Khi sinh viên chọn nghề dễ bị "quấy rối tình dục"

- Làm tổng đài viên, việc gặp phải những câu hỏi khiếm nhã, quấy rối tình dục (QRTD) xảy ra như cơm bữa. Không chỉ có khóc, nhiều bạn sinh viên thậm chí đã phải bỏ nghề vì chuyện này.

Từ câu chuyện của Lam Tớ tên Vũ Thị Lam (xin không nêu tên thật), sinh viên trường CĐ Truyền hình. Công ty của tớ là M.P Telecom, chuyên chăm sóc khách hàng (CSKH) cho tất cả các mạng. Công việc chính của tớ là trả lời cho mạng di động Mobifone. Công việc này tớ kiếm qua mạng Internet. Hiện nay có nhiều công ty cũng làm đối tác CSKH cho các mạng di động như H.S, K.C. Do đó, để kiếm được công viêc này là không có gì khó khăn và tốn tiền của như các công việc part time khác. Đầu tiên mình chỉ cần nộp hồ sơ, đi phỏng vấn, trả lời bài test (kiểm tra) để xem có nói ngọng hay không, kiểm tra IQ, kĩ năng vi tính, tiếng Anh,..Nói có vẻ khó nhưng chỉ cần qua được vòng test giọng nói là có khả năng được nhận rồi. Tùy từng mạng mà sẽ có thêm thời gian đào tạo nghiệp vụ, thường là một tháng, sau đó thi sát hạch, nếu được thì vào làm luôn. Công việc này giúp mình có thêm kinh nghiệm trong giao tiếp, đặc biệt là xử lí tình huống nhanh. Được làm quen với bạn bè, những phút nghỉ ngơi, trò chuyện với các bạn về công việc, gia đình cũng thú vị lắm. Tuy nhiên, đây là công việc rất áp lực, đầu tiên là thời gian, ca kíp được chia làm 3 ca liên tục: sáng từ 7 giờ đến 15 giờ, từ 15 giờ đến 22 giờ 20 và từ 22 giờ đến 7 giờ sáng ngày hôm sau. Thời gian đã vậy, song khổ nhất là nhiều khách hàng gọi điện đến quấy rối kinh khủng. Hết chuyện "em ở đâu, cho anh xin số điện thoại, thi thoảng nhớ gọi được không?", rồi hỏi tư vấn lô đề, tức giận bạn gái thì gọi tới chửi bới, say rượu cũng gọi tới. Tệ hơn là những cuộc gọi khiếm nhã như: "áo trong, quần trong của em màu gì nhỉ?", có khi họ còn gọi tới để "khoe hàng" nữa cơ. Nhiều lắm! Tức đến phát khóc nhưng mình không được phép quát lại mà phải kiên nhẫn nói câu chuẩn kiểu xin lỗi, có thể giúp đỡ này nọ rồi gác máy. Đến những bực bội của Hương Giờ mình đã chuyển sang một công ty mới, mình chuyên tư vấn hạnh phúc gia đình và những vấn đề về tình dục, giới tính. Ngày đầu tiên đi làm, mình đã “dính” ngay một trường hợp quấy rối như thế. Vừa nhấc điện thoại lên, đầu dây bên kia đã buông những lời thô tục: “Em có đi nhà nghỉ với anh không?”. Sau thoáng bối rối, mình trấn tĩnh, đáp lại: “Xin lỗi, em có thể giúp gì cho anh không ạ?” Vẫn không dừng lại, đầu dây bên kia tiếp: “Anh chỉ muốn chúng mình ân ái bên nhau”. Đến lúc này thì mình không chịu được nữa, cố giữ bình tĩnh, mình đáp lại: “Em thực sự xin lỗi anh, tổng đài chỉ có thể giúp anh tư vấn chuyện tình cảm, hạnh phúc gia đình hay những khó khăn trong quan hệ vợ chồng. Thế nên,…”. Vừa nói đến đó thì đầu dây bên kia lại văng tục, ngắt lời, giọng càng thậm tệ rồi cúp máy luôn. Rồi không phải quấy rồi nhưng có lần vì chót nói tên tuổi của mình cho khách hàng nên họ cứ hồ nghi: “Em biết gì để tư vấn cho chúng tôi. Tuổi em có khi không bằng tuổi con tôi nữa là”. Người trụ được, kẻ ngậm ngùi rời “sàn diễn” Lam tâm sự: "Áp lực như thế nên nhiều bạn không theo được nghề này đã phải bỏ từ vòng thử việc, thậm chí ngay buổi làm đầu tiên. Những bạn đã có người yêu, đặc biệt là gia đình và con nhỏ thường hay bỏ việc hoặc bị người thân ngăn cản không muốn làm với lí do trên". Ngay như chính bản thân Lam, dù đã làm công việc này gần hai năm, khá quen với những tình huống kiểu QRTD, song bạn vẫn không tránh khỏi tâm lí bị áp lực và căng thẳng: "Sắp ra trường, mình sẽ kiếm công việc phù hợp hơn. Dẫu sao, khoảng thời gian làm tổng đài sẽ mãi là kỉ niệm đẹp đối với mình". Là dân báo chí, việc được va chạm, tiếp xúc với nhiều đối tượng, tính cách khác nhau cũng là một lợi thế giúp bạn tự tin hơn khi ra trường tìm việc ở một tòa soạn. Còn với Hương, khoảng thời gian ban đầu khi chuyển sang công việc này bạn cũng không được tự tin cho lắm. Sau những lần như thế, Hương tìm đọc sách báo, tài liệu, càng nhiều càng tốt về việc chăm sóc sức khỏe, giới tính để có thể tư vấn cho khách hàng. Giờ đây, nói về chuyện giới tính, những câu hỏi kiểu như: thủ dâm có tốt hay không, làm thế nào để bạn tình cảm thấy được thỏa mãn, những điểm mạnh yếu của đối phương,…những câu chuyện phòng the không còn là điều gì quá đỗi xa lạ hay khó nói với bản thân bạn. Hương chia sẻ: “Mình thuộc típ người có thể nói là cổ điển, thích những gì thuộc về truyền thống. Như bao nhiêu người phụ nữ khác, mình mong muốn sau này trở ngày một người vợ đảm đang, biết chiều chồng, chăm con tốt. Đi làm công việc như tư vấn tình cảm, giới tính thực sự giúp ích cho mình rất nhiều, nhất là về sau”. Vẫn còn đang “mơ hồ” trong chuyên ngành Du lịch mà mình đã lựa chọn theo học, Hương tâm sự: “Nhiều khi nghĩ lại, thấy không biết mình có chọn đúng nghề nghiệp sau này không. Song có lẽ, lúc này đây mình đã chót yêu công việc vốn chỉ coi là part time kia mất rồi, đam mê nó mất rồi. Văn Chung

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/giaoduc/201006/Khi-sinh-vien-chon-nghe-de-bi-quay-roi-tinh-duc-918416/