Khi doanh nghiệp muốn lỗ

Cùng công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán vào những ngày đầu tháng 3, nhưng Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (VIS) và Công ty Cổ phần COMA18 (CIG) là 2 trường hợp trái ngược nhau. Với VIS, lợi nhuận sau thuế năm 2011 giảm từ 109,99 tỉ đồng trước kiểm toán, còn 27,21 tỉ đồng sau kiểm toán, tức giảm 75%. Với CIG, lợi nhuận sau thuế năm 2011 của doanh nghiệp tăng 86% sau kiểm toán, từ mức 0,87 tỉ đồng lên 1,62 tỉ đồng. Có nghĩa, trong lúc VIS muốn giấu lỗ thì CIG lại giấu lãi.

Liệu những biến động tăng về lợi nhuận sau kiểm toán, những lưu ý về khả năng gia tăng lợi nhuận như trên chỉ đơn thuần là do hạch toán kế toán hay là vì mục tiêu nào khác?

Trong những năm tình hình kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao hơn so với kế hoạch, ban lãnh đạo có thể muốn để dành lợi nhuận cho năm sau. Ngược lại, khi tình hình kinh doanh khó khăn, doanh nghiệp khó đạt lợi nhuận theo kế hoạch thậm chí là thua lỗ, xu hướng giảm lợi nhuận hay tăng lỗ trong năm (nhằm giảm chi phí năm sau) cũng xuất hiện. Họ làm việc này chủ yếu là vì muốn có báo cáo tài chính tốt vào đúng thời điểm, tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào triển vọng của công ty.

Chẳng hạn, doanh nghiệp sẽ để dành lợi nhuận để công bố vào các đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) nhằm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Ngoài ra, theo ông Võ Kim Phụng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng Khoán MHB, cũng có khả năng ban lãnh đạo tận dụng lợi thế về tiếp cận thông tin để tạo sóng trên thị trường chứng khoán nhằm thu lợi cá nhân.

Giảm doanh thu

Giảm doanh thu là một cách để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu trên. Do vô tình hoặc cố ý, kế toán đã ghi nhận doanh thu không đúng niên độ. Ngoài ra, do việc ghi nhận doanh thu thông thường được căn cứ vào hóa đơn, nên việc bán hàng mà không xuất hóa đơn ngay lập tức cũng là một phương pháp để điều chỉnh doanh thu trong kỳ.

Báo cáo tài chính quý II/2010 của Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) cho thấy, doanh thu sau soát xét tăng đến 177 tỉ đồng so với trước. Theo giải trình của QCG, đó là do ghi nhận thêm 204 tỉ đồng doanh thu từ việc bán dự án ở số 106 Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM) và điều chỉnh giảm doanh thu nội bộ Tập đoàn 27 tỉ đồng.

Một thủ thuật nhỏ khác cũng giúp doanh nghiệp đẩy doanh số sang năm sau như tuyên bố trước một chương trình khuyến mãi bắt đầu từ ngày 1.1 (lúc đó, một số khách hàng có thể sẽ dời kế hoạch mua hàng sang sau ngày 1.1 để hưởng khuyến mãi). Công ty cũng có thể sử dụng cách che giấu các khoản thu từ bán phế phẩm, hoa hồng và chiết khấu nhận từ nhà cung cấp.

Tăng chi phí

Thủ thuật này được thực hiện thông qua sự thay đổi các ước tính kế toán của doanh nghiệp như phương pháp khấu hao, phân bổ chi phí, phương pháp tính giá hàng tồn kho. Trong báo cáo sau kiểm toán năm 2011 của CNG, kiểm toán viên có nêu: nếu phương thức khấu hao trước đây tiếp tục được sử dụng, chi phí khấu hao trong năm 2011 sẽ giảm 30,86 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa, nếu Công ty không đột nhiên thay đổi phương pháp khấu hao, lợi nhuận trước thuế năm 2011 có thể tăng thêm 30,86 tỉ đồng.

Hay như trong báo cáo kiểm toán năm 2010, Công ty Cổ phần Hóa dầu Petrolimex (PLC) đã ghi nhận số chênh lệch giữa giá hạch toán và giá thực tế của thành phẩm, hàng hóa từ năm 2009 vào báo cáo kết quả kinh doanh năm 2010 với số tiền khoảng 55 tỉ đồng. Do vậy, kết quả kinh doanh năm 2010 của Công ty đã bao gồm số tiền 55 tỉ đồng từ năm 2009 chuyển sang.

Doanh nghiệp cũng có thể thực hiện thủ thuật này thông qua việc gia tăng ước tính các chi phí trích trước. Ngày 4.3.2011, CIG thông báo kết quả kinh doanh năm 2011 đã kiểm toán. Theo đó, doanh thu của CIG không thay đổi nhưng giá vốn hàng bán giảm 1 tỉ đồng. Nguyên nhân là đơn vị kiểm toán đã loại ra khoản chi phí trích trước. Như vậy, lợi nhuận của CIG rõ ràng đã bị giấu bớt.

Nhà đầu tư có thể nhận ra dấu hiệu của thủ thuật nói trên thông qua việc xem xét các tỉ lệ như giá vốn/doanh thu, chi phí/doanh thu khi các chỉ số này có sự thay đổi lớn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc này sẽ khó hơn nhiều đối với những năm có biến động mạnh về giá cả như năm 2011 (do lạm phát).

Một phương pháp dịch chuyển lợi nhuận khác là lập các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi cao hơn mức cần thiết và thực hiện hoàn nhập dự phòng vào năm sau.

Theo ông Phụng, Công ty Chứng khoán MHB, nhà đầu tư nên dựa vào báo cáo tài chính đã kiểm toán của công ty và những thông tin khác như giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn để ra quyết định. Khi chưa có báo cáo kiểm toán, nhà đầu tư nên xem xét tiểu sử của công ty như liệu trong quá khứ báo cáo tài chính của công ty đã có những biến động lớn giữa trước và sau kiểm toán hay chưa. Tuy nhiên, cần lưu ý là những thủ thuật dịch chuyển lợi nhuận không phải lúc nào cũng gây tổn hại đến lợi ích lâu dài của công ty. Đối với nhà đầu tư giá trị, dịch chuyển lợi nhuận cũng là một phương pháp đảm bảo cho thu nhập từ cổ tức vào năm sau.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=11938