Khi quyền im lặng được công nhận

Có một nguyên tắc đã trở thành phổ quát ở rất nhiều nước trên thế giới. Là khi một người bị bắt, thì câu đầu tiên mà cảnh sát nói với người đó là “ông (hay bà) được quyền im lặng”. Vì sao như vậy?

Vì “quyền im lặng” đã được những quốc gia đó đưa vào luật như một “đặc quyền chống lại sự tự buộc tội”. Theo đó, một người không bị bắt buộc phải trả lời những câu hỏi có khả năng dẫn đến việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Công ước Liên hợp quốc về các quyền dân sự - chính trị và công ước về các quyền của trẻ em cũng ghi nhận nguyên tắc “Mọi người không bị bắt buộc phải khai báo để chống lại mình hoặc phải nhận tội”.

Còn quy chế của Tòa án Hình sự Quốc tế cũng quy định: Trong giai đoạn xét xử, bị cáo không bắt buộc phải khai báo hay nhận tội và được quyền im lặng. Việc im lặng này không là một căn cứ để xác định bị cáo có tội hay vô tội.

Còn ở Việt Nam?

Tuy các bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) trước đã có quy định rằng việc chứng minh bị can, bị cáo có tội hay vô tội là việc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không nhất thiết phải chứng minh. Nghĩa là tại cơ quan điều tra hoặc tại tòa, họ có quyền từ chối các câu hỏi.

Thế nhưng, quyền đó của họ thường bị các cơ quan tiến hành tố tụng hiểu và hành xử theo một cách khác. Trung tướng Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, trong một lần trả lời báo chí, đã nói rằng những bị can, bị cáo chọn cách im lặng tại cơ quan điều tra hay tại tòa thường bị cho là ngoan cố, chống đối, là không thành khẩn. Và kết quả là thường phải nhận những mức án nặng hơn.

Tới đây, thì vấn đề đó đã được khắc phục một cách triệt để. Bộ luật TTHS năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 tới đây, đã ghi nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo. Và việc hỏi cung bắt buộc phải có ghi âm, ghi hình có âm thanh.

Có thể nói đây là một bước tiến rất dài trong việc chống lại chuyện bức cung, nhục hình, dẫn đến án oan, án sai, vốn đã trở thành một vấn nạn, gây bức xúc trong xã hội lâu nay. Nhận xét về việc này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Chúng tôi hy vọng sự ra đời của Bộ luật TTHS năm 2015 với nhiều điểm tiến bộ, trong đó có quyền im lặng được công nhận, sẽ giúp hạn chế tình trạng oan sai, giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của những người bị buộc tội trong khi tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta”.

Còn Tiến sỹ Lê Huỳnh Tấn Duy (Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng việc đưa quyền im lặng của bị can, bị cáo vào Bộ luật TTHS lần này là rất cần thiết, nó ghi nhận thêm một thành công trong cuộc cải cách nhằm xây dựng một nền tư pháp công bằng, văn minh của nước ta.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/khi-quyen-im-lang-duoc-cong-nhan-post161611.html