Khi con cái muốn ở riêng

Người trẻ đang có xu thế tách ra sống riêng để thuận tiện cho việc sinh hoạt, học tập, để tránh khác biệt về thế hệ khi sinh sống cùng một mái nhà, để khẳng định bản thân. Cũng có người thành công, sau này cứng cáp, trưởng thành hơn. Nhưng cũng có số ít viện cớ ra sống riêng, để tự do ăn chơi, ko ai kiểm soát, rồi lại vẫn cần sự bao bọc giúp đỡ của phụ huynh, vì đã quen ỷ lại và lười biếng.

Sống riêng - Vượt khó để trưởng thành

Hiện nay, ngày càng có nhiều bạn trẻ dù có gia đình, nhà ở gần nhưng vẫn lựa chọn ra ở riêng với mong muốn tìm không gian riêng, có cuộc sống độc lập, tự chủ không chỉ về tài chính mà cả trong sinh hoạt hằng ngày.

Có người được cha mẹ ủng hộ, có bạn vì mâu thuẫn khó hàn gắn trong nhà nên mới ra ngoài song với họ, việc "khăn gói" dọn ra sống ở nơi cách nhà chỉ vài km vẫn là trải nghiệm thú vị và hữu ích.

Do gia đình ở xa, từ khi lên đại học, bạn Nguyệt Ánh đã thuê trọ ra ở riêng. Phải mất một thời gian, mới quen được cảm giác ăn một mình, ngủ một mình. Nên nhiều lúc, tự cho phép mình ăn uống thất thường, làm mọi việc cũng không có tính kỷ luật về giờ giấc. và cũng vì phải một mình tự xoay sở làm tất cả mọi việc.

Bạn Đinh Nguyệt Ánh - Quận Hà Đông

Thời gian đầu ra sống một mình, gặp khó khăn về tài chính khi chi tiêu rất nhiều thứ lặt vặt phục vụ cuộc sống cá nhân. Mua từ gói bột canh đến cây chổi quét nhà, Ánh đã phải tìm nhiều việc để làm thêm nhiều. Có những lúc cũng không tránh khỏi phải nhờ tới sự hỗ trợ chi phí từ bố mẹ.

Hay dù gia đình ở gần, nhưng Tuấn Anh xin ra ở riêng để được trải nghiệm sự tự lập, tự do về thời gian, được nhận thêm nhiều bài học giá trị cho bản thân. Tuy nhiên, phải mất một khoảng thời gian dài kiên trì thuyết phục bố mẹ, Tuấn Anh mới nhận được cái gật đầu đồng ý.

Bạn Trương Tuấn Anh - Quận Hà Đông

Cách đây 6 năm, Đỗ Minh Anh - 26 tuổi, là chuyên viên Ngân hàng đã có suy nghĩ muốn tự lập và cũng thuận lợi khi được gia đình ủng hộ. Quãng thời gian đó, đã rèn dũa con người bạn từ một cô con gái rượu được bố mẹ cưng chiều, trở thành một người phụ nữ trưởng thành, tự tin có thể giải quyết mọi vấn đề cá nhân trong cuộc sống.

Bạn Minh Anh chia sẻ: "Sống riêng so với gia đình, bố mẹ thì chắc cũng là ước mơ của nhiều bạn trẻ vì mình được tự do hơn. Nhưng từ góc độ cá nhân, để sẵn sàng cuộc sống riêng, trước tiên mình phải có thu nhập, tự lo cho cuộc sống cá nhân mình. Thứ hai là cần có kĩ năng sống, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa… mình phải tự chủ động lo cho cuộc sống của mình. Thứ ba là phải có sự kết nối, chủ động liên lạc với gia đình… khi mà không cùng chung sống, không phải ngày nào cũng được gặp nhau như khi chung nhà".

Người trẻ cần chuẩn bị kĩ năng sống, nấu nướng, tự chăm sóc bản thân khi ở riêng

Tuy nhiên, sống riêng, không có bố mẹ, người thân bên cạnh, các bạn trẻ cũng cần sự đánh đổi thiếu hụt tình cảm gia đình.

"Có những lúc cần có người thân bên cạnh, ốm đau… rồi nhiều tình huống phát sinh. Những lúc như thế, về mặt tâm lý, tinh thần... nhất là với các bạn nữ nữa thì sẽ thấy mình hơi thiệt thòi hơn so với các bạn chọn song cùng gia đình. Bất kì lựa chọn nào cũng có cái được cái mất. Do vậy, khi chọn một cuộc sống tự do độc lập thì phải chấp nhận những điều ấy". - Minh Anh chia sẻ thêm.

Buồn vui chuyện "tách khẩu"

Mỗi phụ huynh thì đều có những ý kiến, quan điểm riêng về vấn đề con cái muốn ra ở riêng. Dù đồng ý hay chưa đồng ý thì chắc chắn, với hầu hết những ai làm cha làm mẹ, đều mong muốn được gần con cái để vui cửa, vui nhà và cũng để chăm lo, hỗ trợ, vui buồn nhau mỗi ngày.

Từ chuyện cho con ở riêng, không chỉ chính các bạn trẻ, mà ngay cha mẹ cũng có nhiều buồn vui, lo lắng khi còn sống "khác nhà".

Nuôi con từ lúc lọt lòng, chăm từng bữa ăn, giấc ngủ. Nên khi con trai 24 tuổi lập gia đình và có lời xin phép bố mẹ cho ra ở riêng, ông bà Kiên không tránh khỏi tâm lý chung của các bậc làm cha, làm mẹ. Lo lắng cho con phải xoay sở nhiều việc vốn được bố mẹ làm hộ khi ở chung.

Vợ chồng ông Lê Trung Kiên và bà Lê Thị Lam

Ông Lê Trung Kiên - Phường Hà Cầu - Quận Hà Đông chia sẻ: "Khi con ra ở riêng, gia đình cũng lo lắng, lo lắng nhiều vấn đề vì từ trước tới nay, cháu chưa bao giờ sống dộc lập như thế. Được bố mẹ bao bọc từ nhỏ tới giờ. Thứ hai là trong cuộc sống của các cháu, không biết liệu các cháu có tự lập được không, tự lo ăn uống được không, rồi sinh hoạt, dạy có đúng giờ không, rồi chế độ ăn uống hàng ngày".

Cũng từ đó, nhiều ông bố bà mẹ đã tự tìm niềm vui gặp gỡ bạn bè để phần nào giải tỏa bớt nỗi buồn nhớ con, nhớ cháu. Tuy nhiên, để họ thực sự yên tâm, thì con cái phải có cuộc sống riêng ổn định.

Nhiều ông bố bà mẹ đã tự tìm niềm vui gặp gỡ bạn bè để phần nào giải tỏa bớt nỗi buồn nhớ con, nhớ cháu

"Khi các cháu ra ở riêng thì rất lo và nhớ, nhưng qua một quá trình thì thấy các cháu đã lo toan tương đối ổn định nên rất tin tưởng vào sự cống hiến, cố gắng của các cháu trong cuộc sống mới". - ông Lê Trung Kiên chia sẻ thêm.

Người trẻ Âu Mỹ với lối sống tự lập

Trong văn hóa của nhiều nước phương Tây, con cái trưởng thành lập tức phải chuyển ra ngoài sống tự lập. Tuy nhiên trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều người trẻ đang quay về sống cùng cha mẹ sau nhiều năm sống riêng. Số liệu từ Cơ quan dân số Mỹ cho thấy, tỷ lệ người trẻ sống với gia đình đã tăng 87% trong 20 năm qua, trong đó GenZ từ độ tuổi 18 đến 24 chiếm 50%. Việc con cái sống chung cùng cha mẹ có một số lợi ích nhưng cũng có nhiều điều bất lợi. Cuộc sống chung này đòi hỏi phải tuân theo những nguyên tắc nhất định.

Xu hướng trên được cho là bắt nguồn từ thị trường nhà ở, khi một báo cáo của hãng nghiên cứu thị trường Moody's năm 2022 cho thấy, người Mỹ chi khoảng 30% thu nhập cho việc thuê nhà. Điều này đã tạo ra áp lực đáng kể đối với người trẻ. Trong khảo sát của hãng phân tích thị trường Harris Poll năm 2023, trong 4.100 người trưởng thành, có đến 70% người trong độ tuổi từ 18-29 tuổi đang ở cùng bố mẹ, đồng thời cho rằng họ sẽ không có tài chính tốt nếu sống độc lập.

Hãng khảo sát phân tích thị trường Harris Poll cho thấy, có 40% Gen Z nói họ hạnh phúc khi sống tại nhà cùng bố mẹ, trong khi 1/3 cảm thấy sự lựa chọn này là sáng suốt. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với điều này. Khảo sát của Viện nghiên cứu xã hội Pew cho thấy 1/3 người Mỹ cho rằng người trẻ sống với bố mẹ có ảnh hưởng không tốt, chỉ 16% tin rằng đây là điều tích cực.

Hãng khảo sát phân tích thị trường Harris Poll

Cô Ashley Conery, 25 tuổi, hiện đang là quản lý dự án cho một doanh nghiệp, đã quyết định quay trở về sống cùng bố mẹ sau nhiều năm tự lập. Ashley cho rằng, việc sống cùng bố mẹ mang lại nhiều lợi ích, bởi cả gia đình có thể dành nhiều thời gian cho nhau hơn, cũng như cô có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền thuê nhà. Tuy nhiên, mẹ của Ashley và cô cũng phải ngồi lại với nhau để thương lượng về các điều kiện khi cô sống chung với gia đình mình. Với các điều kiện như cô phải chia sẻ những chi phí sinh hoạt cho gia đình, góp sức chung trong làm việc nhà, đồng thời, cha mẹ cần có sự tôn trọng với khoảng không gian riêng. Ngoài ra, những cuộc họp gia đình là bắt buộc, và Ashley cũng phải đặt ra mục tiêu phát triển cá nhân.

Cô Ashley Conery ngồi lại với mẹ để thương lượng về các điều kiện khi cô sống chung với gia đình

Quay về sống cùng bố mẹ đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, tại Anh, có gần ¼ số người từ 20 đến 30 tuổi quay trở về sống cùng bố mẹ. Trong tương lai, xu hướng này còn có thể tiếp tục tăng lên, đặc biệt là trong bối cảnh các thách thức kinh tế và xã hội tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, để tránh tình trạng xuất hiện quá nhiều những "đứa trẻ lớn mà không trưởng thành", cha mẹ buộc phải làm việc nhiều năm hơn mà không được về hưu, các thế hệ không có không gian riêng của mình, thì việc chung sống nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/khi-con-cai-muon-o-rieng-222550.htm