Khi phụ nữ làm nghề ve chai được mặc đồng phục

Ở phường An Đông (TP. Huế) có một tổ tự quản nghề ve chai do dự án 'Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam' của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) hỗ trợ.

Phường An Đông là đơn vị được xây dựng điểm tổ tự quản nghề ve chai

Tổ tự quản có 11 chị, đều làm nghề ve chai ở phường An Đông. Họ có thâm niên trong nghề dễ đến vài chục năm và đây là lần đầu tiên họ được sinh hoạt đúng ngành nghề của mình. Trước khi là thành viên của tổ tự quản ve chai, họ là lao động tự do. Nhiều người gắn bó với nghề từ thời con gái đến bây giờ ngót nghét hơn 30 năm.

Chị Trần Thị Xuân Mai ở tổ 19, phường An Đông có 37 năm trong nghề. Giọng trầm buồn khi kể về nghề của mình. Một ngày tôi đạp xe đi tầm 20km - 30km là chuyện thường tình. Đi từ sáng đến chiều tối, nhưng thu nhập tầm 50.000 đồng - 100.000 đồng/ngày. Đa số các chị mua đều mua bán ve chai nhỏ lẻ, cuộc sống khó khăn, nhất là thiếu vốn để mua hàng. Thế nên, khi được vận động vào tổ tự quản ve chai mọi người đồng ý ngay, vì ít ra mình có môi trường để trao đổi kinh nghiệm làm ăn.

Phường An Đông là đơn vị được xây dựng điểm tổ tự quản nghề ve chai Phường An Đông là đơn vị được xây dựng điểm tổ tự quản nghề ve chai Với vốn ban đầu được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp và dự án WWF hỗ trợ 3 triệu đồng để mua đơn hàng, các chị bắt đầu biết hạch toán trong mua bán. Mỗi lần đến kỳ sinh hoạt, các chị lại bàn tán rôm rả về cách làm ăn; chẳng hạn, mua chung, bán chung ve chai sao cho thuận tiện. Mỗi nhóm có hai thành viên, đơn hàng sẽ được xoay vòng cho từng nhóm. Những nơi khó tiếp cận, hội phụ nữ địa phương sẽ liên kết để giúp các chị mở rộng thị trường. Nguyên tắc của nhóm là giá thu mua ve chai phải luôn theo giá thị trường để duy trì cũng như tìm kiếm nguồn hàng thu mua.

Từ tháng 12/2022 đến nay, tổ hợp tác đã kết nối thu mua đơn hàng gần 20 triệu đồng. Theo quy định, nguồn lợi nhuận được trích lại 20% sẽ được cộng dồn vào nguồn vốn ban đầu để tiếp tục hỗ trợ thu mua và tạo nguồn quỹ để thăm hỏi khi ốm đau, hiếu sự... Mệ Võ Thị Vang, 75 tuổi, ngót nghét trên 25 năm trong nghề chia sẻ, lần đầu tiên tui được mặc áo quần đồng phục, được trang bị áo mưa, bao tay, khẩu trang, dụng cụ nhặt rác… Tôi còn được hỗ trợ xe đẩy để thu mua ve chai. Tôi đã mượn vốn để mua các đơn hàng và đã trích lại cho tổ hợp tác 300.000 đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội LHPN phường An Đông (TP. Huế), tổ hợp tác nghề ve chai, thu gom phế liệu gặp một số khó khăn, như đơn hàng vẫn còn ít, chỉ dừng lại ở những nơi mà dự án, tổ chức hội phụ nữ các cấp kết nối. Nhiều chị sử dụng xe đẩy, xe đạp nên khi có đơn hàng xa lại không thể tham gia mua bán chung được. Các chị không sử dụng điện thoại thông minh nên hạn chế trong việc tương tác mạng xã hội, cung cấp hình ảnh hoạt động trên trang facebook của tổ hợp tác để thu hút khách hàng.

Việc thu mua ở các trường học, cơ quan Nhà nước, công trình xây dựng, khách sạn, nhà hàng... gặp khó khăn, do những người phụ trách ở đây thường liên hệ bán với các đại lý cấp 1, 2 để được giá cao hơn. Mô hình thu gom ve chai giúp các chị cải thiện được thu nhập, thay đổi góc nhìn của cộng đồng về nghề ve chai, phế liệu truyền thống góp phần cải thiện tỷ lệ rác thải tái chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại TP. Huế. Dự án cũng đã hướng dẫn các chị phân loại rác thải, sau đó, hướng dẫn cách chế biến chất tẩy rửa đa năng từ rác thải hữu cơ khiến các thành viên trong tổ đều phấn khích.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phu-nu/khi-phu-nu-lam-nghe-ve-chai-duoc-mac-dong-phuc-130223.html