cây giống của các cơ sở trên địa bàn tỉnh, yêu cầu đảm bảo 90% lượng cây giống đưa vào trồng rừng được kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về quản lý giống cây lâm nghiệp. Tăng cường triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cây lâm nghiệp, nâng tỷ lệ cây giống được sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô sử dụng trong các chương trình trồng rừng kinh tế.

Tiếp tục ưu tiên chọn tạo, đưa vào sản xuất các giống mới được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chọi với các loại sâu bệnh và điều kiện thời tiết cực đoan. Tổ chức hoạt động sản xuất cây giống đáp ứng nhu cầu phục vụ trồng rừng hằng năm trên địa bàn tỉnh, chủ yếu là giống keo. Ưu tiên nâng cấp, mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp hoạt động đảm bảo chất lượng, thực hiện công tác quản lý giống, nguồn giống đúng quy định của pháp luật. Xây dựng các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao, có năng lực đủ mạnh, sản xuất cây giống với quy mô công nghiệp để thực hiện vai trò đầu mối triển khai các chính sách, các mô hình sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.

Để khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, đầu tư nâng cao chất lượng cây giống, cần có các chính sách ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý một số cơ sở vườn ươm sản xuất nhỏ, lẻ tự phát, nhập nguồn giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tiến Mạnh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/kho-khan-trong-quan-ly-giong-cay-lam-nghiep-3168279.html