Khi thơ ca làm cho ta lớn

Đọc 'Hương xa' của thi sĩ Nguyễn Đăng Độ ta như chạm vào những vỉa cảm xúc thiêng liêng nhất, gần gụi nhất mà cũng thanh tân nhất.

Thơ không chỉ cần người đọc mà thơ cần người thấu hiểu. Khi một câu thơ vang lên, với người vô cảm thì câu thơ ấy sẽ rơi, sẽ tan vào không gian như chưa từng xuất hiện. Nhưng cũng câu thơ ấy nếu gặp người thấu hiểu, nếu gặp được tri âm thì sẽ là một giọt nước trong suốt, long lanh mà đủ để tưới mát cả tâm hồn. Tâm hồn của thi sĩ rộng hẹp đến đâu khó ai nói được, nhưng khi những câu thơ của anh ấy chạm được đến tâm hồn người khác là khi ta thấy được những vòng loang rung cảm mà bất tận do thi sĩ tạo ra.

“Hương xa” của Nguyễn Đăng Độ

Đọc “Hương xa” của thi sĩ Nguyễn Đăng Độ ta như chạm vào những vỉa cảm xúc thiêng liêng nhất, gần gụi nhất mà cũng thanh tân nhất. Nếu nói thơ là thể loại nghệ thuật biểu đạt được tâm hồn con người rõ ràng và sâu sắc nhất thì thơ Nguyễn Đăng Độ đã chạm đến và mở ra ngay cả những ngõ nhỏ hẹp và sâu kín nhất trong tâm hồn ta. Điều đáng quý là, đọc thơ Nguyễn Đăng Độ, ta không thấy dấu vết của “kỹ thuật làm thơ” mà ở đó là ắp đầy cảm xúc, sự chân thật, tự nhiên và vẻ đẹp của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc trước cuộc đời.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ.

Nhà thơ trước hết phải là người thấy được vẻ đẹp của thơ. Ngay từ lời đề từ cho thi tập “Hương xa”, Nguyễn Đăng Độ đã viết: Nét mực như hoa cài bóng nguyệt/ Câu thơ nắng sớm tỏa sắc hương. Đó là một cách nói đầy hình tượng, cho thấy sự trân trọng và tôn vinh thơ ca của nhà thơ. Cũng từ đó ta sẽ thấy được vẻ đẹp tinh khiết, đằm sâu mà thơ ca mang lại cho con người. Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã mang đến cho bạn đọc những cung bậc cảm xúc khác nhau qua “Hương xa”, mà ở cung bậc nào anh cũng dẫn dắt, gợi mở và lắng lại câu chuyện của mình một cách tinh tế và giàu biểu cảm nhất.

Mĩ cảm của nỗi buồn

Ở phần một, cõi thơ Nguyễn Đăng Độ đắm sâu vào những ký ức về gia đình, quê hương với những hình ảnh thân thương, với những tình cảm máu thịt. Con sợ mai rồi mùa quả chín/ Chẳng còn nghe chim hót quanh nhà/ Chẳng còn nghe tiếng mẹ cha nơi xứ lạ/ Con một mình đơn độc với trời xanh… Cái sợ của mỗi người con là một ngày không còn cha mẹ bên cạnh mình, âu đó cũng là cái sợ rất con người, thiên về tình cảm thiêng liêng sâu nặng. Tuy nhiên, thơ bên cạnh việc nói cái tình cảm rất con người ấy thì thơ cũng hướng tới cái lớn lao hơn, cao cả hơn mà lại mang tính cá biệt hóa. Từ cái riêng chạm tới cái chung, nói cái chung mà lại mang bản sắc giọng điệu riêng. Ấy là khi thơ ca đích thực lên tiếng. Chắc hẳn rất nhiều bạn đọc gặp ở thơ Nguyễn Đăng Độ nỗi niềm của chính mình trong câu thơ trên, nhưng để viết được những câu thơ ấy, bên cạnh tình cảm còn là mĩ cảm về sự thiếu khuyết của cuộc đời con người mà ai rồi cũng trải qua bởi quy luật của sự sống. Mĩ cảm ấy sẽ mang đến sự thấu hiểu nỗi lo sợ về mất mát nhưng đồng thời cũng mang đến vẻ đẹp của trạng thái ấy. Dẫu vẫn biết: Thời gian như cánh thoi đưa/ Cha mẹ như sợi nắng thưa cuối ngày, biết đó mà sao câu thơ vẫn gợi lên sự rưng rưng, đau nhói. “Sợi nắng thưa cuối ngày” là một hình ảnh đắt giá, mới lạ trong chiều liên tưởng về cha mẹ già. Có lẽ, trong cái đọc hạn hẹp của tôi, thì đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp vế liên tưởng như thế. Nắng cuối ngày là khoảnh khắc rất đẹp nhưng cũng rất nhanh trôi qua. Trong khoảnh khắc ấy sẽ có những rực rỡ nhất nhưng đó cũng là khoảnh khắc gây nên niềm tiếc nuối nhất.

Tôi đang ngồi viết những dòng này khi ngoài kia là mưa tháng giêng giăng mờ mái phố. Những cơn mưa không ầm ào mà cứ bứt rứt lòng người đa mang. Cái lạnh tháng giêng như khắc sâu thêm nỗi nhớ, mà những câu thơ Nguyễn Đăng Độ lại da diết, bâng khuâng: Con mơ về ngày buốt lạnh tháng giêng/ Bên bếp củi than nồng đêm mưa quất/ Mẹ hì hục giã đâm dần sàng hạt thóc/ Bên ngọn đèn dầu mờ ảo xanh xao. Thơ anh khiến tôi ngẫm nhiều hơn về mẹ. Mẹ như bấc đèn đêm khuya, cứ tự đốt mình để soi sáng tương lai cho những đứa con mình, mặc kệ mình đang ngày một cạn kiệt. Tôi chưa từng nghĩ đến điều này cho đến khi đọc được thơ anh. Tôi nhận ra, có những câu thơ đã dạy cho ta nhiều hơn là những lí thuyết đao to búa lớn nhưng đầy sự sáo rỗng.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ đã có rất nhiều trang thơ tìm về ký ức nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có những kỷ niệm thuở ấu thơ. Ở đó, mọi thứ hiện lên một cách thật thà, chân thực và nguyên bản nhất: Quê nghèo cất giữ lời thương/ Tuổi thơ lặng giữa sắc hương ân tình. Hai câu thơ đủ nói lên tất cả những điều mà nhà thơ gửi gắm. Trong sự khó nghèo của vật chất thì nhà thơ vẫn cho thấy được sự giàu có của tình yêu thương, của những ân tình mà đâu phải lời nào cũng nói được. Đó chính là quê hương, là nơi mà mỗi người từ đó ra đi và luôn mong muốn, khao khát được trở về: Một đời thuyền mãi lênh đênh/ Xế chiều tìm lại yên bình tình quê. Khi nhà thơ tìm được sự bình yên giữa bao la tình quê là khi nhà thơ đã thấu hiểu những được mất của cuộc đời, đã đủ trải nghiệm và chiêm nghiệm về lẽ nhân sinh. Lúc này, thế giới lộng lẫy nhưng nhiều hư ảo phù phiếm đã khép lại để cho những thổn thức những thầm thì tận sâu cõi lòng riêng lên tiếng: Tôi nợ những gốc cây sưởi ấm đêm đông/ Nợ bài hát ngày xưa giữa bao bài hát mới.Đó là cái nợ ân tình, nợ những rung động xưa mà có lẽ thực tại đầy đủ đến đâu cũng vẫn thấy mình còn thiếu thắt. Đọc Nguyễn Đăng Độ ta sẽ hiểu hơn chính mình. Thơ đích thực chính là những vần thơ giúp người đọc soi lại lòng mình để lớn lên.

Những câu thơ chiêm nghiệm cuộc đời

Ở phần hai, thơ Nguyễn Đăng Độ nghiêng về những chiêm nghiệm cuộc đời. Đó là những chiêm nghiệm mà nhà thơ có được sau dặm dài trải nghiệm. Cõi đời dâu bể nhục vinh/ Cũng như ngọn gió vô hình thoáng qua. Thơ tuy là cảm xúc nhưng cần gắn với tư tưởng của người viết. Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ không dừng ở những cảm xúc nhất thời mà thơ ông có độ lắng sâu và trí tuệ. Những bài thơ viết về cuộc đời vì thế mà trở nên có sức nặng và như một tham chiếu cho người đọc. Cõi người được mất hư không cả/ Hãy sống an vui giữa cuộc đời.Có lẽ, số đông trong chúng ta vẫn đang mải miết đi tìm những thứ thuộc về tiền tài danh vọng chứ ít ai biết đi tìm sự an vui cho mình. Đó âu cũng là một hành trình mà phải trải qua thì mới thấm và hiểu được. Tuy nhiên, những câu thơ thì sẽ còn đó, không chỉ là sự đúc kết mà như một sự sẻ chia. Mọi vui buồn rồi sẽ qua thôi/ Vầng trăng khuyết tròn mình ta cất giữ/ Rồi sẽ hết những màu hoa rực lửa/ Ta xin gửi ánh trăng tròn vào bóng thời gian. Mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, nhưng lựa chọn cách sống nào thì sẽ phụ thuộc vào chính bản thân của ta. Hạnh phúc hay khổ đau, suy cho cùng cũng chỉ mình ta thấu tỏ, thời gian trôi, mọi thứ đều tan biến, chỉ những câu thơ còn lại với thời gian, với nhân sinh, thơ sẽ tạc khắc chân dung nhà thơ trước sự vĩnh hằng của vũ trụ. “Bóng thời gian” mà nhà thơ hình tượng chính là những gì còn lưu lại với thời gian, sống mãi với thời gian. Thơ Nguyễn Đăng Độ luôn giàu tính hình tượng, gợi dẫn đến những suy tưởng sâu xa.

Đọc thơ có nhiều cách đọc. Có người đọc chỉ để giải trí; có người đọc chỉ để biết; có người đọc chỉ để làm sang; có người đọc để nhận định phán xét…; và có những người đọc để ngẫm ngợi về cuộc đời, cõi người từ đó tìm ra cho mình ý nghĩa của đời sống - thơ Nguyễn Đăng Độ phù hợp với cách đọc này. Những câu thơ của anh khiến chúng ta hiểu mình hơn, hiểu người hơn và hiểu đời hơn: Chiều vẫn thế mây trôi tự tại/ Sân ga đời hạnh phúc tự lòng ta… Thơ anh cũng giúp chúng ta nhận ra và lựa chọn một cách sống, cách ứng xử đối với cuộc đời, ứng xử với chính mình.

Giữa đường đời khắc khoải sẻ chia

Ở phần ba của tập thơ là những bài thơ nhà thơ viết cho người thân, cho bạn, cho những nghĩa tình dào dạt và nặng sâu, những nơi anh đã qua, những người anh đã gặp... Nguyễn Đăng Độ là người tha thiết, sâu nặng với cuộc đời này. Thơ anh bởi thế chứa chất biết bao tâm sự. Mỗi câu thơ như những mạch nguồn âm thầm thấm chảy qua bao vỉa tầng của cõi hồn ta. Để từ đó, câu chuyện riêng của lứa đôi như một giao điểm để những tâm hồn đồng điệu, đồng vọng, đồng cảm cùng gặp gỡ sẻ san: Đến cuối đời ta mới gặp nhau/ Cõi nhân thế muôn điều ngang trái/ Ta bên nhau đi qua nhiều sợ hãi/ Giữa đường đời khắc khoải sẻ chia. Những câu thơ hàm súc, cô đọng nhưng cho thấy được những thăng trầm dâu bể mà nhà thơ đã đi qua. Dẫu vậy, thơ anh không thiên về sự kể lể thở than mà luôn là những câu thơ hướng đến ánh sáng của lương tri, của nhân văn. Không có sự thuận gió xuôi buồm nhưng trong nỗi trắc trở của cuộc đời anh vẫn lựa chọn những sự sẻ chia đầy ý nghĩa. Thơ cũng mang cốt cách như người thơ vậy.

Đời người luôn có nhiều ước muốn, có điều đạt được, có điều là bất khả. Thế nhưng, tình yêu thương thì luôn ở trong mỗi con người mà không cần ai phải ban phát hay vay mượn, đó là điều làm cho con người trở nên giàu có nhất. Đọc thơ Nguyễn Đăng Độ tôi nhận ra sự giàu có của tâm hồn khiến cho con người trở nên vững chãi, tự tin và lớn lao nhất. Ở bài thơ anh viết cho con ta thấy chứa đựng tình yêu và cả bản lĩnh của người làm cha: Trên đường đời vất vả/ Lẽ thường lắm trái ngang/ Con hãy luôn ghi nhớ/ Cha mẹ luôn ở bên; ở bài thơ viết cho bạn lại là một sự cảm thán cùng sự khẳng định nhân nghĩa: Sống vì nghĩa lấy chữ nhân xây ngày mới/ Trái tim bạn mênh mang sắc nắng hoa đời. Để thấy, trong mọi bối cảnh, mọi trạng huống của cuộc đời, nhà thơ Nguyễn Đăng Độ luôn trọn vẹn những vai trò, vị thế của mình. Với nhiều người làm thơ, thơ chưa chắc đã là người, nhưng đọc Nguyễn Đăng Độ thì đủ để hiểu thơ anh chính là con người anh.

Chiều kích tâm hồn nhà thơ luôn được phóng chiếu xuống những câu thơ. Tôi tin vào sự ấm áp, bao dung, chung thủy và vị thế của người đã viết ra câu thơ này: Cùng dắt tay nhau đi dưới trời xanh và biển/ Thắp sáng ngọn đèn hạnh phúc tiếng con thơ. Thơ ca soi chiếu và phản ánh nội tâm của người viết bởi nhà thơ không thể giấu mình qua những con chữ được chắt lọc từ chính tâm hồn mình. Nguyễn Đăng Độ đã cho thấy được sự tin cậy, cũng như phẩm cách của mình qua thơ, cho dẫu thơ vốn rất mơ hồ thì thơ vẫn luôn là một sự xác tín: Ta đã đi qua ghềnh thác nhục vinh/ Giờ êm ả mùa yêu chân thật nhất…

Giá trị cốt lõi, nhân bản của thơ

Ở phần bốn, chúng ta gặp một thi sĩ lãng mạn và kiêu bạc trong những câu thơ tình. Ta đã dâng em trái tim đỏ lửa/ Để bây giờ đơn độc ngắm mưa rơi! Đó là một hình ảnh vô cùng lay động. Câu thơ cho thấy một trái tim yêu đến tận cùng và sẵn sàng đối diện với tình yêu đến cùng, cho dù cuộc tình đó sau chót là khổ đau, đơn độc đi chăng nữa. Ở một góc nhìn nào đó thì thơ ca cũng giống như tình yêu. Cái mà chúng ta thu về sau khi đã bỏ ra nhiều say đắm có thể chỉ là những trăn trở, thổn thức, khắc khoải, mộng ước… nằm ngoài sự hữu hình. Tuy nhiên, thơ ca có thể xoa dịu tình yêu bằng cách gọi tên tình yêu ở trạng thái như-nó-đang-là: Người mang đi mang nỗi niềm da diết/ Cứ âm thầm cuộn sóng suốt đời anh. Bằng cách này, thơ chính là sự hiện hữu lưu dấu tình yêu một cách cảm xúc nhất và cũng nguyên bản nhất.

Thơ tình Nguyễn Đăng Độ chập chờn trong tâm trí bạn đọc một cánh bướm mỏng manh xa hút nhưng không bao giờ mất dấu trong trái tim đa cảm đa mang: Xin gặp lại một lần thôi, em nhé/ Cánh bướm bay xa hút chân trời/ Em bỏ lại dọc lối mòn ngóng đợi/ Để một mình ta với gió cuốn trôi…Nguyễn Đăng Độ là nhà thơ trọng ý nghĩa của thơ hơn là hình thức của thơ. Nếu như ngoài kia bao người viết đang cố gây chú ý bằng sự màu mè, lên gân thì anh vẫn giản dị bằng giọng thơ tự nhiên, trữ tình. Với phong cách này, thơ anh có thể chạm đến được mọi đối tượng bạn đọc, truyền tải được đến bạn đọc những giá trị cốt lõi, nhân bản nhất của thơ.

Thơ tình Nguyễn Đăng Độ không đơn thuần chỉ nói đến tình yêu mà rộng lớn hơn là tình đời. Qua mỗi tác phẩm ta đều thấy hiện lên rõ nét sự từng trải với cuộc đời, và càng từng trải thì tình yêu được nhắc đến lại càng trở nên sâu nặng hơn: Quá nửa đời bão táp phong ba/ Vầng trăng thuở ban đầu nay đã khuyết/ Năm tháng cũ xa xôi mơ hồ vọng lại/ Mặt đầm Trằm cỏ giấu nỗi niềm riêng. Thời gian đã lấy đi của con người tuổi trẻ và những mộng mơ rung động, vầng trăng khuyết mà anh nhắc đến là một hình ảnh mang tính tượng trưng cao, nói lên được nhiều điều qua đó. Cỏ giấu nỗi niềm riêng cũng là một ý thơ mang đầy sức gợi. Mà thơ cốt ở gợi không cốt ở tả.

Cái hay của thơ Nguyễn Đăng Độ ở đây là, anh luôn nhắc đến những ký ức nhỏ bé nhưng lại gợi sức lay động, rung cảm đến tận cùng. Như thể chỉ một âm thanh nhỏ nhưng tạo ra được tiếng vang lớn trong lòng chúng ta.

Nhà thơ Nguyễn Đăng Độ sinh năm 1966, quê Thạch Tiến, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Hiện sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Tác phẩm đã xuất bản: Tình quê (NXB Phụ nữ, năm 2022); Hương xa (NXB Hội Nhà văn, năm 2022).

Nhà phê bình văn học Lam Nguyên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/khi-tho-ca-lam-cho-ta-lon-a17595.html