Khó khả thi khi để người lao động tự đóng 8% tiền bảo hiểm xã hội

Đề xuất để người lao động trực tiếp đóng bảo hiểm xã hội không phải là vấn đề mới được đề cập, song đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng khó khả thi trong bối cảnh hiện nay…

Ảnh minh họa.

Liên quan đến đề xuất để người lao động tự đóng tiền bảo hiểm xã hội của mình dựa trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thay vì để doanh nghiệp đóng như hiện nay, nhằm hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có phản hồi về vấn đề này.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết, pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành quy định người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo đơn vị sử dụng lao động.

Theo đó, hằng tháng người sử dụng lao động sẽ trích nộp bảo hiểm xã hội từ tiền lương phần trách nhiệm đóng của người lao động (8%) và phần trách nhiệm đóng của chủ sử dụng lao động đóng (14%) để đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Quy định này đã được thực hiện ổn định từ nhiều năm nay.

Vì vậy, đề xuất để người lao động tự đóng phần bảo hiểm xã hội của mình sẽ là vấn đề cần tính toán kỹ. Bởi hiện có những đơn vị doanh nghiệp có đến hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người lao động, họ phải trích một lần tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cùng với kỳ trả lương hàng tháng để nộp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.

Nếu quản lý theo đối tượng doanh nghiệp thì Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ quản lý trên 600 nghìn đơn vị sử dụng lao động có đóng bảo hiểm.

Theo ông Cường, hiện với hơn 16 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nếu để số này trực tiếp đóng phần bảo hiểm xã hội của mình thì cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ phải quản lý từng này đầu mối. Hàng tháng phải có các biện pháp đốc thúc việc đóng của nhóm này sẽ phát sinh nhiều bất cập.

“Đề xuất cần đánh giá kỹ lưỡng, chi tiết, ở nhiều khía cạnh để đảm bảo tính phù hợp, khả thi trong thực tiễn, bởi nếu làm không khéo sẽ không đảm bảo quy định hiện hành”, ông Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Dưới góc độ công đoàn, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đây là vấn đề phát sinh từ thực tiễn và công đoàn cũng ghi nhận kiến nghị của người lao động từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo ông Quảng, đề xuất này sẽ khó thực hiện, bởi khó có giải pháp khả thi nào để tách bạch được các khoản đóng của người lao động và người sử dụng lao động.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương ở khu vực doanh nghiệp, thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động.

Từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Tuy nhiên, qua tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 để phục vụ quá trình sửa đổi Luật, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ghi nhận có trình trạng trong doanh nghiệp luôn tồn tại 3 loại thu nhập của người lao động là: Loại làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, loại để quyết toán và loại trả cho người lao động.

Thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội luôn ở mức thấp nhất, chỉ bằng lương tối thiểu vùng cộng 7% với lao động qua đào tạo nghề và thêm 5-7% với người làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đáng chú ý, có doanh nghiệp chẻ thu nhập, tách phụ cấp sang các phúc lợi khác để không phải tính đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong khi đó, quy định hiện hành khó tách bạch các khoản phụ cấp tính đóng bảo hiểm xã hội với doanh nghiệp trả theo lương tối thiểu vùng, bởi mỗi nơi xây dựng thang bảng lương, phụ cấp, mức tiền khác nhau.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường, pháp luật lao động đã quy định doanh nghiệp được tự quyết việc xây dựng cơ chế tiền lương, thang bảng lương. Từ đó, mỗi doanh nghiệp được xây dựng các khoản lương, phụ cấp riêng, và trong thực tiễn từng đơn vị lại có những quy định khác nhau. Thậm chí, có doanh nghiệp đã gửi tới Bộ danh sách hơn 100 khoản.

Trước những vấn đề nảy sinh trong quy định về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi theo hướng, tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với khu vực doanh nghiệp sẽ là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023, dự kiến thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kho-kha-thi-khi-de-nguoi-lao-dong-tu-dong-8-tien-bao-hiem-xa-hoi.htm