Khi nông sản đồng bào vào khách sạn, nhà hàng 5 sao

Nhiều loại mặt hàng nông sản xanh và sạch của đồng bào dân tộc đang trở thành món ăn đặc sắc trong các khách sạn, nhà hàng 5 sao. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình hợp tác để đưa hàng hóa vùng cao về phố thị. Việc ký kết bao tiêu nông sản, hoa màu của các doanh nghiệp khách sạn sẽ giúp đồng bào tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

HTX Nông nghiệp Sinh thái rừng xanh rau sạch của chị Koor Thị Nghệ có thể đáp ứng yêu cầu của các đối tác. Ảnh: Tiêu Dao

Tiềm năng nông sản sạch

Ở nước ta, mỗi vùng miền đều có một đặc sản với hương vị vô cùng đặc biệt, không nơi nào giống nơi nào. Các nguyên liệu này vốn sạch, hàm lượng dinh dưỡng cao. Nhưng vì thiếu thị trường, không giỏi buôn bán nên lâu nay, bà con vùng cao chỉ trồng quanh quẩn ở vườn rẫy, bán cho người trong làng. Nguyên liệu từ vườn rẫy, núi rừng, các món ăn dân dã được các đầu bếp chế biến, đặt lên bàn ẩm thực sang trọng là điều vô cùng đáng quý và sẽ tạo nên sự khác biệt trong các món ăn. Mỗi món ăn ngon được chế biến từ các nguyên liệu và thực phẩm của nước ta sẽ mang đến những câu chuyện văn hóa thú vị đằng sau nó, cũng như cách chế biến, quảng diễn của các đầu bếp nhằm tôn vinh, giới thiệu vẻ đẹp văn hóa và ẩm thực của Việt Nam đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Vào những ngày cuối tháng 3, sự kiện Đêm văn hóa ẩm thực Cội nguồn Việt - Nghệ nhân di sản Việt diễn ra tại khu lưu trú resort Furama Đà Nẵng nhằm tôn vinh ẩm thực kết hợp nguyên liệu của đồng bào Cơ Tu nhận được sự quan tâm lớn của các cấp chính quyền và du khách trong lẫn ngoài nước. Đây là lần đầu tiên có một đầu mối thu mua nông sản để đưa vào sử dụng tại khách sạn, resort 5 sao. Trước đó, cũng đã diễn ra việc ký kết Chương trình hỗ trợ phát triển và tiêu thụ nông sản giữa Công ty cổ phần Khu du lịch Bắc Mỹ An, Hội Khách sạn Đà Nẵng, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Đà Nẵng và Hội Nông dân xã Tr’hy (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) về việc bao tiêu nông sản, hoa màu của người dân địa phương, bảo đảm đầu ra, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, gắn với hoạt động xây dựng cộng đồng địa phương.

Từ đầu năm 2024, một nhóm doanh nghiệp, trong đó có đại diện khu nghỉ dưỡng này đã lên vùng núi cao huyện Tây Giang, nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu, để khảo sát và thông qua chính quyền "đặt hàng" nông sản sạch của người dân nơi đây. Theo đó, toàn bộ nông sản của bà con Tây Giang được trồng theo quy trình nông nghiệp sạch sẽ được các doanh nghiệp mua toàn bộ. Những sản phẩm đủ tiêu chuẩn sẽ được đưa vào phục vụ khách trong các khu lưu trú. Loại rau củ xấu hơn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sẽ được doanh nghiệp phục vụ suất ăn công nghiệp nhận tiêu thụ.

Cơ hội và thách thức

Việc các doanh nghiệp hợp tác tạo điều kiện cho việc phát triển, tiêu thụ nông nghiệp sẽ xây dựng được nguồn năng lực sạch, ổn định, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây cũng là cơ hội để người dân tại địa phương cải tạo thu nhập, nâng cao đời sống, tạo cơ hội mở rộng quy mô trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn để nông sản của đồng bào có thể chiếm lĩnh và giữ vững được thị trường với điều kiện đảm bảo về chất lượng, số lượng. Trong đó, những khó khăn về việc lựa chọn, phát triển các loại sản phẩm phù hợp, đặc trưng địa phương và nhu cầu và tiêu chuẩn mua hàng của các đối tác để ký kết hợp đồng mua bán lâu dài.

Các đầu bếp nổi tiếng trình diễn tinh hoa ẩm thực trong sự kiện Đêm văn hóa ẩm thực Cội nguồn Việt - Nghệ nhân di sản Việt nhằm tôn vinh ẩm thực kết hợp nguyên liệu do đồng bào Cơ Tu sản xuất, hái lượm. Ảnh: Tiêu Dao

Ông Zơ Râm Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tr’Hy cho biết, địa phương sẽ tập trung trồng các loại cây vừa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, vừa đảm bảo phù hợp về đặc điểm khí hậu và đặc trưng địa phương. Hai bên sẽ có hoạt động hợp tác về đào tạo, giám sát để đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra, từ khâu chọn cây trồng cho đến phân bón, quy trình canh tác, chăm sóc, cải tạo đất, nguồn nước... đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng, việc Hội bắt tay với nông dân người Cơ Tu ở vùng cao Tây Giang được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình hợp tác để đưa hàng hóa vùng cao về thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng hiện có 1.300 khách sạn từ 2-5 sao nên các khuôn khổ hợp tác tương tự vẫn còn nhiều tiềm năng. Hội Khách sạn Đà Nẵng sẽ giới thiệu đến các hội viên là các khách sạn 4 đến 5 sao, các chuỗi cung ứng thực phẩm chất lượng cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về nguồn nông sản của đồng bào Cơ Tu và làm cầu nối để hỗ trợ tiêu thụ, mở rộng thị trường.

Đồng thời, Hội sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá nguồn nông sản này đến các đối tác trong và ngoài nước. Với sự kết hợp của các khách sạn 5 sao như Furama Đà Nẵng với nhóm các doanh nghiệp, các loại rau rừng, bắp chuối, trái cây từ Tây Giang (Quảng Nam), Hòa Vang (Đà Nẵng), A Lưới (Thừa Thiên Huế) từ nay sẽ rộng mở đường để vào nơi tiêu thụ. Không chỉ nông sản Tây Giang, những cây mía ở xã Hòa Bắc (Hòa Vang, Đà Nẵng), sâm bố chính (Thừa Thiên Huế) hay nước mắm truyền thống Nam Ô (Đà Nẵng) cũng được đưa vào phục vụ các du khách tại Đà Nẵng.

Ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tây Giang cho biết, ông rất vui mừng khi các cây đặc sản của đồng bào người Cơ Tu có cơ hội vào resort, khách sạn 5 sao. "Đây là cơ hội tạo công ăn việc làm, tạo đầu ra cho nông sản người dân nơi đây. Đồng thời, trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung trồng các loại cây phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Hai bên cũng có hoạt động hợp tác về đào tạo, giám sát đảm bảo chất lượng đầu vào, đầu ra, từ khâu chọn cây trồng cho đến phân bón, quy trình canh tác, chăm sóc, cải tạo đất, nguồn nước để đảm bảo chất lượng. Trong tương lai, Hội Khách sạn Đà Nẵng, Hiệp hội văn hóa ẩm thực Đà Nẵng sẽ mở rộng hơn nữa các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản để bà con ngày càng mở rộng diện tích, sản xuất số lượng lớn nông sản sạch cung cấp cho các doanh nghiệp, giúp đồng bào Cơ Tu cải tạo thu nhập"- Ông Trần Văn Ta nhấn mạnh.

Hy vọng rằng, với nỗ lực giữa các bên, cũng như có sự đồng hành của những doanh nghiệp cung ứng thực phẩm lớn, sẽ có sự cải thiện rõ rệt trong các khâu sản xuất nông nghiệp, bảo quản nông sản sau thu hoạch của bà con, nhằm xây dựng nguồn nông, sạch, ổn định, tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững.

Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khi-nong-san-dong-bao-vao-khach-san-nha-hang-5-sao-post474742.html