Khi tác giả tự bán sách

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với Nhật ký người xem đồng hồ. Nguồn: Facebook nhân vật

Bên cạnh giá trị sáng tạo, sách văn học còn là một loại hàng hóa khá đặc biệt. Tác giả tự bán sách không hề dễ dàng, tuy nhiên nên xem đây là việc rất bình thường trong đời sống.

Chuyện bình thường nhưng... chưa bình thường

Nhà văn Y Nguyên (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên) vừa ra mắt tập truyện ngắn Phố núi mù sương và phát hành trên mạng xã hội. Anh giới thiệu ngắn gọn về đứa con tinh thần mới toanh của mình: Bạn đọc từng biết đến một Y Nguyên với Thiên đường không có tòa án, giải B của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2022, với cái bìa đỏ rực như điềm báo trước cho nội dung có ít nhiều... khốc liệt. Giờ tới Y Nguyên 2023 với Phố núi mù sương - truyện đoạt giải nhất cuộc thi “Mùa yêu đầu” năm 2014 của Công ty CP Truyền thông Waka. “Hiền” hơn với bìa trang nhã sắc xanh nhưng nội dung chưa chắc không... lôi cuốn. Khuyến khích bạn đọc mua sách, trong đợt phát hành đầu tiên, tác giả Phố núi mù sương còn tặng kèm tập truyện ngắn Bảy ngày của một bà giá của bạn đời - tác giả Nguyễn Thị Bích Nhàn.

Anh Y Nguyên chia sẻ: “Tác giả tự bán sách có yếu tố tích cực, khẳng định đứa con tinh thần của mình cũng có giá trị vật chất chứ không phải in ra chỉ để tặng. Tôi muốn thay đổi một nếp nghĩ là sách in ra để tặng - cho, chứ bán ai mua”.

Việc tác giả tự bán sách tuy không mới nhưng vẫn chưa phổ biến. Trước đây, một số cây bút cũng đã tự bán sách của họ. Một nhà thơ trẻ quê Phú Yên đã trở thành “hiện tượng thơ”, lập kỷ lục khi bán được cả trăm ngàn bản.

Mới đây, một nhà thơ nổi tiếng cũng đã khởi động một chiến dịch đặc biệt: chiến dịch... bán thơ. Đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - tác giả Sự mất ngủ của lửa, Những người đàn bà gánh nước sông, Nhịp điệu châu thổ mới, Cây ánh sáng, Châu thổ, Dước ánh trăng và một bậc cửa... Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hóm hỉnh viết trên facebook cá nhân: “Tôi in thơ hầu như chưa bao giờ bán mà chỉ tặng. Bây giờ nghĩ lại có chút ân hận vì có người không đọc mà mình cứ tặng. Họ phải mang thơ mình về, phải nhét vào đâu đó. Chỉ tổ chật nhà. Vì thế bán thơ là một cách chống lại sự làm phiền của mình với người khác. Họ quan tâm thì họ mới mua cho dù đọc xong có thể có người sẽ kêu lên: “Tốn tiền, không cái dại nào giống cái dại nào”. Chứ tặng mà họ vứt vào góc nhà thì tội nghiệp”. Và nhà thơ từ tốn giới thiệu tập thơ mới: Nhật ký người xem đồng hồ.

Đó là một ấn phẩm đặc biệt, đầu tiên là từ khổ sách 18x24cm - vốn không quen thuộc với các tập thơ. Những bài thơ in trên giấy đẹp, được sắp xếp trong hai phần: Phần 1 có tên Nhật ký người xem đồng hồ, phần 2 có tên Bản tự khai của một số đồ vật trong phòng viết. Chân dung nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong tập thơ này do nhà thơ Đỗ Trung Quân vẽ. Đặc biệt, các phụ bản là tranh do chính nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ, in trên giấy can và có một cái tem nhỏ do tác giả vẽ dán vào như kiểu niêm phong. Quả thật, đó là một tập thơ đẹp, sang trọng, độc đáo. Vậy, tại sao không bán mà chỉ dành để tặng?

Tán thành việc tác giả bán sách, nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Phú Yên, cho hay: “Khi một tên tuổi đủ để tạo ra thương hiệu thì sách của họ phải được bán. Bên cạnh giá trị tinh thần, tập thơ, tập truyện... còn là sản phẩm hàng hóa. Vì vậy, tác giả bán sách là chuyện bình thường”.

Cũng theo nhà thơ Huỳnh Văn Quốc, việc tặng sách vẫn hợp lý. Với những cây bút chưa nổi bật, cần bạn đọc biết đến mình thì tặng sách là một cách giới thiệu, quảng bá tác phẩm. Và in sách để tặng là một nhu cầu để giao lưu, kết nối giữa người viết với người đọc. Viết ra mà không ai đọc thì cũng chạnh lòng.

Bán sách dễ hay khó?

Bên cạnh giá trị sáng tạo, sách văn học còn là một loại hàng hóa khá đặc biệt. Bán sách không hề dễ; tác giả không có kinh nghiệm, thậm chí còn thấy ngại khi quảng bá, tiếp thị tác phẩm - sản phẩm của mình. “Ngoại trừ một số ít nhà văn nổi tiếng, có “thiên thời, địa lợi”, đa phần những ai in sách ra rồi tự bán thường... lỗ, may mắn lắm thì huề vốn. Khi in sách và tự phát hành, tác giả chỉ hy vọng đừng lỗ... quá nặng”, anh Y Nguyên nói vui mà thật.

Đây không phải lần đầu tiên nhà văn Y Nguyên tự bán sách. Để có thể kinh doanh sản phẩm - tác phẩm của mình, anh phải học một số kiến thức cơ bản. Y Nguyên chia sẻ: “Những người cầm bút thường khá lơ mơ với việc mua bán. Bán sách là một cơ hội để tôi làm quen, biết cách giới thiệu, tiếp thị sản phẩm - tác phẩm, hành xử với khách hàng để làm sao bán được sản phẩm và vẫn giữ được lòng tự trọng của mình”.

Với những người cầm bút, in và phát hành sách chính là để đưa tác phẩm đến với bạn đọc. Đó là mục tiêu lớn nhất. Theo nhà văn Y Nguyên, qua việc tự bán sách, anh muốn góp phần thay đổi một nếp nghĩ cũ kỹ, lạc hậu. Và việc tác giả mạnh dạn in sách, biến sách thành sản phẩm thương mại cũng là một cách cọ xát. “Tác giả phải tính toán đến nhu cầu của người đọc, và làm sao phải có những sản phẩm đáng đọc đến tay công chúng. Khi đã bỏ tiền ra mua, dứt khoát người ta không mua sách dở. Đó cũng là một cách sàng lọc, loại thải những sản phẩm kém chất lượng”, anh Y Nguyên chia sẻ.

Có một chi tiết thú vị: Khi biết nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chuẩn bị mở chiến dịch bán thơ, một người bạn khuyên: “Thời nay ai còn nghĩ đến thơ ca hò vè mà ông bán”. Nhưng tác giả Nhật ký người xem đồng hồ đã quyết, “dù thất bại ê chề vẫn làm”. Chiến dịch bán thơ kết thúc sau hai tuần. Dù nhà thơ không công bố kết quả nhưng bạn thơ và bạn đọc ngầm hiểu rằng chiến dịch đã thành công, bởi tác giả chỉ còn giữ lại một số bản để tặng những bạn bè chưa kịp tặng.

Khép lại chiến dịch bán thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trải lòng: “Việc mua tập thơ của tôi chính là sự chia sẻ và động viên ý nghĩa nhất của người đọc. Tôi hạnh phúc và biết ơn điều này. Cho dù đọc xong tập thơ, có người đồng cảm, chia sẻ và cũng có người chưa thể đồng cảm với những gì tôi viết. Nếu có bất cứ điều gì mà các chị, các anh chưa hài lòng, thậm chí khó chịu về tập thơ thì lỗi thuộc về tôi. Khi viết, ai cũng nỗ lực hết mình. Nhưng trong sáng tạo nghệ thuật, giữa mong muốn, ý tưởng và sự đam mê của nghệ sĩ và sự thật cuối cùng của tác phẩm đôi khi cách nhau vạn dặm”.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/307997/khi-tac-gia-tu-ban-sach.html