'Kho báu' ở trong rừng

'…Trong mỗi tấc rừng đều có kho báu! Có điều không phải cứ mang cuốc xẻng đào là kho báu lộ ra ngay, mà muốn tìm thấy kho báu phải mất rất nhiều mồ hôi, công sức. Nhưng đổi lại khi đào được thì thành quả cũng ngọt ngào hơn…'.

Ông Trần Quốc Trịnh kiểm tra cầu ong của gia đình.

Ông Trần Quốc Trịnh kiểm tra cầu ong của gia đình.

Đó là chia sẻ của cựu chiến binh Trần Quốc Trịnh, xã Xích Thổ, huyện Nho Quan khi chúng tôi có dịp đến thăm mô hình kinh tế đồi rừng của ông vào những ngày tháng 5. Vừa dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi ong, ông hồ hởi chia sẻ: "Gia đình tôi có 300 đàn ong đang vào vụ cao điểm để lấy mật. Trung bình cứ 1 tuần là sẽ quay mật với năng suất khoảng 1 lít/đàn. Mọi năm tôi thu hoạch từ 3,9 tấn lít mật, năm nay hoa rừng nở nhiều hơn, đàn ong khỏe mạnh nên khả năng sẽ đạt năng suất cao hơn".

Ông Trịnh cho biết: Thông thường nhiều hộ gia đình sẽ chọn mật ong nhãn, vải nhưng bản thân ông khi hoa nhãn, vải nở thì vẫn đang cho đàn ong dưỡng sức. Sau đó sẽ tập trung cho ong khai thác mật hoa rừng. Bởi theo ông trong rừng có nhiều loại cây thuốc quý, vì vậy mật cũng thơm ngon và quý hơn. Mời chúng tôi thử chén mật đặc sánh mà ông vừa quay xong, ông Trịnh trầm ngâm: "Để có được những quả ngọt như ngày hôm nay đó là một quá trình dài với không biết bao nhiêu công sức mà kể.

Sau khi đi bộ đội về, tôi cũng làm đủ nghề để mưu sinh nhưng kinh tế gia đình vẫn khó khăn, chật vật. Ngẫm thấy bản thân bôn ba khắp nơi kiếm sống tại sao không về quê phát triển kinh tế đồi rừng? Vậy là tôi đã mạnh dạn đấu thầu hơn 10 ha với mong muốn cải tạo diện tích rừng và nuôi chí làm giàu tại quê hương." Lúc đó, ai cũng bảo tôi "gàn dở", khi vay hàng tỷ bạc để thuê máy móc, nhân công về cải tạo rừng, trồng cây. Hàng tháng trời ăn ngủ trong rừng, ốm không biết bao nhiêu lần, thậm chí đã định bỏ cuộc. Nhưng cứ nghĩ đến những cánh rừng hoang hóa, bỏ phí và bao tâm huyết mình bỏ ra, tôi lại kiên trì và cố gắng hơn. Sau bao vất vả, khó khăn giờ đây rừng đã đền đáp xứng đáng công sức mà người lính Trần Quốc Trịnh bỏ ra.

Hiện nay, diện tích đồi rừng của gia đình ông đã tăng lên hơn 20 ha và được phủ kín bởi các cây keo, xoan, sưa; bên dưới ông Trịnh kết hợp nuôi ong, trồng khoai Tam Đảo, sắn, củ mài và chăn nuôi hàng nghìn con gà, dê, bò. Theo tính toán của ông, mật ong mỗi năm cho thu nhập từ 400-600 triệu đồng, ngoài ra các nguồn thu khác từ chăn nuôi và trồng rừng sẽ cho thu nhập lên tới hàng tỷ đồng. Gia đình ông đang tạo việc làm cho 7 lao động trong xã với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng.

Được chứng kiến những tán rừng xanh mướt, bên dưới là cây củ sắp được thu hoạch quả thực ông Trịnh đã không quá khi cho rằng mình đã tìm thấy "kho báu" ở trong rừng. Nhờ rừng, gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ giàu tại địa phương và tạo thu nhập cho nhiều gia đình khác.

Ông Nguyễn Đức Hứa, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xích Thổ cho biết: Mô hình kinh tế đồi rừng của ông Trần Quốc Trịnh là mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, ông luôn cần cù, chịu khó học hỏi, đồng thời năng động, sáng tạo đưa những cây, con mang giá trị cao về canh tác. Từ mô hình này chúng tôi đã nhân rộng cho nhiều hội viên trong xã. Hiện toàn xã có 55 cựu chiến binh, trong đó có 9 mô hình kinh tế đồi rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo đồng chí Đinh Quang Khảo, Phó Chủ tịch UBND xã Xích Thổ: Hiện nay, toàn xã có 193 ha rừng giao cho hơn 40 hộ canh tác, chủ yếu là trồng keo kết hợp nuôi ong, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi đúng, không chỉ giúp cho người dân yên tâm gắn bó với cánh rừng, xóa bỏ tình trạng "đất trống, đồi trọc" mà còn giúp nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu tại địa phương.

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các hội đoàn thể rà soát các gia đình có nhu cầu vay vốn, thực hiện tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy rừng, tuyên truyền, vận động nhân dân hăng say lao động, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Với những người dân đang được hưởng lợi từ cánh rừng như cựu chiến binh Trần Quốc Trịnh và nhiều hộ gia đình khác thì rừng không chỉ mang đến cho họ bầu không khí trong lành mà còn là nơi cất chứa những "kho báu" quý giá. Đó là kho báu mang giá trị kinh tế cao giúp họ đổi đời, cũng là kho báu với những bài học kinh nghiệm được đúc rút.

Chia tay mảnh đất Xích Thổ, trong đầu chúng tôi cứ vang vọng câu thơ "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"…

Bài, ảnh: Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/-kho-bau-o-trong-rung/d20220513080136505.htm