Khi con hay chống đối

Cha mẹ sẽ hết sức kinh ngạc nếu một ngày đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời đột nhiên cãi lời, 'bật' lại cha mẹ và có thái độ chống đối. Trong trường họp này, cha mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, bởi có thể đằng sau hành vi chống đối, con đang gặp phải những vấn đề cần được chia sẻ, giúp đỡ.

Khi con cứ “bật tanh tách”

Trẻ em ngày nay được học tập trong điều kiện thuận lợi, biết ngoại ngữ sớm, tiếp xúc với nguồn thông tin đa chiều, phong phú trên Internet. Vì vậy, các em thường bộc lộ cá tính rất rõ, nhất là khi trẻ bước vào tuổi dậy thì.

Không ít cha mẹ đã trải qua các cung bậc cảm xúc từ bất ngờ đến phẫn nộ rồi hốt hoảng khi cô con gái, cậu trai dễ bảo năm xưa giờ đây trở nên bướng bỉnh, dễ nổi cáu, chống đối bố mẹ.

Với những trẻ hay chống đối, việc cha mẹ quát mắng hay đánh đòn hầu như không có tác dụng (Ảnh minh họa).

Gia đình chị Thanh (ở Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Vợ chồng chị khá bận rộn nên ít có thời gian trò chuyện cùng con. Khi con gái học cấp 2, chị Thanh đã vô cùng bất ngờ khi con không muốn ăn cơm cùng gia đình, có hôm còn tự ý nghỉ học để ở nhà xem phim.

Vợ chồng chị đã thử mọi biện pháp, từ ngọt ngào khuyên bảo đến trách mắng nhưng cô bé vẫn không nghe lời. Một lần bị mẹ mắng khi đang xem phim, cô bé đã phản ứng ném chiếc điện thoại mới mua xuống sàn nhà.

Còn gia đình anh Minh ở Hải Phòng lại rất khó khăn khi kết nối với cậu con trai đang học lớp 10. Anh Minh từng sốc vì con chống đối bằng cách đập phá đồ đạc, đóng rầm cửa phòng trước mặt cha mẹ, bỏ bữa… Tức giận và bế tắc, có lần anh Minh đã đánh con.

Tuy nhiên, hành động này không khiến mối quan hệ của anh và con được cải thiện mà càng thêm căng thẳng.

Trong cuộc sống, những câu chuyện xung đột giữa cha mẹ và con cái xảy ra không phải là hiếm. Con trẻ không nghe lời và có hành vi “bật” lại cha mẹ đã khiến phụ huynh tức giận, có người không kiềm chế được trách mắng con bằng những lời lẽ nghiêm khắc, thậm chí đánh đòn.

Thực tế, người lớn luôn cho rằng con cái thì phải nghe lời bố mẹ; còn con trẻ thì lại cho rằng, mình đã lớn, đã có chính kiến tại sao lại phải răm rắp tuân theo tất cả yêu cầu như hồi mẫu giáo. Cả hai bên không tìm được tiếng nói chung nên xung đột nổ ra.

Cha mẹ dành thời gian kết nối, trò chuyện với con thường xuyên.

Làm gì để giúp con thay đổi?

Với những trẻ bướng bỉnh, hay chống đối, việc cha mẹ dọa nạt, quát mắng hay đánh đòn hầu như không có tác dụng. Để giúp con thay đổi, cha mẹ có thể tham khảo những phương pháp sau:

Đối với những trẻ phát triển bình thường, khi con có hành vi chống đối, cha mẹ cần bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân để tìm ra cách tháo gỡ. Sự chống đối của trẻ thường đến từ những nguyên nhân chính như cha mẹ thiếu gần gũi, quan tâm tới con trong thời gian dài; cha mẹ ly hôn; trẻ bước vào độ tuổi dậy thì có biến đổi về tâm sinh lý, luôn muốn chứng tỏ bản thân; cảm giác không được tôn trọng, không được lắng nghe; có những tổn thương, lo sợ bị đè nén, che giấu.

Với nhóm nguyên nhân này, cha mẹ cần dành thời gian kết nối, trò chuyện với con thường xuyên để hiểu được suy nghĩ, cảm nhận của con. Sự gần gũi khiến trẻ tin tưởng, coi cha mẹ là người bạn nên không tùy tiện phán xét và sẵn sàng ủng hộ mình khi cần thiết.

Cha mẹ lắng nghe, tôn trọng con, tránh dùng quyền hoặc bạo lực để bắt trẻ phục tùng vô điều kiện. Đặc biệt, không áp đặt suy nghĩ chủ quan của cha mẹ như mệnh lệnh với trẻ, bởi hành động này sẽ khiến trẻ càng muốn chống đối cha mẹ nhiều hơn. Khi trẻ có thái độ bất hợp tác, thách thức, cha mẹ nên kiên nhẫn tìm hiểu nguyên nhân.

Tạo môi trường thuận lợi để trẻ bày tỏ quan điểm, suy nghĩ cá nhân một cách tích cực. Bởi có chính kiến thay vì nghe lời một cách thụ động là dấu hiệu cho thấy trẻ đang trong quá trình trưởng thành. Cha mẹ cần hướng dẫn con cách biểu đạt ý kiến sao cho chân thành, lịch sự,
trung thực.

Xây dựng các bộ nguyên tắc ứng xử với sự tham gia đóng góp ý kiến của trẻ. Tính dân chủ dựa trên tinh thần đồng thuận trong gia đình sẽ giúp trẻ phát triển tư duy và hoàn thiện nhân cách.

Nhiều trẻ bộc lộ hành vi chống đối ngay từ khi còn rất nhỏ vì mắc chứng rối loạn thách thức chống đối (Oppositional Defiant Disorder - ODD). Với những trẻ này, cha mẹ cần quan sát, đưa con đi khám để có phương pháp điều trị thích hợp.

Hiện tỷ lệ mắc rối loạn thách thức chống đối ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể lên tới 15%. Trước tuổi dậy thì, trẻ em nam bị ảnh hưởng nhiều hơn trẻ em nữ; sau tuổi dậy thì, sự khác biệt dần thu hẹp.

Những biểu hiện của ODD gồm nổi nóng, tranh cãi, thách thức, cố ý gây phiền cho người khác, đổ lỗi, dễ tự ái, giận dữ, thù hằn. Khi trẻ mắc ODD, việc xây dựng, cải thiện mối quan hệ giữa cha - mẹ với trẻ là điều quan trọng nhất.

Theo đó, cha mẹ phải biết cách nương theo con để hiểu con chứ không nên cắt ngang nhu cầu của trẻ. Trẻ cần có thời gian vui vẻ, thoải mái để trò chuyện, đàm phán cùng cha mẹ.

Nguyễn Phú Hoàng Nam

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/vi-tre-em/khi-con-hay-chong-doi-20240412154816002.htm