Khi con người 'mờ mắt' vì 'của rơi của vãi'

Nói là hôi của còn nhẹ nhàng, chính xác phải là: cướp của người khác đánh rơi/ gặp hoạn nạn.

Khi “thương người” không bằng “thương của”

Chúng ta được học từ tấm bé rằng “Thương người như thể thương thân” và rằng trong bất cứ trường hợp nào, nếu có thể, hãy làm điều tốt, hãy là người tốt. Vậy nhưng một loạt các sự việc “hôi của” vừa qua có làm chúng ta giật mình nhìn lại về hành vi đó? Chắc là cũng không cần phải giật mình đâu bởi đó cũng chẳng còn là chuyện gì mới mẻ nữa. Nó đã tồn tại và ăn sâu vào thói quen của một số bộ phận không nhỏ trong xã hội này.

Hình ảnh quen thuộc với những người theo chủ nghĩa “hôi của”.

Nói nhẹ nhàng thì là “hôi của” nhưng nếu nặng nề hơn, và cũng không sai, thì đó là “cướp của” những người đang gặp nạn. Một chiếc xe bia bị lật. Cả đám đông lao vào cướp bia mang về. Một người bị móc túi khiến 50 triệu rơi ra và đám đông lao vào giật, cướp những đồng tiền đó mang về, kết quả nạn nhân mất 20 triệu. Một xe chở dầu nhờn bị tai nạn khiến hàng trăm chiếc thùng 18 lít chứa dầu nhớt đổ ra đường. 1 thảm họa thiên nhiên thật may đã không diễn ra bởi những thùng dầu từ lành lạnh cho tới đổ vỡ đã bị người dân quanh đó “hôi” hết. Mới nhất là chiếc xe tải bốc cháy và hàng chục mặt hàng gia dụng trên đường vận chuyển cho một siêu thị cũng bị người dân nhảy vào “hôi của” khiến tài xế khóc tại chỗ, bất lực nhìn của cải mình đang vận chuyển bị chính đồng bào của mình cướp đi mà không làm được gì.

Nước mắt cũng không ăn thua với những kẻ cướp của này.

Đó thực sự là những hành vi ăn cướp trắng trợn giữa ban ngày ban mặt của những người bị mờ mắt bởi những thứ vật chất rẻ rúng trước mắt mà quên đi đạo đức và nhân cách mới là thứ quý giá của đời người. Với những hành động như vậy, thử hỏi họ, những người tham gia hôi của với gương mặt hả hê như vừa thắng trận trở về, sẽ dạy dỗ con họ như thế nào? Họ trở về từ “bãi chiến trường” với những “vật phẩm cướp được trên tay” sẽ giải thích như thế nào với lũ trẻ? Họ có nói rằng họ vừa cướp được của một người bị nạn hay là “mang về dùng hộ”? Rồi nếu như con họ nói rằng: “Tại sao thấy người bị nạn không giúp mà lại hôi của?” thì họ sẽ trả lời sao. Đơn giản thôi: Đâu ai giúp, ai cũng hôi của thế thì một mình ba/ mẹ giúp đâu có ích gì. Tâm lí số đông, bầy đàn, thấy lợi trước mắt thì vơ vét đủ đường rồi sẽ lan truyền, gia truyền và những thế hệ có hành vi “cướp của” sẽ lớn lên và tiếp tục hành vi đó.

Đừng bao giờ đổ lỗi cho đói nghèo

Chẳng phải ngẫu nhiên mà cả Thế Giới ngả mũ trước tính kỉ luật và tự giác của người Nhật. Còn nhớ trong đợt đại hoạn nạn sóng thần và động đất 5 năm về trước tại đất nước mặt trời mọc, cả thế giới đã phải ngạc nhiên về tình hình tại Nhật Bản. Hoàn toàn không có cướp bóc, không hôi của, không hoảng loạn, tất cả vẫn rất trật tự và nền nếp dù đời sống của họ đang đối mặt với sự khốn khó đến cùng cực.

Người Nhật vẫn ngăn nắp, trật tự, đàng hoàng ngay cả khi thảm họa ập đến.

Đã có rất nhiều bài báo phân tích về hiện tượng này tại Nhật Bản, đáng được chú ý nhất chính là câu nói: “Hôi của đơn giản là không xảy ra ở Nhật Bản. Tôi thậm chí còn không chắc rằng trong ngôn ngữ Nhật Bản có một từ để mô tả chính xác hành động này” - Gregory Pflugfelder, giáo sư nghiên cứu văn hóa Nhật Bản tại Đại học Columbia (Mỹ), nhận định. Ông là người có mặt tại Nhật Bản vào thời điểm xảy ra thảm họa, kể với CNN về những dòng người xếp hàng trật tự tại các ga tàu điện đã đóng cửa trong nhiều giờ do thảm họa. Hiện tượng này có cội rễ từ nền văn hóa Nhật Bản, theo ông Pflugfelder, bởi mỗi người Nhật Bản đều cảm thấy mình có trách nhiệm trước hết là đối với xã hội.

Nền tảng văn hóa Nhật, theo ông, được xoay quanh một tinh thần cộng đồng cao độ, “có vẻ như được phát huy còn tốt hơn ngay cả khi có thảm họa”. “Người Nhật tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của cộng đồng và nhóm, bởi họ coi đó là cách duy nhất để cân bằng nhu cầu của cá nhân” - ông Pflugfelder phân tích. Mặt khác, CNN dẫn lời ông Pflugfelder, “Trật tự xã hội và kỷ luật đã được tập thành thói quen ngay trong cuộc sống bình thường, nên người Nhật Bản không thấy trở ngại tiếp tục thói quen này khi có thảm họa xảy ra”. Merry White, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Boston (Mỹ), nói hôi của xuất phát từ sự phân hóa xã hội và khoảng cách giàu nghèo. Xã hội Nhật Bản không phải là không có hiện tượng đó, tuy nhiên “bạo lực và giành giật từ tay người khác đơn giản là không được chấp nhận trong văn hóa Nhật”.

Hi vọng sự tử tế và tự trọng vẫn còn nhiều.

Có quá không nếu nói tất cả đó chỉ tại tính ích kỷ, lòng tham lam của con người mà ra. Tham lam và tính ích kỷ là bản năng sẵn có trong mỗi con người chỉ có điều ta chỉ nên tham cái gì và cái gì không được tham đều phụ thuộc vào giáo dục từ gia đình, nhà trường xã hội ngay từ khi đứa trẻ nhận biết được màu sắc, âm thanh… Chúng ta, có đưa những việc làm đáng xấu hổ này vào trong các bài giảng về đạo đức làm người hay không? Chúng ta được biết, hiện nay môn giáo dục công dân đã được đưa vào dạy lại trong các trường học, nhưng tại sao, dạy hoài mà vẫn không thay đổi? Có bao giờ các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh đặt câu hỏi vì sao không?

Những câu hỏi này xin được đặt cho những người làm quản lí, làm công tác giáo dục, còn người viết xin được kết bài bằng một câu tục ngữ xưa rằng: Giấy rách phải giữ lấy lề. Làm gì cũng phải có sự tự trọng, có nhân cách và đừng vì hai chữ “đói nghèo” mà bất chấp để biến mình thành một tấm gương xấu cho một thế hệ phía sau.

Đức Thành

Nguồn SaoStar: http://saostar.vn/doi-song-xa-hoi/khi-con-nguoi-mo-mat-vi-cua-roi-cua-vai-886247.html