Khi Dòng chảy phương Bắc - 'dây rốn' đưa khí đốt Nga tới châu Âu 'khó ở'…

Trở thành 'vũ khí' trong cuộc chiến kinh tế, việc có hoạt động hay không và hoạt động với công suất như thế nào của các đường ống thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu đang khiến EU thực sự 'đau đầu'.

Năm 2011, sự ra mắt của Dòng chảy phương Bắc 1 là một phần trong quá trình mở rộng quan hệ giữa Đức và Nga. (Nguồn: Reuters)

Trong khi đó, Nga vẫn đang kiếm "bộn tiền" từ nguồn nhiên liệu này.

Công cụ cho cuộc chiến kinh tế

Zug (Thụy Sỹ) được biết đến với một vài điều khác biệt. Khung cảnh tuyệt vời của đỉnh núi Alpine nơi đây từng được nhà văn Mark Twain miêu tả chi tiết đầy tình cảm.

Zug cũng nổi tiếng là “thiên đường thuế thấp” và là nơi đặt trụ sở công ty điều hành dòng khí đốt từ Nga sang châu Âu thông qua một đường ống trị giá gần 12 tỷ USD có tên Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Tháng 2/2022, khi Nga chính thức công nhận độc lập cho 2 khu vực ly khai ở miền Đông Ukraine, chính phủ Đức đình chỉ hoàn toàn quá trình cấp giấy chứng nhận cho dự án dẫn khí trên. Và cho đến nay, dù đã được hoàn thành, Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Cũng liên quan tới năng lượng, kể từ khi bắt đầu được đưa vào hoạt động năm 2011, đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đã là một loại “dây rốn” kết nối châu Âu với phần lớn nguồn cung năng lượng, thứ hàng hóa thiết yếu để người dân châu lục này giữ ấm và thắp sáng.

Tính đến năm 2020, Nga cung cấp gần 1/5 lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu vào Pháp, khoảng 2/3 khí đốt ở Đức và 100% ở Czech.

Nhưng đường ống huyết mạch này đã trở thành công cụ cho cuộc chiến kinh tế giữa Nga và phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.

Gần đây, Dòng chảy phương Bắc 1 tiếp tục hoạt động trở lại sau khi tuabin khí được bảo trì theo lịch trình. Tuy nhiên, công suất bơm giảm mạnh đã gây ra nhiều lo lắng cho các nước châu Âu.

Trước một tương lai không chắc chắn về nguồn cung, các nhà nhập khẩu buộc phải bơm nhiều khí đốt nhất có thể qua đường ống dẫn dài 1.200 km vào các bể chứa dự trữ. Gần đây, kho chứa khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga của Đức đã đạt 67% công suất, tăng từ 36% trong tháng 5.

Tuy vậy, có một điều có vẻ chắc chắn: Châu Âu cuối cùng cũng có ý định ngừng mua khí đốt của Nga.

Điều đó có thể khiến Dòng chảy phương Bắc 1 trở thành một trong số các công trình cơ sở hạ tầng hoành tráng trở nên vô dụng. Nó cũng như một lời nhắc nhở rằng ngay cả những kế hoạch với mục đích tốt cũng có thể bị rẽ ngang.

Hơn một thập niên trước, sự ra mắt của Dòng chảy phương Bắc 1 là một phần trong quá trình mở rộng quan hệ giữa Đức và Nga.

Một giám đốc điều hành của Dòng chảy phương Bắc đã gọi dự án này là “một biểu tượng quan trọng của mối quan hệ ràng buộc giữa các quốc gia về chính trị, kinh tế và văn hóa”.

Các nhà lãnh đạo Nga nói thêm: "Đây là đóng góp của chúng tôi cho an ninh năng lượng của châu Âu".

Hiện nay, tình hình địa chính trị đã khiến mối quan hệ đó trở nên rạn nứt và ngày càng căng thẳng.

Cuống cuồng lo dự trữ

Dòng chảy phương Bắc 1 là đường ống dẫn khí đốt dưới biển dài nhất thế giới, chạy qua biển Baltic từ Nga đến Đức và đã hoạt động được hơn một thập niên. Theo thông tin trên trang web của Nord Stream, khí đốt từ Nga được vận chuyển đến thị trấn Lubmin (Đức), rồi từ đó tiếp tục được chuyển đến Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Anh và Hà Lan.

Dự án Nord Stream 1 ngay từ đầu đã bị chỉ trích vì bỏ qua các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, bao gồm cả Ukraine, khiến họ rơi vào tình thế bất lợi. Các nhà quan sát cũng lưu ý rằng, có thể chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi Nga sử dụng khí đốt tự nhiên như một “vũ khí kinh tế”.

Dự án tiếp tục được phát triển vào năm 2008 và khí đốt tiếp tục chảy vào năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea.

Khoảng một tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch tại Ukraine (24/2/2022), công ty điều hành Nord Stream 1 đã đưa ra tuyên bố khẳng định rằng họ không liên quan đến “người hàng xóm” Nord Stream 2 ở Zug (Thụy Sỹ).

Như đã nhắc tới ở trên, dự án dẫn khí đốt này đã bị Đức đình chỉ hoạt động bởi các lệnh trừng phạt và hiện đang nằm im dưới đáy biển Baltic.

Cho đến nay, dù đã được hoàn thành, dự án dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu Dòng chảy phương Bắc 2 vẫn chưa được đưa vào sử dụng. (Nguồn: Reuters)

Cuối tháng 7 vừa qua, khi tập đoàn Gazprom của Nga thông báo cắt giảm lượng khí đốt chảy qua Nord Stream 1 xuống còn 20%, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cắt giảm tiêu thụ 15% trong mùa Đông này.

Theo đó, các nước EU sẽ giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt ở khu vực trong giai đoạn từ tháng 8/2022-3/2023. Các nước EU được tự nguyện thực hiện các biện pháp hạn chế tiêu thụ khí đốt và, nếu chúng vẫn chưa đủ để đạt mục tiêu nói trên, các hành động giảm tiêu thụ khí đốt bắt buộc có thể kích hoạt khắp 27 nước thành viên của khối này.

Kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow, có khoảng 12 nước EU đã ghi nhận tình trạng gián đoạn hoặc bị cắt giảm dòng chảy khí đốt từ Nga.

Theo nhận định của giới phân tích, giảm tiêu thụ khí đốt 15% sẽ giúp EU tránh được tình trạng mất điện và suy thoái kinh tế sâu hơn. Tuy nhiên, các quốc gia trong khối sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn khi quyết định ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng nào phải hạn chế tiêu thụ khí đốt.

Các tác động từ việc thiếu khí đốt đã được cảm nhận ở Đức. Đèn đường chiếu sáng vào ban đêm mờ hơn, đường phố vắng vẻ hơn. Những hồ bơi ngoài trời đang dần lạnh hơn bởi thiếu hệ sống sưởi ấm.

Hậu quả của việc thiếu khí đốt có thể nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ giảm xuống vào mùa Đông đang tới gần. Chính phủ các nước châu Âu có thể phải lựa chọn giữa việc cung cấp điện hoặc nhiệt trong một số trường hợp.

Mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết: “Sẽ là không khôn ngoan nếu loại trừ khả năng Nga từ bỏ doanh thu từ xuất khẩu khí đốt sang châu Âu”.

IEA cũng lưu ý rằng, Moscow đã tiến hành dự trữ ngân khố, bằng cách tận dụng sự không chắc chắn của thị trường để tăng gấp đôi số tiền thu được từ xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu.

Tuy nhiên, nếu Nord Stream 1 không hoạt động, Nga cũng sẽ phải trả giá, và một sự thiếu hụt lớn trong ngân khố có thể xuất hiện.

(theo weforum.org)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-dong-chay-phuong-bac-day-ron-dua-khi-dot-nga-toi-chau-au-kho-o-193311.html