Khi người dân vượt lên chính mình

Bỏ ra vài chục triệu đồng để học tiếng Hàn, rồi đăng ký thi cùng những người ở đồng bằng, thậm chí là cả người ở Thủ đô để giành lấy suất đi làm việc ở Hàn Quốc, đó là sự vươn lên, vượt lên để khẳng định mình của những người dân tộc thiểu số ở Lào Cai.

Dù đã hơn 1 tháng, nhưng anh Triệu Phúc Lìn (thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương) vẫn không giấu được niềm vui bởi đã vượt qua cuộc thi lớn nhất và khó khăn nhất cuộc đời. Sau khi học xong lớp 9, anh Lìn không học tiếp lên THPT mà ở nhà làm ruộng nương. Đã 15 năm không còn liên quan đến đèn sách, chỉ quen với ruộng nương, nên việc đi học đối với anh là “nỗi khổ” lớn nhất của cuộc đời. Thế nhưng, để có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc, anh bắt buộc phải học và vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn. “Nghĩ đến đi học đã thấy ngại vô cùng, nói gì đến việc còn phải thi nữa”, anh Lìn bộc bạch.

Thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai – nơi có nhiều người đăng ký sang Hàn Quốc lao động.

Thôn Cốc Lầy, xã Lùng Vai – nơi có nhiều người đăng ký sang Hàn Quốc lao động.

Đắn đo và suy nghĩ rất nhiều, nhận thấy cuộc sống quá khó khăn, nếu được đi làm việc tại Hàn Quốc thì đó là cơ hội không thể tốt hơn cho gia đình, anh Lìn đã vượt qua “nỗi sợ”, vay tiền để đi học tiếng Hàn. Để đảm bảo vượt qua kỳ kiểm tra, anh Lìn cùng một số người trong thôn đã tự tìm hiểu và quyết định đăng ký học thêm tiếng Hàn tại Trung tâm Đào tạo ngoại ngữ và xuất khẩu lao động (Việt Trì, Phú Thọ). 4 tháng ròng rã thuê nhà, ngày ngày lên lớp học, khi thời gian rảnh, anh Lìn cùng với bạn cùng phòng trọ lên mạng intenet tìm hiểu thêm cách học tiếng Hàn.

“Những ngày đầu mới học tiếng Hàn, tôi thấy rất khó tiếp thu, chỉ muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến số tiền đã nộp học phí, cuộc sống ở quê quá vất vả, đặc biệt có sự động viên của bạn học nên tôi cố gắng hoàn thành khóa học”, anh Lìn cho biết.

Anh Chảo Kim Sài là người cùng thôn và ở trọ cùng anh Lìn suốt 4 tháng học tiếng Hàn tại Việt Trì bộc bạch: Có những lúc, hai chúng tôi nản chí, muốn bỏ giữa chừng, nhưng rồi động viên nhau cùng cố gắng để có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

Sau 4 tháng “văn ôn võ luyện”, anh Lìn, anh Sài bước vào kỳ thi kiểm tra quyết định. “Dù đã chuẩn bị tinh thần, nhưng thật sự bước vào phòng thi, tôi rất hồi hộp và lo lắng, thậm chí còn nghĩ mình sẽ không thể hoàn thành. Tuy nhiên, với nỗ lực cao nhất, trong 50 phút, tôi đã hoàn thành trả lời trắc nghiệm 40 câu hỏi tiếng Hàn”, anh Triệu Phúc Lìn tâm sự.

Trong kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn vừa qua (tháng 8/2022) có 700 người ở các tỉnh, thành phố tham gia và có tới 200 người không vượt qua. Anh Triệu Phúc Lìn, anh Chảo Kim Sài và nhiều người khác trong tỉnh Lào Cai đã vượt qua kỳ thi khó khăn nhất của cuộc đời.

Không chỉ có anh Lìn, anh Sài, mà còn nhiều người, như anh Giàng Seo Chơ, chị Hoàng Thị Hường (thôn Bản Dù, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà), anh Chảo Seo Cấu, anh Triệu Láo San, chị Lý Thị Phòng (thôn Mường Lum, xã La Pan Tẩn)… cũng đã vượt qua chính mình, chờ ngày sang Hàn Quốc làm việc.

Cầm trên tay danh sách người lao động đạt yêu cầu kỳ thi tiếng Hàn năm 2022 trong ngành nông nghiệp, chị Lương Thị Hoa, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương và Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Đây là lần đầu tiên, số người lao động của tỉnh (25 người) đăng ký thi kiểm tra tiếng Hàn và vượt qua với tỷ lệ cao như thế (đạt 76%, tương đương 19 người đạt yêu cầu). Trước đây, tỷ lệ người lao động của tỉnh vượt qua kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn chỉ đạt 25% - 30% so với số đăng ký dự thi.

Anh Triệu Phúc Lìn đang chờ ngày sang Hàn Quốc lao động.

Anh Triệu Phúc Lìn đang chờ ngày sang Hàn Quốc lao động.

Sở dĩ nói đây là kỳ thi khó khăn cuộc đời, bởi hầu hết 19 người là dân tộc thiểu số, chủ yếu học hết THCS và đặc biệt phải thi như những người lao động ở vùng đồng bằng mà không có sự ưu tiên nào. Theo chị Lương Thị Hoa, bắt đầu từ năm 2009, những người lao động muốn sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Hàn Quốc, ngoài những quy định cụ thể thì bắt buộc phải vượt qua kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn. Trong giai đoạn 2009 - 2014, chỉ tiêu tuyển lao động sang Hàn Quốc làm việc được phân bổ cho từng địa phương nên tỷ lệ “chọi” sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, không thực hiện giao chỉ tiêu cho địa phương, nên lao động là người dân tộc thiểu số, vùng khó khăn cũng phải “thi đấu” với lao động ở vùng đồng bằng và các thành phố lớn để giành được suất đi làm việc tại Hàn Quốc. Cho nên, việc 19/25 lao động của tỉnh vượt qua kỳ thi tiếng Hàn năm 2022 được coi là bất ngờ lớn, đồng thời thể hiện nỗ lực vươn lên, vượt qua chính mình của những lao động là người dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Mặc dù đòi hỏi khắt khe, nhưng nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn của nhà tuyển dụng, đặc biệt là vượt qua kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn, người lao động có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc với mức thu nhập tương đối cao, ổn định và bền vững. Điều đó lý giải vì sao, vài năm trở lại đây, số lượng người lao động trong tỉnh đăng ký đi làm việc tài Hàn Quốc ngày càng tăng, dù họ bắt buộc phải trải qua kỳ thi khó khăn nhất của cuộc đời. “Chúng tôi hy vọng, sự vươn lên, vượt qua chính mình của anh Triệu Phúc Lìn, anh Chảo Kim Sài và một số người khác sẽ là động lực để người lao động trong tỉnh khẳng định mình, sẵn sàng vượt qua thách thức để thay đổi cuộc sống”, chị Lương Thị Hoa, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương và Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) khẳng định.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361470-khi-nguoi-dan-vuot-len-chinh-minh