Khi đồng tiền ngự trị

Vì tiền mà Đoàn Thị Kim Y ở xã Xuân Phương, TX Sông Cầu đã bất chấp nhân phẩm, đạo đức..., lừa đảo chiếm đoạt hàng tỉ đồng của hàng trăm hộ nuôi tôm ở Sông Cầu để rồi nhận trái đắng.

Bị cáo Đoàn Thị Kim Y tại tòa. Ảnh: NGỌC DUNG

171 người bị hại

Mới đây, TAND tỉnh đưa ra xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại xã Xuân Phương, TX Sông Cầu. Đứng trước bục khai báo của bị cáo là Đoàn Thị Kim Y, một phụ nữ còn rất trẻ, chỉ mới 22 tuổi.

Theo cáo trạng, năm 2018, Đoàn Thị Kim Y thu mua tôm cua và nhiều loại hải sản khác. Đến đầu tháng 7/2020, Y thua lỗ, không có khả năng trả nợ nên nảy sinh ý định đưa ra thông tin gian dối thu mua tôm hùm giá cao, sau đó bán lại giá thấp để lấy tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Từ ngày 11-30/8/2020, Đoàn Thị Kim Y đã thu mua tôm hùm bông và tôm hùm xanh các loại, đủ kích cỡ với giá từ 250.000-1,1 triệu đồng/kg. Do giá thu mua này cao hơn hẳn giá thị trường từ 100.000-400.000 đồng/kg nên các hộ nuôi đều bán tôm cho Y. Sau đó, Y đem toàn bộ số tôm này bán đồng giá cho các điểm thu mua tôm khác chỉ với giá từ 280.000-450.000 đồng/kg. Với thủ đoạn trên, Y tổ chức thu mua tôm tại nhà mẹ ruột, sau đó nhờ chồng là Hồ Văn Dũng và thuê Hồ Văn Hóa (phường Xuân Đài), Nguyễn Hồ Hữu Kha (phường Xuân Yên), Lương An Vang (phường Xuân Thành) phụ giúp cân tôm, phân loại, đóng thùng. Sau khi mua, Y ghi số lượng tôm, giá tiền vào hóa đơn bán lẻ, hẹn 2 tuần sau trả đủ tiền, rồi đưa hóa đơn cho người bán giữ để tạo lòng tin.

Để có nhiều người đến bán tôm, Y còn liên hệ với bà Trương Thị Hết - hàng xóm của Y, nhờ bà giới thiệu các hộ dân bán tôm và hứa trả công cho bà. Bà Hết đã giới thiệu l6 người bán 772kg tôm hùm cho Y với giá trên 591 triệu đồng. Y còn nhờ vợ chồng anh ruột là Đoàn Thanh Quy và anh rể Nguyễn Văn Thân trú cùng xã đứng tên mua tôm và hứa sẽ trả tiền mua tôm, tiền công cho vợ chồng anh trai, anh rể. Anh Quy, anh Thân đã mua 1.979kg tôm các loại của 25 người với giá trên 1,2 tỉ đồng. Anh Thân, anh Quy giao toàn bộ số tôm thu mua cho Y. Nhưng Y không trả tiền cho anh trai, anh rể và những người bán tôm mà sử dụng tiền cho mục đích cá nhân rồi bỏ trốn sang đảo Bình Ba, TP Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa).

Bằng thủ đoạn gian dối, Y đã thu mua 15.211kg tôm hùm bông và tôm hùm xanh của hàng trăm hộ dân với giá thỏa thuận là 11,2 tỉ đồng rồi đem bán lại với giá hơn 6 tỉ đồng. Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Phú Yên kết luận, tại thời điểm mà Y thu mua tôm có giá trên 7,165 tỉ đồng. Đây chính là số tiền mà Y đã chiếm đoạt của 171 người bị hại.

Bài học đắt giá

Trong phòng xử án hôm ấy chật kín người dân nuôi tôm ở xã Xuân Phương và nhiều xã, phường khác trên địa bàn TX Sông Cầu. Ngồi lẩn khuất trong đám đông người bị hại có cả mẹ, anh trai, anh rể, hàng xóm, người quen của Y.

Mẹ của Y là bà Nguyễn Thị Gái, một phụ nữ gầy, thấp, khuôn mặt rám nắng hằn lên vẻ nhọc nhằn, lam lũ. Khi chủ tọa hỏi bà bao nhiêu tuổi, bà nói không thể nhớ tuổi của mình. Tôi nhớ hồi cuối tháng 3 gặp bà bên ngoài phòng xử án, bà nói, con gái mình cũng là người bị lừa. Bà nói: “Con tui từ trước giờ chưa bao giờ lừa gạt ai. Nó buôn bán bị người ta lừa không trả tiền nên mới bị vỡ nợ. Giờ không có tiền trả nợ nên đành chấp nhận đi tù”.

Trong khi trước hội đồng xét xử và hàng trăm người bị hại hôm ấy, bị cáo Y đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Phần lớn trong số họ đều vay tiền ngân hàng để gầy dựng lại nghề nuôi tôm hùm sau những tháng ngày lao đao vì bệnh dịch và bão lũ. Người ít thì bị lừa vài chục triệu, người nhiều thì hàng trăm triệu đồng. Nhiều người phải đi vay nóng, không có tiền trả nợ, giờ phải còng lưng đóng lãi. Chỉ vì nhẹ dạ cả tin mà những người dân nuôi tôm đã bị chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.

Đứng trước tòa, vị chủ tọa, thẩm phán hỏi Y: Nếu đồng tiền do mồ hôi nước mắt mình làm ra bị tước đoạt, bị cáo có xót không? Chỉ vì lười lao động mà bị cáo đã chiếm đoạt tài sản trên xương máu của người khác, trong đó có cả những người đáng tuổi ông bà, cha mẹ bị cáo.

Trong số những người bị hại, có lẽ ông Nguyễn Văn Im, 65 tuổi, ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh là người lớn tuổi nhất. Số tôm ông Im bán cho Y là tôm vợ chồng ông gửi cho con trai nuôi hộ. Để có vốn nuôi tôm, vợ chồng ông dành dụm một ít, một ít đi vay ngân hàng, giờ bị lừa, coi như tuốt tay. Ông Im buồn rầu nói: “Bây giờ, vợ chồng tôi ở nhà, con tôi nó đi làm cho chút ít vợ chồng ăn, chứ hai người già đâu biết làm gì. Phải chi có ruộng, có đất mà làm còn đỡ, ở Từ Nham người dân chỉ có nuôi tôm thôi, không có vốn thì đành chịu. Mong tòa xử, để con Y trả tiền cho vợ chồng tôi, nhiều hay ít gì cũng được, miễn là có tiền để vợ chồng già tôi có cái ăn, xoay xở hàng ngày...”.

Hơn nửa năm qua, bà Trương Thị Hết lâm vào cảnh sống dở chết dở khi phải nai lưng bỏ tiền nhà ra trên 193 triệu đồng để thay Y trả tiền cho những người nuôi tôm vì bà lỡ dính vào vai người giới thiệu bán tôm cho Y. Nhưng có lẽ đau hơn cả là vợ chồng anh trai, anh rể, cha mẹ, chồng Y bị vây bủa bởi số nợ mà Y gây ra.

Trước giờ nghị án, tòa cho cơ hội nói lời sau cùng, nhưng đáp lại chỉ là khoảng lặng dài. Y nói mình không có gì để nói, dẫu chỉ là lời ăn năn hối lỗi muộn màng. 20 năm tù giam là mức án hội đồng xét xử tuyên phạt Y. Bài học đắt giá cho hành vi sai trái của bị cáo không chỉ là những năm tháng tù tội mà Y còn đánh mất cả tình thân gia đình, tuổi trẻ, danh dự của bản thân.

20 năm tù giam là mức án của hội đồng xét xử tuyên phạt Y. Bài học đắt giá cho hành vi sai trái của bị cáo không chỉ là những năm tháng tù tội mà Y còn đánh mất cả tình thân gia đình, tuổi trẻ, danh dự của bản thân.

NGỌC DUNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/164/273203/khi-dong-tien-ngu-tri.html