Khi rời Nhà Trắng, cuộc sống của Tổng thống Obama ra sao?

Tháng 1/2017, Tổng thống đương nhiệm Mỹ Barack Obama sẽ chính thức rời khỏi Nhà Trắng. Vậy cuộc sống của Tổng thống Barack Obama sẽ như thế nào sau khi về hưu?

Ở nhà thuê

Ông Obama bên vợ và các con gái.

Hầu hết các đời tổng thống trước đây của Mỹ rất hiếm khi ở lại Washington sau khi rời Nhà Trắng. Trong khi gia đình ông George W. Bush chuyển về sinh sống tại một trang trại yên tĩnh ở Texas thì gia đình ông Bill Clinton lại xây dựng cuộc sống ở New York, nơi bà Hillary Clinton bắt đầu dấn thân vào chính trường với vai trò thượng nghị sĩ.

Tương tự, cựu Tổng thống Jimmy Carter cũng chọn trở về quê nhà tại Georgia sinh sống, còn cựu Tổng thống Ronald Reagan quay lại California. Với gia đình Tổng thống đương nhiệm Obama, nhiều nguồn tin cho rằng có thể ông sẽ ở lại Washington D.C cho tới khi con gái út tốt nghiệp trung học vào năm 2018.

Không còn ở Nhà Trắng cũng đồng nghĩa với việc gia đình ông Obama sẽ không được nhận những đặc quyền của gia đình đệ nhất với tất cả nhân viên, chuyên cơ và trực thăng riêng. Những điều đó sẽ trở thành quá khứ, họ sẽ không được sinh hoạt ở nơi được coi là bảo tàng bậc nhất nước Mỹ, và cũng không có những bữa tối đẳng cấp quốc gia và những buổi hòa nhạc riêng.

Tại Nhà Trắng, ông Obama cùng gia đình sống trên diện tích đất khoảng 17.000 mét vuông với 35 phòng tắm, một khu vườn rộng lớn, một sân bóng rổ, một rạp chiếu phim và một khu chơi bowling.

Theo nguồn tin của Politico, gia đình Tổng thống Obama sẽ thuê một ngôi nhà có diện tích khoảng 2.500 mét vuông ở Kalorama, khu vực có rất nhiều đại sứ quán và chỉ cách Nhà Trắng khoảng 2 dặm, mất 10 phút đi xe tới 3 phòng tập thể dục SoulCycle, nơi Đệ nhất Phu nhân thường lui tới.

Ngôi nhà được cho là nơi gia đình ông Obama sẽ sinh sống sau khi rời Nhà Trắng.

Được biết, đó là một ngôi nhà có bức tường gạch đỏ tuyệt đẹp với những rặng cây xanh phía trước nhà. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1928, thuộc sở hữu của cựu thư ký báo chí Nhà Trắng dưới thời Bill Clinton – Joe Lockhart và vợ ông, Giovanna Gray.

Căn biệt thự mà vợ chồng Tổng thống Obama đã lựa chọn trị giá 5,3 triệu USD, nằm trên căn phố nơi có 5 cựu tổng thống Mỹ từng sinh sống. Căn biệt thự đảm bảo sự riêng tư và thoải mái cho gia đình ông Obama với 9 phòng ngủ, 8 phòng tắm, một khu vườn, một nhà để xe và bãi đỗ cho 10 xe. Và dĩ nhiên, gia đình ông Obama cũng dành không gian cho những mật vụ có nhiệm vụ bảo vệ gia đình ông sau đó.

Sở dĩ ông Obama phải ở nhà thuê bởi theo luật Mỹ, tổng thống sau khi hết nhiệm kỳ chỉ được hưởng số tiền lương hưu khoảng 205.700 USD/năm cùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sự bảo vệ trọn đời từ Cơ quan Mật vụ. Ngoài ra, họ không được thêm bất kỳ quyền lợi nào khác. Thậm chí, họ không được phép giữ những món quà đã được tặng khi tại vị, mà phải bỏ tiền túi mua theo giá thị trường nếu muốn sở hữu.

Vì vậy, không như lãnh đạo các quốc gia khác, tổng thống Mỹ sau khi rời Nhà Trắng thường tiếp tục tham gia các hoạt động nghề nghiệp khác, ít khi “vui thú điền viên”.

Viết hồi ký, diễn thuyết hay làm từ thiện?

Ông Obama trong một buổi giới thiệu sách cho các em thiếu nhi.

Từ năm 2005, ông Obama đã kiếm được hơn 15,6 triệu USD từ việc viết và xuất bản 3 cuốn sách: Dreams from My Father, The Audacity of Hope và cuốn sách thiếu nhi Of Thee I Sing.

Viết sách là sở thích và cũng là sở trường của tổng thống Obama. Người ta tin rằng sau khi rời nhiệm sở, ông sẽ tập trung vào việc viết sách và có thể “kiếm bộn” tiền nhờ vào việc viết hồi ký

“Viết hồi ký luôn là cách kiếm tiền có thể chấp nhận được của các vị tổng thống”, nhà sử học Mark Updegrove, Giám đốc Thư viện Tổng thống Lyndon B. Johnson ở Austin, Texas, chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Obama còn sở hữu một “vũ khí” kiếm tiền khác, đó chính là tài hùng biện xuất chúng của bản thân. Ông luôn được coi là bậc thầy về thuyết trình, hùng biện. Đã không ít lần ông nhận được những tràng pháo tay không ngớt thể hiện sự thích thú, ngưỡng mộ từ phía người nghe đối với vốn kiến thức sâu rộng và khả năng diễn đạt tuyệt vời của ông. Bởi vậy, tài hùng biện cũng có thể giúp ông dấn thân vào nghiệp diễn thuyết, đây là một nghề “hái ra tiền” của không ít tổng thống Mỹ sau khi đã về hưu.

Nhìn chung, viết sách và diễn thuyết là hai công việc có thể giúp các cựu tổng thống kiếm tiền dễ dàng. Washington Post từng đưa tin cho hay, khoảng thời gian trước khi rời nhiệm sở, cựu Tổng thống Bill Clinton đã tiết lộ về số tiền tiết kiệm mà ông có được. Theo đó, ông “chẳng có tài sản gì ngoài khoản tiết kiệm chỉ bằng 10% thu nhập trong 8 năm”. Thậm chí, ông còn nợ gần 12 triệu USD do vướng vào những rắc rối liên quan tới pháp lý. Vì thế, khi về hưu, ông Clinton tích cực làm việc để bù đắp lại. Ông được nhận trước 15 triệu đô la Mỹ khi viết cuốn hồi ký My life, và đã thu về hơn 100 triệu USD nhờ các buổi diễn thuyết.

Cựu Tổng thống George W. Bush cũng khá thành công sau khi xuất bản cuốn hồi ký ăn khách Decision Points vào năm 2010 và thường xuyên đi diễn thuyết cả trong và ngoài nước, với thu nhập khoảng 100.000 đến 150.000 USD cho mỗi lần, The Daily Beast thông tin. Từ khi rời Nhà Trắng tới tháng 5/2011, ông Bush thu về khoảng 15 triệu USD từ các bài diễn thuyết.

Ngoài xuất bản sách và diễn thuyết, cũng có thể ông Obama sẽ trở lại giảng dạy luật tại các trường đại học. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New Yorker, ông Obama từng nói: “Tôi yêu ngành luật. Tôi thích giải quyết những vấn đề và cùng tham gia tranh luận. Tôi cũng yêu nghề dạy học, nhớ những lớp học và khoảnh khắc hòa nhập cùng sinh viên”.

Nếu khả năng đó xảy ra, có thể ông Obama sẽ công tác tại Đại học Chicago, nơi ông từng tham gia giảng dạy; hoặc Đại học Harvard, nơi ông tốt nghiệp ngành luật; hay cũng có thể là Đại học Columbia, nơi ông nhận bằng chính trị học. Tuy nhiên, khả năng cao ông sẽ công tác tại Đại học Columbia bởi hiệu trưởng của trường từng nói trong một hội nghị năm 2015 rằng ông rất mong chờ được chào đón “cựu sinh viên nổi tiếng nhất về trường vào năm 2017”.

Tuy nhiên, duy trì cuộc sống không phải mục đích duy nhất của các tổng thống Mỹ sau khi về hưu. Bằng uy tín, ảnh hưởng của bản thân, họ thường thành lập các tổ chức, quỹ từ thiện nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề nóng trong xã hội, đôi khi là những vấn đề mà trong nhiệm kỳ của mình, họ còn cảm thấy vướng mắc.

Đơn cử như cựu Tổng thống Jimmy Carter, ông dùng phần lớn lợi nhuận từ việc viết sách để thành lập Trung tâm Carter, hoạt động vì nhân quyền, chống đói nghèo, áp bức. Hay cựu Tổng thống Bill Clinton lập quỹ chống AIDS ở châu Phi, tích cực đẩy mạnh các hoạt động liên quan tới môi trường và chăm sóc y tế toàn cầu…

Qua đó, giới quan sát nhận định rằng ông Obama có thể sẽ hoạt động vì cộng đồng sau khi rời nhiệm sở, đặc biệt là những hoạt động giáo dục và thúc đẩy sự phát triển của giới trẻ.

Như trong chuyến thăm tới Việt Nam vào tháng 5/2016, trong cuộc gặp với thế hệ thanh niên, Tổng thống Mỹ Obama từng khẳng định: “Mọi người thường hỏi tôi rằng, tôi sẽ làm gì sau khi hết nhiệm kỳ, bởi vì tôi vẫn còn khá trẻ, không phải so với các bạn, mà so với những tổng thống khác. Đã có nhiều người hỏi tôi sẽ làm gì sau khi hết nhiệm kỳ, vì tôi còn khá trẻ. Dù không biết hết tất cả những việc mình sẽ làm trong tương lai nhưng tôi chắc chắn sẽ tiếp tục giúp đỡ các bạn trẻ ở Mỹ cũng như trên thế giới phát triển”.

Danh Tuyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/sau-khi-roi-nha-trang-cuoc-song-cua-tong-thong-obama-ra-sao-a301840.html