Khi người trẻ trốn tránh trưởng thành

“Pan” (2015) cố gắng lý giải câu chuyện quen thuộc của phim Walt Disney. Nhưng rồi, quá “sáng tạo” đến mức cổ vũ những đứa trẻ không chịu lớn.

Pan là vị thần Hy Lạp cổ đại. Theo thuyết thì ông là thần của giới tính, nhạc đồng quê, thiên nhiên hoang dã, đồng thời cũng là thần hộ mệnh của các chàng chăn cừu - đó hẳn là lý do vì sao bộ lạc da đỏ trong phim lại lấy cái tên Pan chỉ vị thần bảo vệ cho họ (nhưng nếu các nhà làm phim chú ý Pan đã dạy các chàng chăn cừu điều gì hẳn họ phải nghĩ lại). Ông thần này cũng khá lông bông, cuộc sống toàn xoay quay đàn đúm, nhậu nhẹt, và… các nàng. Nói chung, vị thần này khá suy đồi.

Rõ ràng, ngay từ đầu, các nhà làm phim đã “trật khớp” khi cố gán ghép một vị thần như vậy vào hình tượng nhân vật đã quá quen thuộc với trẻ em. Chẳng khác gì chuyện “biến tấu” các nhân vật khiến giới phụ huynh xôn xao gần đây. Hoặc cũng có thể, các nhà làm phim đang cố phê phán sự hưởng thụ cuộc sống ở Neverland của nhân vật Peter Pan không chịu lớn. Nhưng bộ phim sau đó cũng không có điểm nào thể hiện tính phê phán đó.

Điều này thể hiện ngay từ chi tiết nhỏ như tên mẹ của Peter Pan: Mary. Không khỏi liên tưởng đến Mẹ Maria. Thậm chí, tượng của bà còn được đặt trong căn phòng mà Peter cùng bạn lẻn vào hòng tìm ra dấu vết “tham nhũng” của bà sơ quản giáo. Căn phòng đó đầy thức ăn và tiền bạc, như thể muốn ngụ ý phân phối bình đẳng cho người nghèo. Nhưng các nhà làm phim lại vô tình để Peter trở nên… xấu tính. Peter Pan mà chúng ta hằng biết là nhà lãnh đạo tụi nhỏ chống lại tên thuyền trưởng hải tặc độc ác, thì Peter trong Pan lại chẳng mảy may thể hiện sẽ chia sẻ những gì tìm được với những người bạn cùng chung trại trẻ.

Đó chưa phải “sáng tạo” duy nhất. Khi xem phim, con người thường tự động lục lại ký ức và so sánh. Các nhà làm phim biết điều này, và do đó, trong Pan, họ tuyên bố bạn sẽ nhận được câu chuyện có thật. Nhưng lại là sự thật như… truyện cổ tích vậy. Theo lẽ thường, chuyện “thật” vốn sẽ dựa trên các tài liệu đáng tin cậy và được thừa nhận, ở đây là truyện gốc/sách gốc. Nhưng đó lại không phải điều bộ phim hướng tới. Pan cố gắng chỉ trích sự giả dối bằng cách đắp nặn nên sự giả dối khác.

Pan cố chỉ trích các doanh nghiệp “bóc lột” người lao động bằng màn thuyết trình của “ông chủ” Blackbeard (Hugh Jackman): “làm việc hăng hái, trung thực” thì được thưởng, “nhát làm và hay giả bệnh” sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Nghe có lý đấy chứ. Chẳng lẽ chúng ta nên khoan dung với những kẻ lười biếng?

Có một giả thuyết đáng xem xét: Các nhà làm phim đang ám chỉ một hiện tượng nhức nhối - văn bản quy định thì đúng đắn, nhưng đưa vào đời thực “tam sao thất bản”, muôn vàn kiểu thực thi. Thế nào là trừng phạt nghiêm khắc? Vào tù là nghiêm khắc. Xử tử là nghiêm khắc. Nhưng với lũ trẻ, chỉ cần đánh vài roi cũng có thể bị coi là nghiêm khắc.

Tuy nhiên, nếu như vậy, cách giải quyết thật khó hiểu.

Pan muốn lật đổ sự cai trị bạo ngược. Bằng cách nào?

Peter không biết đọc.

Thật khó hiểu khi bộ phim đặt ra chi tiết này. Phải chăng họ muốn ám chỉ về một nền giáo dục mù chữ trong các trại trẻ với những nữ tu độc ác? Nhưng cậu bạn thân của Peter lại biết đọc. Vì vậy, nạn mù chữ chỉ là một sản phẩm các nhà làm phim tạo nên để khiến nhân vật Peter càng trở nên gần gũi với tầng lớp bình dân hơn. Nhưng làm sao Peter có thể trưởng thành và trở thành anh hùng (ám chỉ về sự thành công) khi ngay từ kỹ năng cơ bản nhất là biết đọc biết viết không có, chưa nói đến tư duy logic và tầm nhìn xa trông rộng?

Không biết đọc có nghĩa là: không có khả năng đọc truyện gốc, không đọc bất kỳ câu chuyện nào, và đặc biệt không biết về lịch sử, văn hóa, khoa học…

Trong khi nhân vật Peter bị hạ cấp thì “thuyền trưởng” Hook quen thuộc lại được đắp nặn hấp dẫn như một chàng lãng tử. Hình ảnh Hook (Garrett Hedlund) ngủ cùng mũ trùm lên mặt chẳng khác gì Indiana Jones, một nhân vật có trí tuệ tuyệt vời, một người có máu phiêu lưu - chắc chắn không phải điều mà chúng ta biết đến về Hook. Sự phi lý càng bị đẩy đi xa hơn khi vừa cho Hook trở thành Indiana Jones, vừa cho gã có thói xấu đáng chê trách: nói dối. Gã nói dối mà chẳng cảm thấy ngượng ngùng, thậm chí khăng khăng: Người lớn là thế. Gã chẳng hề bị trừng phạt vì điều này. Vậy nói dối là được chấp nhận, lười làm thì không quá đáng chê trách còn mù chữ rất đỗi bình thường?

Rất dễ nhận thấy Blackbeard có bóng dáng của Jack Sparrow (Johnny Depp) trong “Pirates Of the Caribbean: On Stranger Tides”, nhưng lại lấy chính xác tên của nhân vật do Ian McShane đóng trong “Cướp biển”. Gã xuất hiện trên nền nhạc nổi tiếng Smells Like Teen Spirit theo một cách rất không phù hợp. Ca khúc này kể về một người da màu, một người bạch tạng, một con muỗi và một “Tôi” nào đó. Họ cảm thấy nhàm chán, những suy nghĩ điên loạn bật ra trong đầu. Họ cuốn vào những đêm trường hoan lạc để quên đi nỗi cô đơn, buồn chán, mê mang về tương lai của mình. Tiếng nói bộc bạch đến mức trần trụi khiến ta phải rung động và suy ngẫm, khích lệ người trẻ nói lên ý nguyện của mình, còn các bậc phụ huynh cũng gột bớt cái nhìn nghiêm khắc, thiên kiến để bao dung và hiểu con mình hơn. Với ý nghĩa như vậy, chắc chắn Smells Like Teen Spirit không thể là bài hát ưa thích của Blackbeard. Vậy nhưng, ông ta lại hứng thú mà hòa mình vào dàn đồng ca cất tiếng hát chào đón mình - bằng những ngôn từ rõ ràng chống lại ông ta.

Càng tệ hại, bộ phim cổ súy cho một lớp trẻ chạy trốn đến một vùng đất Neverland nào đó. Nếu như trong phim gốc của Disney (và các phiên bản khác trước Pan), các nhân vật Wendy, Michael và John (hay rộng hơn là lũ trẻ) cuối cùng cũng trở về nhà và trưởng thành thì trong Pan, lũ trẻ kết thúc cuộc đời mình ở Neverland. Chúng không bao giờ phải lớn lên. Chúng không có người lớn quản giáo. Vậy ai sẽ nấu cơm cho chúng ăn? Ai sẽ làm quần áo? Ai sẽ ru chúng ngủ? Ai sẽ chăm sóc lúc chúng ốm đau? Ai sẽ chỉ ra cho chúng thế này là sai, thế kia là đúng? Ai sẽ dạy chúng hiểu biết về thế giới? Chắc chắn không phải các vị thần.

“Pan” đã dựng nên một truyền thuyết rất kỳ cục: cậu bé biết bay sẽ dẫn dắt mọi người hạ bệ Blackbeard. Chẳng nhẽ có thể giết một kẻ sừng sỏ chỉ bằng khả năng bay mà không phải một trí tuệ siêu việt, võ nghệ đầy mình hay khả năng siêu phàm hơn thế? Bởi nếu chỉ cần bay, những chú chim “mặt xấu tệ mà lông đẹp kinh” trong phim thừa sức để trở thành “đôi cánh” giúp bộ lạc da đỏ hạ bệ Blackbeard. Thậm chí, chàng võ sĩ của bộ lạc dù không bay được như chim nhưng sự nhanh nhẹn và sức chiến đấu của anh ta còn đáng để tin tưởng hơn một bé trai mù chữ biết bay. Nhân vật công chúa Tiger Lily nói rằng những người đàn ông trong bộ tộc cô là trung thực và dũng cảm, thế nhưng, cô lại rơi vào lưới tình với Hook - một kẻ nói dối được sắp đặt để trở thành anh hùng bên cạnh Peter Pan.

Dễ dàng nhận thấy Pan là bản tranh cắt dán các chi tiết lấy từ những bộ phim nổi tiếng. Lời mở đầu phim như Maleficent, lũ trẻ mồ côi không khác gì Oliver!, đột nhập vào phòng lấy từ Girl Interrupted, không biệt đọc mượn theo Percy Jackson and the Olympians: the Lightening Thief, khu mỏ của Indiana Jones and the Temple Of Doom, sự huyền bí của Avatar, ngôi làng bộ lạc na ná trong Return Of the Jedi, đón chào chúa tể trong bài hát hoành tráng theo đúng phong cách Moulin Rouge, trong khi Hook chẳng khác gì bản kết hợp giữa Indiana Jones và Han Solo (Star Wars), Tiger Lily vay mượn phong thái của công chúa Leila (Star Wars), Blackbeard rõ ràng là Jack Sparrow, Davy Jones của Pirates Of the Caribbean có tham chiếu thêm vị vua tàn ác trong Gladiator.

Chuyện vay mượn trong điện ảnh không hiếm. Nhưng những người học hỏi thường giữ trọn vẹn ý nghĩa gốc. Như quả cấu tuyết trong House at the End Of the Street xuất hiện lại trong Red Dawn đều giữ nguyên ý nghĩa cảnh báo. Nhưng với Pan, họ cố gắng thay thế biểu tượng giải phóng nữ quyền Leia bằng Tiger Lily da trắng khoác màu da đỏ sa vào lưới tình, cố gắng thay thế Indiana Jones bằng một Hook hay nói dối, cố gắng thay thế trật tự luân lý với sự suy đồi (thần Pan)

Du Du

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/khi-nguoi-tre-tron-tranh-truong-thanh