Khi người mắc bệnh Down “đòi yêu”

(PL&XH) - Kết quả thống kê cho thấy: Ở Việt Nam, cứ 1.000 trẻ mới sinh thì có 1 trẻ bị bệnh Down. Đặc biệt, phụ nữ ở độ tuổi từ 35 trở lên, dễ sinh con mắc căn bệnh này.

Theo kết luận của giới y học thì bệnh Down là một dạng rối loạn nhiễm sắc thể (NST), gồm tập hợp các bất thường bẩm sinh, điển hình nhất là tình trạng trì trệ tâm thần. Thông thường, con người có 46 NST đi thành từng cặp, một số thừa hưởng từ cha, nửa kia ở mẹ nhưng trẻ sinh ra bị Down có nghĩa rằng, đứa bé đó có 47 NST, người ta gọi là NST bị dư thừa, chính điều này đã phá vỡ trí tuệ và thể chất của chúng. Thay vào đó, người bị bệnh Down đều có khuôn mặt giống nhau như: đôi mắt xếch, nhỏ và cách xa nhau, trán rộng, có mí thứ 3, mũi tẹt, đầu ngắn, lưỡi thè ra ngoài… và chỉ số IQ năm 21 tuổi chỉ là 42 trong khi người bình thường khoảng 100.

Một số người cho rằng: trẻ mắc bệnh Down không kiểm soát được suy nghĩ, hành động, tình cảm cũng như sự nhận biết về mọi thứ xung quanh. Chúng lớn lên như cỏ dại, đầu óc trống rỗng, chỉ biết một vài người thân trong gia đình bởi các dây thần kinh đã "tê liệt" hoàn toàn. Đó chỉ là lối suy nghĩ phiến diện. Trẻ bị Down cũng có nhu cầu bình thường như bao đứa trẻ khác. Chúng cần ăn, mặc, chơi đùa, ôm ấp. Thậm chí, nếu không nhận được sự yêu thương từ phía gia đình, trẻ dễ tủi thân, mặc cảm, xa lánh xung quanh dẫn đến nguy cơ phát sinh bệnh tật. Một điều nên chú ý, trẻ bị Down sẵn có các bệnh lý tiềm ẩn. Vì vậy, tuổi thọ của chúng cũng thấp hơn người thường.

Một bà mẹ đang chăm sóc cho con mắc bệnh Down. Ảnh. Phạm Nga

Qua khảo sát một số gia đình có con em mắc bệnh Down, chúng tôi thu được nhiều thông tin bổ ích. Bên cạnh đó, cũng không ít trường hợp làm cho người thân của họ cảm thấy xót xa, đau lòng.

Một trong số những gia đình có con em mắc bệnh Down là bà Nguyễn Thị Hương, trú tại xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Con trai bà Hương đã gần 30 tuổi nhưng tính tình thì giống một đứa trẻ. Chỉ cần tạm quên cậu trong vòng nửa tiếng, không ai hỏi chuyện là sinh ra buồn phiền, cáu giận, bỏ cơm. Khách lạ đến nhà, đặc biệt là con gái, cậu bé vừa xấu hổ, vừa cười thích thú, bẽn lẽn muốn đến gần. Đã có thời kỳ, bà Hương khổ sở vì con trai phải lòng một cô bạn. Cả tuần, cậu bé không ăn uống gì mà cứ nằm ủ rũ, rấm rứt khóc. Tưởng con bị đau, bà đã gọi bác sĩ đến khám. Mãi sau này, gia đình mới phát hiện ra điều thầm kín của con trai. Thì ra, cậu quý tử trong nhà đang mắc bệnh tương tư.

Như vậy, có thể khẳng định: trẻ mắc bệnh Down nếu được quan tâm, nuôi dưỡng tốt về mặt sức khỏe thì khả năng phát triển trí não sẽ tiến bộ, có thể tự ăn uống, làm việc để nuôi sống bản thân. Đến tuổi dậy thì, tâm sinh lý của chúng cũng như người bình thường, đòi hỏi được yêu thương. Câu chuyện của Phạm Văn Lộc, con trai bà Phạm Thị Canh, ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang làm nhiều người trăn trở.

Lộc là con thứ hai của bà Canh, sinh ra đã bị Down nhưng nhờ tình yêu, sự chăm sóc của mẹ mà Lộc lớn lên khỏe mạnh, làm được nhiều việc như chăn trâu, nhặt củi. Tuổi dậy thì đến, sinh lý cũng phát triển, Lộc thường xuyên nhìn trộm chị dâu tắm và có lần đòi làm "chuyện ấy" với chị dâu. Đau lòng hơn, cậu bé còn làm "chuyện ấy" với cả gốc cây.

Ở một phạm vi nào đó, câu chuyện sinh lý của người mắc bệnh Down dễ làm người ta ghê sợ. Nhưng xét về mặt xã hội, họ là những người thiệt thòi, không được sống cuộc đời bình thường và suy cho cùng, chẳng ai có thể cấm những nhu cầu tự nhiên của con người. Cụm từ "sinh lý" cũng không nằm ngoài quy luật đó. Vì, không tìm được đối tác cho mình, hiển nhiên họ sẽ phải tìm đến thứ khác. Chỉ có điều, người mắc bệnh Down không đủ thông minh để làm những việc thông minh và điều chắc chắn, họ có quyền nhận được sự cảm thông sâu sắc từ xã hội.

Phạm Nga

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20120225091019917p1043c1045/khi-nguoi-mac-benh-down-doi-yeu.htm