Khó khăn ngắn hạn không làm chùn bước tham vọng tranh giành thị phần của các nhà bán lẻ

Dù thị trường bán lẻ trong nước từ đầu đến nay gặp nhiều khó khăn về sức mua nhưng không làm chùn bước tham vọng của các nhà bán lẻ thuộc khối nội lẫn khối ngoại. Nhất là trước triển vọng hồi phục vào các tháng cuối năm và trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ là câu chuyện đầu tư chính của các nhà bán lẻ hàng đầu trong 'cuộc chiến' tranh giành thị phần.

Theo sáng kiến mới đây của ban lãnh đạo Masan Group, từ nay đến cuối năm 2023, WinCommerce (WCM) - công ty vận hành chuỗi WinMart/Win Mart+, sẽ mở thêm 348 cửa hàng mới.

“Đi trước đón đầu

Ngoài ra, để thúc đẩy tăng trưởng, WCM sẽ cải tạo 250 cửa hàng WinMart+ sang mô hình WIN, chuyển đổi 676 cửa hàng hiện có ở khu vực nông thôn sang mô hình Win Mart+ Rural, và chuyển đổi 9 WinMart sang mô hình mới.

Bất chấp sức mua trên thị trường còn chậm, các nhà bán lẻ khối nội lẫn khối ngoại vẫn không chùn bước tham vọng tranh giành thị phần.

Với những sáng kiến này, WCM đặt mục tiêu biên EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, và khấu hao) đạt 5% vào cuối năm và mang lại doanh thu từ 30.500 – 33.500 tỷ đồng.

Hoặc như Aeon (nhà bán lẻ Nhật Bản) vào cuối tháng 7/2023 tiếp tục ra mắt mô hình siêu thị mới tại Bình Dương. Tập đoàn này xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai, chỉ sau Nhật Bản, để đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và mở rộng kinh doanh chuỗi bán lẻ hiện đại.

Thời gian tới, nhà bán lẻ này sẽ đẩy mạnh các chiến lược đầu tư chọn lọc. Trong đó, việc khai trương mô hình bán lẻ mới tại miền Nam là một trong các trọng tâm phát triển.

Ngoài Aeon, bất chấp sức mua thị trường còn chậm, các nhà bán lẻ của Nhật Bản đã và đang tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Như hồi tháng 6/2023, UNIQLO (thương hiệu bán lẻ thời trang) đã khai trương cửa hàng ở Bình Dương sau khi đã có 15 cửa hàng hiện diện tại Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, các nhà bán lẻ Nhật đang “đi trước đón đầu”, họ nhìn thấy tương lai, dự tính được thời gian sắp tới. Bởi lẽ, về ngắn hạn có thể sức mua giảm do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới chung, nhưng về dài hạn thì thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng cho các nhà bán lẻ ngoại khai thác.

Giới quan sát đánh giá dù thị trường bán lẻ trong nước từ đầu đến nay gặp nhiều khó khăn về sức mua nhưng trước triển vọng hồi phục vào các tháng cuối năm và trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ là câu chuyện đầu tư chính của các nhà bán lẻ hàng đầu thuộc khối nội và khối ngoại.

Trong báo cáo mới phát hành vào thượng tuần tháng 8/2023 về cập nhật ngành hàng tiêu dùng - bán lẻ, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán BVSC nhận định đang có dấu hiệu phục hồi dần rõ nét sau nửa đầu năm 2023 đầy thách thức.

Sau khi xem xét kỹ kết quả kinh doanh quý 2/2023 mới công bố của các nhà bán lẻ như CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), giới phân tích đánh giá có những điểm tích cực như thị phần gia tăng nhờ thế mạnh tài chính và xoay trục chiến lược. Đơn cử như MWG với mảng MCE (điện thoại, điện máy) và chuỗi Bách hóa xanh; còn FRT thể hiện rõ nhất ở chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Không chỉ vậy, khi tiêu thụ cải thiện và sản phẩm mới ra mắt, MWG và FRT giành thêm thị phần, đặc biệt với sản phẩm iPhone và ngăn cản các chuỗi nhỏ hơn mở cửa hàng mới.

Dai dẳng “cuộc chiến” thống lĩnh thị phần

Còn với CTCP Thế giới số (DGW) - nhà bán lẻ công nghệ và điện máy (ICT&CE), biên lợi nhuận ròng được dự báo sẽ hồi phục trong 5 tháng cuối năm nay nhờ nhu cầu gia tăng vào mùa tựu trường và mùa cuối năm, giảm thanh lý hàng tồn giúp hạn chế cạnh tranh giá và cơ cấu bán hàng cải thiện (đóng góp lớn hơn từ các mảng có biên lợi nhuận cao hơn).

Gần đây, DGW đặt mục tiêu lợi nhuận ròng quý 3/2023 phục hồi 20,5% so với quý trước đó, lên 100 tỷ đồng, với doanh thu thuần cải thiện 13,1% so với quý trước lên 5.200 tỷ đồng. Đáng chú ý hơn nữa, DGW kỳ vọng vào quý 4/2023, lợi nhuận ròng sẽ quay lại đà tăng trưởng dương cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, giới phân tích dự báo lợi nhuận ròng của DGW sẽ hồi phục mạnh mẽ 39,5% vào năm 2024 và 29,8% vào năm 2025, sau khi có thể sẽ giảm 33,4% trong năm 2023.

Với MWG, Bộ phận phân tích của BVSC kỳ vọng lợi nhuận ròng của nhà bán lẻ nội địa này trong năm 2024 sẽ hồi phục mạnh 132,1% sau khi giảm 70% trong năm 2023. Điều này nhờ vào kết quả kinh doanh chuỗi MCE hồi phục, và chuỗi Bách hóa xanh tiếp tục thu hẹp các khoản lỗ.

Tương tự, với FRT, những lợi thế tiên phong của chuỗi nhà thuốc Long Châu có thể giúp mang lại đóng góp lợi nhuận đáng kể hơn, trong khi chuỗi di động có khả năng chuyển biến ghi nhận lợi nhuận trong năm 2024.

Mở cửa hàng một cách chọn lọc, mở rộng cơ sở khách hàng và tăng biên lợi nhuận là những động lực chính cho các nhà bán lẻ trong thời gian tới. Theo dự báo, lợi nhuận ròng năm 2025 cho 2 công ty bán lẻ là MWG, FRT ở mức 15,4-34,3%.

Theo giới chuyên gia, điều tồi tệ nhất đã qua và sự phục hồi của thị trường bán lẻ ở Việt Nam đang diễn ra. Trong báo cáo mới nhất về xu hướng thị trường Việt Nam quý 2/2023, Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho biết doanh số bán lẻ và dịch vụ đã tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, lường trước những khó khăn còn dai dẳng, giới phân tích lưu ý kết quả kinh doanh của các nhà bán lẻ năm nay có thể vẫn thấp hơn dự báo hiện tại. Và sẽ có ý nghĩa hơn nếu nhìn vào sự phục hồi của thị trường bán lẻ trong giai đoạn 2024-2025.

Theo đó, khi nhu cầu tiêu dùng trở lại bình thường hóa thì việc thống lĩnh thị phần là rất quan trọng với các nhà bán lẻ. Và chiến lược cạnh tranh giá đang chứng minh có thể giúp các nhà bán lẻ lớn thuộc khối nội và khối ngoại giành thêm được thị phần (thông qua việc gia tăng lượng khách hàng mới vốn chưa được phục vụ và nhạy cảm về giá).

Chẳng hạn như nhà bán lẻ của Thái Lan là MM Mega Market Việt Nam đã và đang triển khai hai chiến dịch về giá được xem là lớn nhất trong năm nay tại tất cả các trung tâm MM trên toàn quốc. Từ tháng 7/2023, nhà bán lẻ này tiếp tục triển khai chương trình giá sỉ và khóa giá đợt 2 với sự tham gia của đa dạng hơn các mặt hàng thiết yếu và hàng nhãn riêng.

Nhìn chung, những khó khăn trong ngắn hạn không thể làm chùn bước tham vọng của các nhà bán lẻ thuộc khối nội lẫn khối ngoại. “Cuộc chiến” tranh giành thị phần sẽ còn dai dẳng. Với nhà bán lẻ của khối nội, điều mong đợi nhất là ngoài nỗ lực mở rộng thị phần thì cần có chiến lược cạnh tranh về giá thích hợp và tạo được thế mạnh về vận hành chuỗi bán lẻ để tăng sức cạnh tranh với khối ngoại trong thời gian tới.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/kho-khan-ngan-han-khong-lam-chun-buoc-tham-vong-tranh-gianh-thi-phan-cua-cac-nha-ban-le-1094402.html