Khó có lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine năm 2024

Ngày 29/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, nước này không nhận thấy khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine trong năm 2024 do các quan điểm của Kiev cùng các nước phương Tây với Nga.

Binh sĩ Ukraine ngồi trên xe bọc thép quân sự trên con đường gần Lyman, thuộc vùng Donetsk, ngày 4/10/2022. Ảnh: AFP

Trong bài phỏng vấn với tờ Izvestia ngày 29/11, ông Sergey Ryabkov đã đưa ra một số phân tích của bản thân về mối quan hệ hiện tại giữa Nga với Ukraine và NATO. Bất chấp những phân tích trên các phương tiện truyền thông phương Tây cho rằng Mỹ có thể thúc đẩy Tổng thống Volodymyr Zelensky tiến tới việc ngồi vào bàn đàm phán, ông không kỳ vọng sẽ có bất cứ đột phá nào xảy ra trong năm tới.

Theo ông, Washington coi công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky như một "câu thần chú" và cho rằng đó là cơ sở duy nhất có thể dẫn tới một “thỏa thuận”. Ông khẳng định một cuộc đối thoại sẽ “không thể dựa trên cơ sở này”.

Công thức hòa bình do ông Zelensky đề xuất từ năm 2022 bao gồm một số điều kiện, trong đó nổi bật là việc Kiev yêu cầu lấy lại quyền kiểm soát biên giới trước năm 2014, nhận tiền bồi thường từ Moscow, đồng thời đưa các quan chức Nga ra trước tòa án trong bối cảnh quốc tế hỗ trợ rộng rãi cho Ukraine. Moscow đã bác bỏ đề xuất này vì cho rằng nó xa rời thực tế.

Khi được hỏi về khả năng một lệnh ngừng bắn với Ukraine có thể được ký kết trong năm 2024 hay không, ông Ryabkov không đưa ra một câu trả lời tích cực. Ông cho biết: “Tôi kỳ vọng các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ đạt được một cách vô điều kiện”.

Về quan hệ với NATO, ông khẳng định việc liên minh này mở rộng tại châu Âu chính là nguyên nhân chính dẫn tới xung đột Ukraine và mối quan hệ của Nga với khối này khó có thể sớm phục hồi “vì lý do nguyên tắc và tính chất thực tế”.

Ông Ryabkov cảnh báo rằng các thành viên NATO đang “đánh bạc” bằng cách xâm phạm các lợi ích cơ bản của Nga và dường như tin rằng không có giới hạn nào trong việc đặt cược. Tuy nhiên, ông cho biết “họ có thể rơi vào nhóm thua cuộc”. “Nếu ai đó ở phương Tây nghĩ rằng chúng ta cần mối quan hệ này và một lúc nào đó sẽ đến và yêu cầu khôi phục, thì đó là một sai lầm lớn trong phán đoán", ông nói.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào cuối tháng 2/2022, đã có nhiều nỗ lực đàm phán và xúc tiến hòa bình được đề xuất. Trong đó, Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine.

Đầu tháng 4/2022, cuộc đàm phán giữa hai bên đã bị đóng băng sau khi Ukraine cáo buộc quân đội Nga sát hại dân thường ở vùng ngoại ô Bucha của thủ đô Kiev, trong khi Moscow phủ nhận điều này. Kể từ đó, Nga và Ukraine đã không ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về giải pháp hòa bình.

Đến tháng 10/2022, sau khi Nga tiến hành sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, Tổng thống Ukraine Zelensky ký sắc lệnh loại trừ mọi khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Putin. Sắc lệnh này loại trừ mọi khả năng Kiev tiến hành đàm phán với Moscow khi ông Putin vẫn nắm quyền.

Nga và Ukraine đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn, trong đó Kiev tuyên bố sẽ chỉ ngồi vào bàn đàm phán khi Moscow rút quân và trao trả các vùng đã sáp nhập, bao gồm cả bán đảo Crimea.

Ngược lại, Nga cáo buộc sắc lệnh cấm đàm phán của Ukraine đã cản trở các cuộc hòa đàm giữa hai nước, đồng thời yêu cầu Kiev cần phải nhìn nhận "thực tế mới về lãnh thổ" và công nhận các tuyên bố của Moscow với những khu vực đã sáp nhập.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/kho-co-lenh-ngung-ban-giua-nga-va-ukraine-nam-2024-post29686.html