Khi thế giới phải thích nghi với sự trở lại của Taliban

Trong bài viết đăng trên tờ The Indian Express ngày 31/8, nhà nghiên cứu chính trị kỳ cựu Ấn Độ Raja Mohan nêu 3 đặc điểm chính trong chính trị quốc tế khi những người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi sân bay Kabul và thế giới phải thích nghi với sự trở lại của Taliban...

Các chiến binh Taliban tuần tra ở thủ đô Kabul, Afghanistan.

Hậu quả chính trị

Đặc điểm thứ nhất là các chiến thắng trên chiến trường đều có hậu quả chính trị. Các chính phủ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi đến thỏa thuận với “bên thắng cuộc”, dù sớm hay muộn.

Do đó, theo TS. Raja Mohan - hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Nam Á (Đại học Quốc gia Singapore), Ấn Độ không có lý do để ngạc nhiên về tiến trình bình thường hóa nhanh chóng của Taliban với cộng đồng quốc tế.

Ngày 2/8, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cảnh báo Taliban không nên theo đuổi giải pháp quân sự cho cuộc xung đột và thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo. Ngày 16/8, cả hai điều khoản đó đã bị loại bỏ khi Taliban kiểm soát Kabul.

Tuần trước, cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc đã ngừng nhắc đến tên Taliban và chuyển sang lời kêu gọi chung rằng không để Afghanistan trở thành căn cứ của các nhóm khủng bố.

Lợi ích vĩnh viễn

Đặc điểm thứ hai của chính trị thế giới là không có bạn bè hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Có nguồn tin cho hay, Mỹ đang cung cấp thông tin tình báo cho Taliban về các mối đe dọa khủng bố từ ISIS-K.

Mặc dù những thông tin này khiến nhiều người nghi ngờ, nhưng các điều kiện trên thực tế đồng nghĩa rằng Mỹ cần sự hỗ trợ của Taliban để công dân của mình sơ tán an toàn trong vài tuần qua cũng như trong tương lai.

Khi được hỏi liệu ông có tin tưởng Taliban hay không, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với báo chí rằng "Đó không phải là vấn đề tin tưởng - đó là vấn đề lợi ích chung".

Sự hội tụ lợi ích của Mỹ và Taliban dường như không chỉ mang tính chiến thuật. Mỹ muốn tìm hiểu xem liệu Taliban có thể giúp đảm bảo lợi ích lâu dài của Mỹ trong việc ngăn chặn các lực lượng khủng bố quốc tế như al-Qaeda và ISIS ở Afghanistan tập hợp lại hay không.

Mặt khác, Taliban muốn có sự hỗ trợ của Mỹ và phương Tây trong việc tái thiết Afghanistan.

Hiện vẫn chưa rõ một thỏa thuận như vậy có thể được ký kết hay không nếu xét tới những rủi ro lớn mà nó gây ra cho cả hai bên. Tuy nhiên, hai bên dường như đã sẵn sàng nghiên cứu các khả năng.

Điều tương tự cũng có thể nói về triển vọng hợp tác lâu dài giữa Ấn Độ và chính phủ do Taliban lãnh đạo.

Đối với New Delhi, lợi ích chính là ngăn chặn các nhóm khủng bố chống Ấn Độ sử dụng lãnh thổ Afghanistan. Ít nhất một bộ phận của Taliban mong muốn tiếp tục can dự chính trị và thương mại với Ấn Độ.

Tuần trước, trong một bài phát biểu quan trọng về cách tiếp cận của Taliban đối với các vấn đề trong nước và quốc tế, người đứng đầu Văn phòng chính trị của Taliban Sher Mohammad Stanikzai nhấn mạnh sự quan tâm của phong trào với việc tiếp tục quan hệ đối tác với Ấn Độ.

Đây là một phần trong mong muốn đa dạng hóa các quan hệ đối tác quốc tế. New Delhi sẽ đúng khi hy vọng vào khả năng của Taliban trong việc thực hiện những lời hứa này và đứng lên chống lại sức ép của quân đội Pakistan nhằm ngăn cản Ấn Độ.

Cuối cùng, chắc chắn Ấn Độ muốn tìm hiểu xem Taliban có thực hiện những gì họ nói hay không và liệu có bất kỳ rạn nứt nào trong mối quan hệ của Pakistan với các nhà lãnh đạo mới ở Kabul hay không.

Việc Mỹ tham gia với Taliban để chống lại ISIS-K đã vấp phải sự chế nhạo trên toàn thế giới. Những người chỉ trích cho rằng tất cả những nhóm này đều thuộc cùng một trường phái khủng bố, được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành tôn giáo như nhau và được nuôi dưỡng tại các “nơi ẩn náu” ở Pakistan.

Tuy nhiên, New Delhi không nên loại trừ khả năng mâu thuẫn giữa Pakistan và các nhóm khủng bố mà họ “nuôi dưỡng”, cũng như giữa các tổ chức thánh chiến khác nhau.

Sự khác biệt và cơ hội

Đặc điểm quan trọng thứ ba trong chính trị quốc tế là sự khác biệt ngay cả giữa những người bạn thân thiết nhất là điều tự nhiên và tạo ra cơ hội cho kẻ thù. Lịch sử cho thấy các phong trào dựa trên hệ tư tưởng - cho dù là thế tục hoặc tôn giáo - có xu hướng dẫn tới xung đột nội bộ.

Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi đã khai thác sự chia rẽ trong phong trào Cộng sản Ấn Độ để thúc đẩy sự thống trị của bà đối với Quốc hội và định hướng lại nền chính trị của Ấn Độ. Tại Mỹ, Tổng thống Richard Nixon và cố vấn Henry Kissinger đã tích cực khai thác sự khác biệt giữa những người cộng sản Nga và Trung Quốc.

Các hệ tư tưởng tôn giáo đã thất bại trong việc xây dựng các liên minh chính trị bền vững trong và giữa các quốc gia. Lịch sử Afghanistan cũng chứng kiến những cuộc chia rẽ chính trị lâu năm. Những người cộng sản Afghanistan giành chính quyền ở Kabul trong cuộc cách mạng 1978 không thể vượt qua những bất đồng nội bộ về cách hiện đại hóa đất nước hay vai trò của Liên Xô.

Các nhóm tôn giáo khác nhau mà Pakistan ủng hộ đã không thể đoàn kết sau khi quân đội Liên Xô bị lật đổ khỏi Afghanistan. Họ phải tạo ra Taliban để chống lại các phần tử thánh chiến. Việc Taliban nắm chính quyền vào năm 1996 đã tạo ra một loạt chia rẽ mới về sắc tộc và tôn giáo ở Afghanistan.

Như vậy, theo chuyên gia Raja Mohan, Ấn Độ nên có một chiến lược hợp lý hơn – cố gắng chia rẽ những kẻ thù tiềm tàng và củng cố sự đoàn kết nội bộ.

Ngày 31/8, Đại sứ Ấn Độ tại Qatar Deepak Mittal đã gặp người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban tại Doha, Mohammad Abbas Stanekzai. Cuộc gặp diễn ra tại Đại sứ quán Ấn Độ tại Doha theo yêu cầu của phía Taliban. Đây là cuộc gặp ngoại giao chính thức đầu tiên giữa Ấn Độ và Taliban kể từ khi lực lượng này giành quyền kiểm soát Afghanistan. Các cuộc thảo luận tập trung vào vấn đề an toàn, an ninh, việc sơ tán công dân Ấn Độ bị mắc kẹt ở Afghanistan, việc đi lại của các công dân Afghanistan, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, muốn đến thăm Ấn Độ. Đại sứ Deepak Mittal nêu quan ngại của New Delhi rằng các lực lượng chống đối Ấn Độ có thể sử dụng lãnh thổ của Afghanistan để tiến hành các cuộc tấn công khủng bố chống nước này. Đại diện Taliban đã đảm bảo với Đại sứ Ấn Độ rằng những vấn đề này sẽ được giải quyết một cách tích cực.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-the-gioi-phai-thich-nghi-voi-su-tro-lai-cua-taliban-157075.html