Khi phụ huynh là 'bệ đỡ', bạo lực học đường bao giờ mới chấm dứt?

Các vụ bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều, không chỉ học sinh bạo hành lẫn nhau, giáo viên bạo hành học sinh, phụ huynh hành hung giáo viên mà không ít phụ huynh bạo hành bạn học của con.

Nhiều vụ việc đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng trước sự lạnh lùng, nhẫn tâm của người lớn, khi trực tiếp tham gia (dùng nắm đấm, bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cho con mình) hoặc chứng kiến, đồng tình, cổ xúy cho con em mình thực hiện hành vi bạo lực với người khác.

Thực trạng bạo lực học đường, phụ huynh "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với bạn học của con đang ngày càng báo động. PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này với PV Báo Sức khỏe và Đời sống.

PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Phụ huynh hành hung bạn của con phản ánh nhận thức sai lệch về cách làm cha mẹ

- Những vụ việc phụ huynh sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề xung đột, mâu thuẫn của con trẻ với bạn bè không còn hiếm gặp, theo ông đâu là nguyên nhân của thực trạng đáng quan ngại này?

PGS.TS Trần Thành Nam: Bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng trong đó đáng buồn nhiều vụ việc có sự tham gia của phụ huynh. Điều này có lẽ cũng phản ánh sự căng thẳng trong xã hội nói chung có xu hướng gia tăng, bạo lực trong xã hội cũng có xu hướng gia tăng do những hành vi thiếu chuẩn mực của người lớn.

Nhưng những vụ việc điển hình phụ huynh tham gia hành hung bạn của con có thể còn phản ánh nhận thức sai lệch của phụ huynh về cách làm cha mẹ, cách bảo vệ con cái. Có thể chính những phụ huynh cũng đã bị ảnh hưởng bởi quá nhiều chất liệu bạo lực trong cuộc sống nên chấp nhận các khuôn mẫu ứng xử bạo lực với người khác để bảo vệ quyền lợi của mình.

Chúng ta cũng có thể thấy dường như nhiều phụ huynh không hiểu và không tin vào những quy trình xử lý hành vi bạo lực giữa học sinh với nhau của nhà trường nên tự ra tay. Bản thân những phụ huynh này cũng thiếu giáo dục về kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách thân thiện.

- Làm cha mẹ, bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy xót xa khi thấy con cháu mình bị bắt nạt và tìm cách bảo vệ con. Nhưng bảo vệ, bênh vực con thế nào cho đúng? Phụ huynh có nên tự xử các vấn đề học đường hay không, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Đúng là cha mẹ nào cũng cảm thấy xót xa khi con mình bị bắt nạt và tìm cách bảo vệ con. Nhưng những cách thức như trừng phạt lại kẻ bắt nạt bằng bạo lực khắc nghiệt hơn hoặc dùng các mối quan hệ để đuổi kẻ bắt nạt ra khỏi ngôi trường không những không giải quyết được tận gốc vấn đề mà còn đẩy con vào nguy cơ đối diện với những vụ bắt nạt và bạo lực nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Cách bảo vệ con đúng khi chứng kiến bạo lực xảy ra là bình tĩnh can gián, nói chuyện với kẻ bắt nạt để họ biết rằng hành vi đó là sai trái và sẽ dẫn đến hậu quả xấu, đưa kẻ bắt nạt đến người có trách nhiệm trong trường hoặc cơ quan chức năng để báo cáo.

Với con, cha mẹ cũng phải lắng nghe, an ủi và thảo luận về các phương án sắp tới để đảm bảo sự an toàn cho con. Cha mẹ cũng thậm chí phải tìm cách giúp đỡ kẻ bắt nạt bằng cách tìm hiểu lý do dẫn đến hành vi, yêu cầu tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý và hướng đến một cam kết không sử dụng bạo lực trong tương lai.

Hành vi người lớn tiếp tay, tham gia bạo hành học sinh có hành vi không đúng với con mình là vi phạm quyền trẻ em và cũng là hành vi vi phạm pháp luật nên sẽ bị xử lý theo cac quy định của pháp luật.

Hình ảnh cắt từ clip nữ sinh lớp 7 ở tỉnh Hải Dương bị người nhà bạn cùng trường đánh.

Cha mẹ giải quyết ấm ức của con mình bằng nắm đấm, con cũng sẽ bị "di truyền"

- Ở một góc độ khác, chính những phụ huynh này đang "đầu độc" con em mình, làm gương xấu để biến con trở nên bạo lực, có cách hành xử côn đồ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ, thưa ông?

PGS.TS Trần Thành Nam: Cha mẹ dạy con bằng tấm gương, qua hành vi ứng xử hàng ngày và nhân cách của mình. Chính cha mẹ cũng tiếp tay, tham gia, trả đũa bằng những hành vi bạo lực để giải quyết những ấm ức của mình thì con cái cũng sẽ bị "di truyền" theo cơ chế tập nhiễm xã hội, chấp nhận những giá trị bạo lực, coi hành xử hung hăng, bạo lực với người khác để đòi quyền lợi không có gì là sai. Và như vậy, không loại trừ sau này, con cái cũng sẽ sử dụng bạo lực với chính bố mẹ mình khi về già.

Cần giải quyết vấn đề một cách thân thiện

- Thưa ông, khi phát hiện con có mâu thuẫn với bạn bè, cha mẹ cần ứng xử ra sao trước xung đột này của các con cũng như cần làm gì để trẻ không là nạn nhân của bạo lực học đường?

PGS.TS Trần Thành Nam: Đối với nhiều bố mẹ, "bắt nạt" là một phần bình thường của tuổi thơ. Vì vậy có bộ phận người lớn xem nhẹ hoặc lờ đi các hành vi bắt nạt từ khi mới chớm. Nhiều phụ huynh có con là thủ phạm bắt nạt tinh thần, bắt nạt bằng lời thường chế giễu và phê phán phụ huynh có con bị bắt nạt là trầm trọng hóa, "bới bèo ra bọ". Họ cũng thường tin rằng trẻ em bây giờ cũng giống như xưa, nghịch ngợm trêu chọc nhau để lớn lên. Không phải như vậy. Trẻ em ngày nay còn có thể sử dụng Internet để nhốt nạn nhân của chúng vào một không gian mạng xã hội mà không thể tránh khỏi sự lo lắng, xấu hổ và nhục nhã. Tác động của nó có thể gây chết người lớn hơn rất nhiều so với đấm đá truyền thống.

Vì vậy, cha mẹ cần giúp con xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột vì tất cả những hành vi bạo lực nghiêm trọng đều bắt đầu từ những mâu thuẫn nhỏ chẳng đáng gì nhưng do các con không biết cách giải quyết vấn đề một cách thân thiện.

Bản thân cha mẹ cũng phải tự cập nhật những kiến thức và kỹ năng nuôi dạy con cái, sử dụng kỷ luật tích cực nêu gương cho con. Cha mẹ cần được trang bị kiến thức để nhận diện sớm các dấu hiệu con cái bị bạo lực hoặc có thể trở thành thủ phạm của bạo lực để có quy trình xử lý, sơ cứu tâm lý khi cần thiết.

Cháu Đ. (học sinh lớp 8) bị đánh dẫn đến chấn thương sọ não, hôn mê.

- Chúng ta nói nhiều về trường học an toàn. Trong những câu chuyện học sinh bị hành hung như thế này, có lẽ cũng cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của nhà trường?

PGS.TS Trần Thành Nam: Nhà trường có vai trò trung tâm trong việc thiết lập quy trình và hệ thống phòng ngừa bạo lực học đường. Bắt đầu từ việc cải thiện văn hóa học đường, quy tắc hành vi ứng xử trong nhà trường, nội quy rõ ràng, khen thưởng nhất quán. Huấn luyện kỷ luật tích cực và quản lý hành vi lớp học tích cực. Kiểm tra xuất nhập, camera, chiếu sáng hợp lý, đảm bảo an toàn trường học.

Nhà trường cũng phải triển khai các khóa huấn luyện kỹ năng Giải quyết xung đột và chương trình giảng dạy phòng chống bạo lực cho học sinh và giáo viên trong toàn trường. Triển khai chương trình hòa giải ngang hàng (quy trình giúp học sinh giải quyết bất đồng mà không phải đối đầu hay bạo lực). Tăng cường năng lực quản lý lớp học tích cực cho giáo viên trong trường. Xử lý khủng hoảng truyền thông khi có bạo lực nghiêm trọng xảy ra.

Nhà trường phải tổ chức Phòng tư vấn tâm lý một cách hiệu quả, thiết lập vận hành định kỳ công tác đánh giá nguy cơ và sàng lọc toàn trường. Lập quy trình xử lý các mối đe dọa (với giáo viên, học sinh, tài sản nhà trường theo mức độ nguy cơ). Tiến hành can thiệp sớm: Hướng dẫn, sơ cứu tâm lý và tư vấn trị liệu cho cá nhân/nhóm khi cần thiết.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Những vụ việc bạo lực xảy ra mới đây

Ngày 25/3, tại Hải Dương xảy ra một vụ việc nữ sinh lớp 7 bị nam thanh niên hành hung, tát nhiều lần vào đầu, mặt. Theo lãnh đạo UBND xã An Thượng (TP.Hải Dương), trước đó nữ sinh này có xích mích nhỏ với một học sinh lớp 9 cùng trường. Thấy vậy, người chú của học sinh lớp 9 đã ra tay đánh nữ sinh lớp 7.

Tại Hà Nội cũng vừa xảy ra một vụ bao lực đau lòng khiến nam sinh lớp 8 bị chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng tử vong cao.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên, ngày 17/3, cháu K. (học sinh lớp 6) chơi tại khu vực đình Lệ Mật thì phát sinh mâu thuẫn và bị cháu Đ. (học sinh lớp 8) tát vào mặt. Cháu K. chạy đi gọi anh trai là M. để nhờ giải quyết mâu thuẫn. Khi 2 anh em đi bộ ra sân đình Lệ Mật thì gặp bố đẻ là anh T. và kể lại sự việc. Anh T. chở 2 anh em bằng xe máy ra sân đình Lệ Mật để xem ai đánh. Khi đến khu vực đình Lệ Mật, anh T. bảo 2 con đi vào sân đình gặp ông nội đang có mặt ở đấy, còn anh T. quay xe định ra về. Lúc này, anh T. thấy cháu M. chạy vào đấm làm cháu Đ. ngã ra đất thì vào can ngăn rồi chở 2 con về nhà. Sau đó, anh T. trở lại khu vực sân đình Lệ Mật thì thấy cháu Đ. có biểu hiện choáng, mặt tái nên đã đưa cháu Đ. vào bệnh viện cấp cứu.

Qua sự việc này, nhiều người phẫn nộ và cho rằng rất cần xem xét vai trò, trách nhiệm của người bố của 2 cháu có hành vi đánh nạn nhân này, xác định nhận thức của người cha này khi có mặt tại hiện trường cùng 2 con. Việc chứng kiến 2 con đánh nạn nhân nhưng không có hành động can ngăn hoặc tuy không can ngăn nhưng bỏ mặc để cho 2 con của mình lao vào đánh nạn nhân thì cần xem xét vai trò của người cha là đồng phạm giúp sức, ủng hộ về tinh thần đối với hành vi 2 hai con.

Chia sẻ với báo chí, luật sư Nguyễn Đức Hùng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, mặc dù cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam bị can nhưng đây mới chỉ là những kết quả điều tra ban đầu. Các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ còn phải tiếp tục thực hiện các hoạt động điều tra, xác minh để làm rõ các tình tiết khách quan và các vấn đề cần phải chứng minh của vụ án theo đúng quy định của pháp luật như: Nguyên nhân, diễn biến của vụ án, ngoài bị can ra thì còn có đồng phạm khác tham gia xúi dục, giúp sức hoặc trực tiếp đánh, gây thương tích cho nạn nhân hay không...

Theo luật sư, toàn bộ sự thật khách quan của vụ án, cũng như trách nhiệm pháp lý của bị can và những người có liên quan (nếu có) sẽ còn phải đợi vào kết luận cuối cùng của cơ quan cảnh sát điều tra, cũng như kết quả truy tố và xét xử vụ án.

Đỗ Vi (thực hiện)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khi-phu-huynh-la-be-do-bao-luc-hoc-duong-bao-gio-moi-cham-dut-169240329112017688.htm