Khi chim ca vang, mây vẫn bay trong trời hồng

Theo dõi American Idol 11 tuổi, người xem hẳn không khó để nhận ra 2 trong số những gương mặt sáng giá nhất top 10 hiện nay đều còn rất trẻ: Jessica Sanchez, cô gái 16 tuổi, và Joshua Ledet, cậu chàng 19. Điều khiến cả hai nổi bật ở đây không phải (và chưa bao giờ nên) là độ tuổi, mà là phong cách powerhouse phô diễn chất giọng theo đúng xu hướng nhạc Mỹ thịnh hành năm nay. Minh chứng rõ rệt nhất của xu hướng này không đâu khác chính là thắng lợi rực rỡ của danh ca Adele tại lễ trao giải Grammy (và sự lên ngôi của dubstep dưới bàn tay Skrillex?). Phải chăng sau khi chán chường với phong cách lòe loẹt, diêm dúa, khoa trương của Lady Gaga, Katy Perry hay Nicky Minaj, giá trị âm nhạc nay đã trở lại?

Theo dõi American Idol 11 tuổi, người xem hẳn không khó để nhận ra 2 trong số những gương mặt sáng giá nhất top 10 hiện nay đều còn rất trẻ: Jessica Sanchez, cô gái 16 tuổi, và Joshua Ledet, cậu chàng 19. Điều khiến cả hai nổi bật ở đây không phải (và chưa bao giờ nên) là độ tuổi, mà là phong cách powerhouse phô diễn chất giọng theo đúng xu hướng nhạc Mỹ thịnh hành năm nay. Minh chứng rõ rệt nhất của xu hướng này không đâu khác chính là thắng lợi rực rỡ của danh ca Adele tại lễ trao giải Grammy (và sự lên ngôi của dubstep dưới bàn tay Skrillex?). Phải chăng sau khi chán chường với phong cách lòe loẹt, diêm dúa, khoa trương của Lady Gaga, Katy Perry hay Nicky Minaj, giá trị âm nhạc nay đã trở lại?
Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên...

Điều kiện tiên quyết để hồi sinh: bạn phải chết trước đã. Nghe thật trớ trêu, nhưng điều này không thể đúng hơn trong ca mới nhất: Whitney Houston qua đời.

Nổi danh cùng thời với Mariah Carey, Celine Dion, khi MadonnaBarbara Streisand đã ít nhiều lung lay, Whitney cùng 2 người bạn Mariah & Celine đã chinh phục thế giới chỉ bằng chất giọng: bằng sự cháy bỏng, mãnh liệt, bằng những quãng âm rộng đến nổi da gà, những nốt cao đặc trưng khó có ca sĩ nhạc pop tầm-thường nào có thể chinh phục được. Thậm chí, danh xưng “diva” theo đúng chính tả và chính phái chỉ dành cho những giọng ca tầm Maria Callas cũng bị lạm dụng để tôn vinh họ (hãy liên tưởng đến bộ tứ diva Việt Nam của Hồng Nhung, Thanh Lam, Trần Thu Hà, Mỹ Linh)
Bước qua thời kỳ đỉnh cao, cuộc đời của Whitney nhanh chóng biến thành những ngày dài chìm trong ma túy và những rắc rối của cuộc sống cá nhân (và nợ nần chồng chất), còn tên tuổi cứ thế mà chìm vào quên lãng. Cho đến khi qua đời, ngày 13/2, cái tên Whitney mới bất ngờ trở lại, tràn ngập các mặt báo, mạng xã hội như thể một thánh nữ lạc lối lâu ngày giữa những thế sự trái ngang của đời. Hàng loạt các bản hit trước đây đồng loạt xuất hiện trở lại bảng xếp hạng với những vị trí ấn tượng (và lại những kỷ lục): I Will Always Love You #3, I Wanna Dance with Somebody (Who Loves Me) #25.

Chẳng có đâu em này, chẳng có cái chết sau cùng...

Sự “sống lại”của Whitney (tương tự như Amy Winehouse, hay Michael Jackson) là một ca kinh điển của hiện tượng “mourning sickness/grief porn” (từ dùng để chỉ cơn cuồng tín của truyền thông và mạng xã hội trước cái chết của người nổi tiếng, không ngoại lệ trong hay ngoài nước) thì thành công của Adele là dấu hiệu sự trở lại của những giọng ca có “thực lực”.
Khi phát hành album đầu tay “19” cùng năm 19 tuổi, cái tên Adele vẫn còn lẫn lộn giữa hàng loạt những ca sĩ trẻ măng tóc vàng mắt xanh của dòng blue-eyed soul như Duffy, Gabriella Cilmi, Andreya Triana,… Nhưng 2 năm sau, album “21” (phát hành năm cô 21 tuổi), Adele mới thật sự bứt lên hẳn để thể hiện bản lĩnh của một powerhouse vocalist thực thụ. 6 giải Grammy trong một đêm (có Skrillex), trong đó có giải quan trọng nhất Album của năm, xếp đầu bảng xếp hạng 26 quốc gia, trở thành album bán chạy nhất thị trường Mỹ trong 10 năm trở lại đây, xô đổ hàng loạt kỷ lục Guinness. Những thành công vượt ngoài mọi mong đợi có thể sẵn sàng bù lại gấp nhiều lần quãng thời gian thất tình đen tối, u ám của các cảm xúc sau khi thất tình. Cái không giết ta chết khiến ta mạnh mẽ hơn, giúp Adele vươn đến đỉnh cao nhất của sự nghiệp mà chính cô cũng không bao giờ nghĩ đến.

Thành công của album “21” phải kể đến đội ngũ producer kỳ cựu, trong đó có cả gã lập dị giỏi lập công Rick Rubin, đã viết ra những hòa âm tinh tế, đánh trực diện vào cảm xúc người nghe, rồi sự pha trộn âm hưởng nhạc cổ điển, soul truyền thống, hơi hướng nhạc đồng quê miền Nam nước Mỹ của bluegrass/rockabilly. Tuy nhiên, nhân tố quyết định nhất chính là sự trưởng thành trong giọng hát của Adele, một giọng ca “thô ráp, vẻ đẹp trọn vẹn sớm chín mọng trước thời gian” (Ryan Reed – Paste Magazine) đã bù đắp quá thành công sự “trống rỗng trong rất nhiều bài hát mà rất dễ phát hiện ra nếu được cái tài năng kém hơn thể hiện” (Matthew Cole – Slant Magazine)

Cơn sốt Adele (và cơn sót) còn lây lan đến hàng loạt ca sĩ Youtube lẫn những thí sinh nhiều triển vọng ở các cuộc thi âm nhạc đua nhau thể hiện lại các ca khúc của cô. Steven Tyler, “lão bà” của Aerosmith và Am. Ido, đã phải thốt lên rằng: “Vòng sơ khảo là một sân chơi “tuyệt vời” khi bạn được nghe các thí sinh hát Adele 8 giờ liên tục!!!”

Cơn gió mới mà Adele tạo ra không chỉ dừng lại đơn thuần ở những bản cover tràn ngập mà còn ảnh hưởng đến phong cách của các thí sinh lẫn thị hiếu nghe nhạc của khán giả. Tại American Idol, hai thí sinh được đánh giá cao nhất, Joshua Ledet và Jessica Sanchez, là những giọng ca powerhouse còn rất trẻ, trong khi nhìn sang cuộc thi The Voice đang song hành, nam rocker đẹp trai Adam Levine (người chiến thắng của The Voice mùa đầu tiên) là người trung thành với việc chọn lựa những giọng ca có sức rung động mạnh mẽ. Không có gì đáng ngạc nhiên khi quân bài sáng giá nhất trong team Adam, cô ca sĩ 18 tuổi gốc Á Mathai, lại chọn ca khúc Rumour Has It (một bài nằm trong album 21 của Adele) để trình diễn trong vòng thi Blind Audition của mình. Sự thành công chóng vánh của Alabama Shakes và giọng ca Brittany Howard bất cần đến ngoại hình vì đã có nội lực là một minh chứng khác.

----
Tại Việt Nam, khi Uyên Linh lên ngôi quán quân cuộc thi Thần tượng âm nhạc Việt Nam, không ít người đã dèm pha rằng đây là sự xếp đặt cố tình của ban tổ chức khi thời của những ca sĩ với giọng hát “thực chất” đã qua quá lâu, và những ca sĩ trẻ thành công phải là những người xinh đẹp, khôn khéo với những chiêu trò sáng tạo độc đáo của mình. Thế nhưng, Uyên Linh vẫn tồn tại, vẫn ra album, vẫn tạo dựng được chỗ đứng và đối tượng khán giả riêng của mình sau khi cơn sốt media đã qua đi (và lâu lâu trở lại).

Nhưng đấy vẫn chưa phải là điều thú vị nhất hiện nay, khi cuộc đua rating vô cùng hứa hẹn sắp tới giữa The Voice Việt (do Cát Tiên Sa tổ chức) và Vietnam Idol (do BHD Media thực hiện) hứa hẹn sẽ đầy ắp những điều thú vị, khi cả hai đấu thủ dường như đều đang cưỡi những chiến mã “ngược” 180 với sở trường của mình: Vietnam Idol là một cuộc thi dành cho những thí sinh phong cách “thần tượng” lại được một hãng sản xuất vốn có truyền thống ưu ái những giá trị nghệ thuật cao thực hiện, trong khi The Voice Viet đề cao giá trị giọng hát “thật sự” lại được lựa chọn bởi Cát Tiên Sa, một công ty vốn nổi tiếng bắt mạch gu thị trường nhanh nhạy.

Với truyền thống xa lạ (nhưng nắm bắt nhanh nhạy) các yếu tố quái dị, giật gân trong lúc vẫn luôn tôn vinh bằng ngòi bút các giá trị truyền thống tốt đẹp, giàu chất thẩm mỹ, thi vị của các ca khúc, theo đúng nghĩa “ca” khúc – cùng sự xuất hiện hơn nấm mọc sau mưa của các cuộc thi hát từ mọi nẻo đường - truyền thông Việt và khán giả Việt có thể hoàn toàn tin tưởng vào những điều bất ngờ dọn sẵn phía trước, không do đâu khác ngoài chính mình.

Diên Hữu

-------------------------------------------------------
(*) Tiêu đề là 1 câu trong bản dịch tiếng Việt của Phạm Duy bản nhạc Seasons in the Sun

Nguồn M-Mosaic: http://m-mosaic.com/tin-tuc/khi-chim-ca-vang-may-van-bay-trong-troi-hong