Khi rừng là tài sản chung của thôn

Rừng là tài sản sinh lợi chung của cộng đồng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm chung của cộng đồng. Hiểu được điều ấy nên những năm qua, người dân thôn Háng Đề Dê, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa đã thực sự coi rừng là 'tài sản chung', đồng lòng cùng với chính quyền và lực lượng chức năng chung tay quản lý, bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả.

Người dân thôn Háng Đề Dê kiểm tra dụng cụ chữa cháy rừng.

Chúng tôi đến thôn Háng Đề Dê đúng lúc người dân trong thôn đang tập trung nghe cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp; xem sơ đồ những điểm khoanh vùng cấm hay vùng có thể sản xuất để bà con canh tác. Không như nhiều buổi tuyên truyền bảo vệ rừng chúng tôi đã tham dự khi chủ yếu người già, trung tuổi đến nghe; buổi tuyên truyền ở Háng Đề Dê hôm nay có rất đông thanh niên. Có những bà mẹ bế cả con nhỏ theo ngồi chăm chú lắng nghe.

Được nghe cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn tuyên truyền về những lợi ích của người dân khi rừng được bảo vệ và phát triển tốt, anh Hạng A Ly, thôn Háng Đề Dê chia sẻ: Trước đây, đời ông bà, cha mẹ chúng tôi giữ rừng với mong muốn để sau này con cháu mình có gỗ dựng nhà nhưng nay nhận thấy lợi ích của rừng chúng tôi quyết tâm giữ rừng như tài sản quý vậy. Hơn nữa được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng nên bà con rất phấn khởi vì có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Để quản lý, bảo vệ tốt 352ha rừng được giao, ngoài thực hiện theo quy định chung, làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích từ rừng mang lại, ở Háng Đề Dê, người dân còn gắn bảo vệ rừng với thực hiện hương ước của thôn. Hương ước giữ rừng của thôn Háng Đề Dê đã có từ hàng chục năm nay, nhưng đến năm 2023 được lập lại cụ thể hơn với những quy định đơn giản nhưng dễ tuân thủ. Cả thôn đều phải có trách nhiệm bảo vệ rừng và được quyền hưởng lợi từ rừng, như việc tận thu những cây khô, gãy đổ để làm củi. Gia đình nào muốn khai thác gỗ làm nhà phải xin phép và báo rõ số lượng gỗ xin là bao nhiêu. Nếu thôn cho phép thì mới được khai thác dưới sự giám sát của thôn. Trong thôn ai vi phạm hai lần đầu bị nhắc nhở, vi phạm lần thứ ba sẽ phạt tiền sung quỹ cộng đồng và hộ đó cũng không được hưởng chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Nhờ giữ rừng tốt, đảm bảo duy trì nguồn nước giúp người dân thôn Háng Đề Dê mở rộng diện tích sản xuất lúa nước.

Coi rừng là tài sản sinh lợi chung của cộng đồng, bởi vậy, người dân trong thôn Háng Đề Dê cùng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và hưởng lợi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chỉ riêng năm 2021, cộng đồng thôn được chi trả hơn 187 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Ngoài chi trả cho các hộ, một phần được thôn góp lại làm quỹ cộng đồng để hỗ trợ tổ bảo vệ rừng.

Nói về công cuộc giữ rừng ở thôn Háng Đề Dê, trưởng thôn Giàng A Lử chia sẻ: Từ thực tiễn cho thấy, nguyên nhân dẫn tới tình trạng phá rừng do người dân chưa có nhận thức đúng đắn về công tác quản lý, bảo vệ rừng, vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương. Vì vậy, thôn đã lập ra 8 tổ tự quản bảo vệ rừng, mỗi tổ có từ 7 - 8 thành viên, gồm những người có sức khỏe và có tinh thần trách nhiệm cao. Các tổ bảo vệ rừng thực hiện tuần tra định kỳ 1 lần/tuần, phân bổ thành viên đều khắp các vị trí, khu vực trọng yếu của khu rừng cộng đồng, nhờ vậy, mọi biến động từ rừng đều được nắm bắt và xử lý, ngăn chặn kịp thời. Ngay cả người nhà của thành viên tổ tự quản cũng có ý thức bảo vệ, nếu đi làm nương, thấy có người chặt phá rừng lấy củi... đều có trách nhiệm về báo với tổ.

Nhớ lại thời điểm mùa hanh khô đầu năm 2022, theo trưởng thôn Giàng A Lử, đây là quãng thời gian nhân dân thôn Háng Đề Dê nâng mức cảnh báo cao độ để canh lửa, giữ bình yên cho những cánh rừng do cộng đồng thôn quản lý. Theo đó, mùa khô năm 2022 được xác định là mùa khô hanh kéo dài cộng với thời tiết diễn biến phức tạp, do vậy, cùng với các thôn Phiêng Páng, Đề Dê Hu 1, Đề Dê Hu 2, Tào Pao, Dê Dàng thì thôn Háng Đề Dê được xác định vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao trên địa bàn xã Sính Phình. Ðể nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, ngoài kiện toàn 8 tổ quản lý bảo vệ rừng; tổ chức tuần tra, kiểm soát, canh gác rừng; lập phương án, phân công trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ, thôn Háng Đề Dê còn tăng cường phối hợp với kiểm lâm địa bàn hướng dẫn bà con đốt nương theo đúng quy trình kỹ thuật, khuyến khích đốt nương vào ban ngày, lúc không có gió; đồng thời, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với các hộ gia đình. Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây dù thường xuyên thuộc vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao vào mỗi mùa khô, nhưng ở Háng Đề Dê không để xảy ra cháy rừng.

Háng Đề Dê hiện có 96 hộ dân, 100% đều là đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, song các thế hệ bà con nơi đây vẫn nỗ lực cùng nhau bảo vệ, giữ rừng bằng cách của mình và bằng cái tình đối với rừng. Điều mà đồng bào Mông nơi đây mong muốn là có thêm những giống cây mới, đa mục đích, phù hợp trồng xen ở một số diện tích đất rừng còn trống... để rừng Háng Đề Dê mãi xanh tốt. Khi rừng được bảo vệ, quản lý tốt, người dân trồng rừng sẽ có thu nhập và sống được bằng nghề rừng.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/quan-ly-bao-ve-rung/208450/khi-rung-la-tai-san-chung-cua-thon