Khi đại gia phải bán tài sản trả nợ

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, nợ xấu đang chất chồng ở những doanh nghiệp lớn, chứ không phải các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Việc các tổ chức tín dụng (chủ yếu là ngân hàng và công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC) đi đòi và xiết nợ để hoàn thành chỉ tiêu năm vào thời điểm này là điều dễ hiểu. Thực tế, nhiều doanh nghiệp đang ngụp lặn trong khó khăn, dẫn tới khả năng trả nợ không hề dễ dàng. Trong khi đó, số nợ không hề nhỏ. Điển hình, ở khu vực phía Nam có hàng loạt ông lớn từng làm mưa làm gió một thời trên thị trường nay phải chạy đôn chạy đáo để sắp xếp các khoản nợ.

Có thể kể đến tòa nhà cao thứ ba TP.HCM, dù chưa hoàn thiện đã bị VAMC thu giữ để xiết khoản nợ lên đến 7.000 tỷ đồng. Theo đó, tài sản đảm bảo này là của công ty Cổ phần Sài Gòn One Tower (trước đây là công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn M&C). Thực chất, công ty này đại diện cho nhiều cổ đông và VAMC mua lại số nợ của nhóm từ một số tổ chức tín dụng với tổng số nợ đến nay đã hơn 7.000 tỷ đồng.

Một vụ nợ nần ngập đầu khác đang gây ồn ào dư luận những ngày qua chính là “vua cá tra” Dương Ngọc Minh, ông chủ công ty Cổ phần Hùng Vương (mã chứng khoán HVG). Chủ doanh nghiệp này đã và đang bán các tài sản để trả khoản nợ nghìn tỷ. Cụ thể, Hùng Vương đã bán khu đất số 765 Hồng Bàng (quận 6, TP.HCM) có diện tích trên 5,6.000m2 với khoản thu về 375 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hiện, công ty đang dự định bán tiếp lô đất tại số 94 – 96 Phạm Đình Hổ (quận 6, TP.HCM).

Một ông lớn khác là công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (gọi tắt là công ty 584). Đơn vị này vừa bị ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xiết nợ tại dự án 584 Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Theo đó, BIDV đã phát đi thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ với tổng giá trị là gần 1.100 tỷ đồng (cả gốc và lãi, tính đến ngày 31/7/2017) đối với dự án này.

Thực tế cho thấy, số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đang chiếm 95% và bình quân mỗi năm có thêm khoảng 60.000 doanh nghiệp mới ra đời. Nhưng các doanh nghiệp này tiếp cận được nguồn vốn vay không hề dễ dàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn, mỗi lần vay đền hàng trăm tỷ đồng là chuyện bình thường.

Lý giải về vấn đề này, TS. Nguyễn Trung Hiếu, trường đại học Kinh tế TP.HCM phân tích: “Các doanh nghiệp lớn tiếp cận tín dụng dễ hơn rất nhiều khi họ được giao phó vai trò là nòng cốt. Hơn nữa, nếu anh đang phát triển nhưng không có sự hỗ trợ về tín dụng thì chẳng khác nào bít đường bay lên”.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Anh Bằng - một chuyên gia kinh tế, tài chính tại TP.HCM phân tích: “Các doanh nghiệp lớn dựa vào nhiều yếu tố, nhất là tài sản thế chấp hay quan hệ với ngân hàng nên có thể vay được số tiền lớn, hàng trăm tỷ đồng/khoản vay là chuyện thường. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn vay cả nghìn tỷ, chục nghìn tỷ. Nếu so sánh với các khoản vay của DNVVN thì con số này là rất lớn”.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp ôm nhiều nợ cũng là rủi ro lớn. “Khi khó khăn xảy ra, các khoản nợ xấu này cực kỳ khó đòi. Thực tế đã minh chứng hàng loạt đại gia một thời giờ lại đang ngập trong nợ nần”, TS. Nguyễn Anh Bằng phân tích thêm.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, trường đại học Nông Lâm TP.HCM thì các ông lớn ôm nhiều vốn nhưng sử dụng, kinh doanh kém hiệu quả sẽ gây ra dây chuyền nợ xấu cho tín dụng.

“Đây là dấu hiệu xấu, là sự báo động cho nền kinh tế. Trong đó, có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước làm ăn kém hiệu quả dẫn tới mất khả năng trả nợ. 12 dự án nghìn tỷ hoạt động yếu kém là điển hình”, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi cho biết thêm.

Dự án chung cư 584 Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã bị siết nợ.

Dự án chung cư 584 Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã bị siết nợ.

Từ đây, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải xử lý các “ông lớn”. Bởi, nếu bơm thêm vốn dễ dẫn tới hậu quả là nợ chồng nợ.

“Mỗi doanh nghiệp là một pháp nhân, nếu họ làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả thì phải chịu trách nhiệm. Một khi có dấu hiệu là phải công khai, minh bạch, tránh để nhiều trường hợp “bùng nợ” rồi mới biết. Đồng thời, phải tính đến phương án cho phá sản các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không hiệu quả. Tránh để tình trạng chết từ từ càng gây ra nhiều hệ lụy và thiệt hại sẽ lớn hơn”, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi phân tích thêm.

Nhìn ở quan điểm tích cực, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM cho rằng: “Việc thu hồi được nợ xấu sẽ tác động nhiều đến nền kinh tế. Thứ nhất, số tiền này sẽ quay trở lại nền kinh tế, phục vụ cho sự phát triển. Thứ hai, đối với các dự án BĐS “đắp chiếu” trong thời gian qua, nếu được khởi động lại hoặc tiếp tục triển khai sẽ cung ứng thêm sản phẩm, tạo ra giá cạnh tranh cho người tiêu dùng.

Quan trọng hơn, đối với tài sản là quyền sử dụng đất, nếu các tổ chức tín dụng xiết nợ, đem ra đấu giá sẽ tạo được nguồn cung lớn, trong khi nhiều nhà đầu tư tìm kiếm hết sức khó khăn do quỹ đất ngày càng hạn hẹp”.

Thống kê tại 18 ngân hàng thương mại đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2017 cho thấy rất ít nhà băng ghi nhận nợ xấu giảm trong kỳ 9 tháng đầu năm nay.

Cụ thể, đến hết quý 3/2017 chỉ tại 18 ngân hàng thương mại đã có tới gần 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng gần 8.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, có một ngân hàng có nợ xấu lên tới trên 17.200 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng đã bán cho VAMC.

Dương Thanh Tùng

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/khi-dai-gia-phai-ban-tai-san-tra-no-a347281.html