Khó khăn trong công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh

Từ năm 2019, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) triển khai thực hiện đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Đến nay, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh đã đạt được những kết quả nhất định, tuy vậy vẫn còn gặp một số khó khăn cần được tháo gỡ.

 Dạy nghề cho học viên sau khi tốt nghiệp phổ thông - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Dạy nghề cho học viên sau khi tốt nghiệp phổ thông - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Toàn ngành giáo dục hiện có 44.468 học sinh THCS (trong đó có 10.084 học sinh lớp 9) và 25.559 học sinh cấp THPT (trong đó có 7.811 học sinh lớp 12). Tại các trường phổ thông, công tác giáo dục hướng nghiệp chủ yếu do giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, bí thư đoàn trường kiêm nhiệm, hầu hết chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ (thời lượng dành cho giáo dục hướng nghiệp là 9 tiết/năm học/lớp).

Năm học 2019 - 2020, số giáo viên thực hiện tư vấn hướng nghiệp tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) là 18 người, số giáo viên kiêm nhiệm công tác giáo dục hướng nghiệp tại các trường phổ thông có cấp THPT là 332 người, trường có cấp THCS thuộc phòng giáo dục và đào tạo là 149 người. Đối với các trung tâm GDNN - GDTX thì có giáo viên thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp, truyền thông phân luồng học sinh trung học trên địa bàn huyện. Đối tượng được tư vấn hướng học, hướng nghiệp là học sinh lớp 8, 9 và lớp 12.

Giám đốc Sở GD & ĐT Lê Thị Hương cho biết, từ năm 2019 - 2020, sở đã triển khai tập huấn công tác tư vấn hướng nghiệp học sinh cho 174 giáo viên kiêm nhiệm hoạt động giáo dục hướng nghiệp tại các trường trung học, giáo viên thực hiện công tác tư vấn hướng nghiệp tại trung tâm GDNN - GDTT trong toàn tỉnh. Các cơ sở giáo dục trung học đã triển khai hoạt động giáo dục hướng nghiệp 9 tiết/năm/lớp học theo yêu cầu chương trình của Bộ GD & ĐT; trung tâm GDNN - GDTX phối hợp với các cơ sở giáo dục triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp và truyền thông phân luồng học sinh. Nhờ vậy, năm học 2018 - 2019 có 4.464 học sinh THCS và 4.699 học sinh THPT; năm học 2019 - 2020 có 3.631 học sinh THCS và 4.474 học sinh THPT được tư vấn hướng nghiệp.

Theo báo cáo của Sở GD & ĐT, năm học 2019 - 2020, trong số 10.344 học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2018 - 2019 có 8.911 em vào THPT, chiếm 86,15%; 557 học sinh đi học nghề tại các cơ sở GDNN, trung tâm GDNN - GDTX, chiếm 5,38%; còn lại 876 học sinh đi theo luồng khác, chiếm 8,46%. Năm học 2020 - 2021, trong tổng số 10.082 học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2019 - 2020 có 8.600 em vào THPT, chiếm tỉ lệ 85,30%; có 583 em học tại các cơ sở GDNN, chiếm tỉ lệ 5,78% (chỉ tiêu trong kế hoạch là 15%). Đối với cấp học THPT, năm học 2019 - 2020, trong số 7.515 học sinh tốt nghiệp THPT năm học 2018 - 2019 có 317 học sinh tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng, chiếm tỉ lệ 4,21%, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra là ít nhất 20% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng. Năm học 2020 - 2021, trong số 7.132 học sinh tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020 có 816 em tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng, chiếm 11,44%.

Trên thực tế, số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không học lên lớp 10, không vào trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề mà vào thẳng thị trường lao động hoặc trở về địa phương làm việc khi chưa được đào tạo nghề là khá lớn (chiếm 8,93%). Từ số liệu trên cho thấy, chỉ tiêu phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông trên địa bàn tỉnh trong 2 năm qua chưa đạt mục tiêu đã đề ra. Đây là thách thức lớn đối với chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, cần có những giải pháp khả thi để thực hiện hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh.

Bà Lê Thị Hương cho hay, công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đơn cử như nhiều phụ huynh và học sinh còn mơ hồ về giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh. Các trường phổ thông chưa có giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp chuyên biệt; giáo viên kiêm nhiệm chưa được đào tạo bài bản. Cơ chế chính sách về phân luồng chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ. Xã hội chưa nhìn nhận đúng vai trò của người lao động ở trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động còn chuộng bằng cấp cao hoặc không cần người lao động phải qua đào tạo mà chỉ cần lao động tốt nghiệp THCS, THPT... “Vì vậy, trong thời gian tới, Sở GD & ĐT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông; tạo điều kiện để các trung tâm GDNN - GDTX tuyển sinh lớp 10, tổ chức vừa học văn hóa, vừa học nghề; cung cấp thông tin, chia sẻ dữ liệu kết quả kỳ thi tốt nghiệp THCS, THPT với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các trung tâm GDNN để làm cơ sở thực hiện công tác tuyển sinh, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT vào cơ sở GDNN. Tăng cường các điều kiện vật chất, trang thiết bị phục vụ gắn giáo dục phổ thông với giáo dục hướng nghiệp. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp trong các trường phổ thông, trung tâm GDNN - GDTX...”, bà Hương cho biết thêm.

Trần Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=157913&title=kho-khan-trong-cong-tac-giao-duc-huong-nghiep-va-dinh-huong-phan-luong-hoc-sinh