Khó đạt chỉ tiêu lọt vào top 4 ASEAN về Chính phủ điện tử

Một chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết 36a là hết năm 2016 Việt Nam nằm trong Nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT). Tuy nhiên, Văn phòng Chính phủ vừa nhận định chỉ tiêu này khó có khả năng hoàn thành.

Theo báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2016 được Liên hợp quốc công bố hồi tháng 7, Việt Nam xếp thứ 89/193 nước trên thế giới về chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, tăng 10 bậc so với năm 2014 nhưng tụt xuống vị trí thứ 6 trong 11 nước ASEAN (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử.

Hoàn thành 8/168 nhiệm vụ cụ thể

Trong báo cáo quý III/2016 tình hình thực hiện Nghị quyết 36a, Văn phòng Chính phủ - đơn vị được Chính phủ giao chủ trì triển khai Nghị quyết này cho biết, sau gần 1 năm thực hiện, các nhiệm vụ chung của Nghị quyết 36a đã được các bộ, ngành, địa phương cơ bản hoàn thành.

Các cơ quan đã phân công một số lãnh đạo phụ trách trực tiếp công tác ứng dụng CNTT; ban hành kế hoạch xây dựng cơ quan điện tử để thực hiện Nghị quyết 36a; công khai tiến độ xử lý hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và kết nối, liên thông phần mềm quản lý hồ sơ công việc của cơ quan mình với Văn phòng Chính phủ.

“Việc ban hành Nghị quyết 36a đã có tác động tích cực về mặt nhận thức để các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tăng cường chỉ đạo công tác ứng dụng CNTT”, Văn phòng Chính phủ đánh giá.

Cũng theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, thời gian vừa qua, cơ quan này đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT bước đầu thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ của Nghị quyết 36a với cách làm mới như: kế thừa những kết quả ứng dụng CNTT trước đây của các bộ, ngành, địa phương; tập hợp sử dụng nguồn lực cán bộ CNTT từ nhiều doanh nghiệp CNTT, cả các tập đoàn lớn của nhà nước như VNPT, Viettel; sử dụng hạ tầng kỹ thuật hiện có là Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, không xây dựng hạ tầng mới, tạo điều kiện triển khai các ứng dụng trong thời gian ngắn hơn.

Tuy nhiên, thống kê sơ bộ của Văn phòng Chính phủ cho hay, đến hết tháng 9/2016, trong l68 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành Trung ương được giao tại Nghị quyết 36a, mới chỉ có 8 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, đạt tỷ lệ hơn 11%.

Cụ thể, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, 8 nhiệm vụ đã được các bộ, ngành Trung ương đã cơ bản hoàn thành gồm có: Kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương; Công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ; Thiết lập trang tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để công bố thông tin về doanh nghiệp nhà nước; Thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần hạ tầng viễn thông của Việt Nam theo phương pháp đánh giá phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc; Công bố đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh trên trang tin doanh nghiệp và Cổng dịch vụ công quốc gia; Cung cấp trực tuyến dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp; Thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần nguồn nhân lực của Việt Nam theo phương pháp đánh giá phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc; Tiếp tục rà soát, đơn giản hồ sơ, quy trình và t hủ tục kê khai thu và chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục kê khai tham gia bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp xuống còn 49 giờ.

Khó có khả năng hoàn thành một số chỉ tiêu chủ yếu

Báo cáo quý III/2016 của Văn phòng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a cũng chỉ rõ, nhiều nhiệm vụ có thời hạn cụ thể đã qua nhưng chưa thực hiện xong. Một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng CNTT, thiết lập các hệ thống thong tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử (hệ thống thông tin đất đai - xây dựng), hay việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (cấp phép qua mạng điện tử) để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mới chỉ bước đầu được triển khai, chưa có kết quả cụ thể.

Bên cạnh đó, theo Văn phòng Chính phủ, có tình trạng một số bộ, ngành Trung ương chưa gửi báo cáo kịp thời, nội dung chưa bám sát vào các nhiệm vụ được giao về Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại phiên họp các tháng cuối quý.

Đáng chú ý, trong báo cáo nêu trên, Văn phòng Chính phủ nhận định: một số chỉ tiêu chủ yếu đến hết năm 2016 của Nghị quyết 36a là khó có khả năng hoàn thành. Cụ thể là, chỉ tiêu các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công trực tuyến ở mức 3, 4 và chỉ tiêu Việt Nam nằm trong Nhóm 4 các quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc.

Liên quan đến Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, trong Nghị quyết 36a, Chính phủ đã xác định một trong những chỉ tiêu chủ yếu về phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam đến năm 2017 là cải cách toàn diện cả 3 nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn lực; phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong Nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Trước đó, vào tháng 7/2016, Liên hợp quốc đã công bố báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2016 chủ đề “Chính phủ điện tử hỗ trợ phát triển bền vững”. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 89/193 nước trên thế giới, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2014 và lọt vào nhóm các nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử cao.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Liên hợp quốc, với việc đạt được 0,5143 điểm, Việt Nam mặc dù tăng 10 bậc so với năm 2014 nhưng lại tụt xuống vị trí thứ 6 trong khu vực ASEAN (năm 2014 Việt Nam đứng 5 trong 11 nước ASEAN), xếp sau các nước: Singapore (thứ 4 thế giới và thứ nhất ASEAN); Malaysia (60, 2); Philippines (71, 3); Thái Lan (77, 4); Brunei (83, 5). Trong đó, chỉ số về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam năm 2016 được đánh giá cao, đạt 0,57 điểm, tăng 0,16 điểm so với năm 2014; chỉ số phát triển thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tăng; nhưng 2 chỉ số thành phần về hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực đều giảm và ở dưới mức trung bình của khu vực châu Á.

Tại báo cáo quý III/2016, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới tập trung triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 36a, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ có thời hạn cụ thể; đồng thời thực hiện việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong năm 2016 theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý; báo cáo kết quả thực hiện tại phiên họp Chính phủ với các địa phương năm 2016.

Vân Anh

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/cntt/nuoc-manh-cntt/kho-dat-chi-tieu-lot-vao-top-4-asean-ve-chinh-phu-dien-tu-144349.ict