'Khi cháy nổ, phải bằng mọi cách thoát ra ngoài chứ không tìm nơi lẩn trốn'

Tham gia buổi tọa đàm trực tuyến có Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trực thuộc Bộ Công an; một số lãnh đạo, chuyên gia của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Buổi tọa đàm trực tuyến: “Làm gì để giảm nguy cơ cháy nổ hiện nay?”

Phải bằng mọi cách thoát ra ngoài chứ không tìm nơi lẩn trốn

Trong buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi của nhà báo Nguyễn Thanh Liêm – TBT báo điện tử Tổ Quốc ở vụ cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông (Hà Nội), có 2 trong 15 người cùng phòng hát ở thoát ra ngoài, 13 người còn lại thiệt mạng, Thượng tá Phan Mạnh Hà, Trưởng phòng Công tác cứu nạn cứu hộ cho biết: “Việc tìm cách thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng là phản ứng tự nhiên, bản năng của mỗi con người.

Tuy nhiên để có thể đạt được hiệu quả thì mỗi người cần trang bị những kỹ năng xử trí cơ bản như: Sử dụng khăn ướt để che mũi, miệng trong những khu vực bị nhiễm khói nhất và nhất là phải bằng mọi cách thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm để ra nơi an toàn, tuyệt đối không nên chui vào các phòng, khu vực kín nhằm tránh nạn vì như vậy khả năng sống sót sẽ giảm đi và nguy cơ tử vong rất cao”.

Vụ cháy ở số nhà 68 đường Trần Thái Tông - Hà Nội

Thượng tá Phan Mạnh Hà cho biết thêm, khi xảy ra cháy hoặc các sự cố, tai nạn thì đối với các công trình, nhà ở nhiều tầng…tình trạng diễn biến hết sức phức tạp, đối với cháy thì nhiệt độ gia tăng dẫn đến bức xạ nhiệt lên bề mặt cấu kiện công trình và tốc độ cháy lan sẽ tăng theo thời gian và khi đạt tới nhiệt độ đủ lớn còn tạo ra các đám cháy nhảy cóc hoặc cháy lan lên trên và xuống dưới, lúc này việc tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, nạn nhân sẽ khó trụ vững sau 3-5 phút trong môi trường có khói, khí độc (phát sinh do cháy các sản phẩm độc hại như: Nhựa, xốp, keo dán…)

Đối với sự cố sập đổ công trình, việc thoát nạn cần phải rất nhanh và quan trọng nhất là phải nhanh chóng thoát ra ngoài bằng mọi cách, không nên có tâm lý chui vào các khu vực, phòng khác vì như vậy sẽ rất nguy hiểm do công trình vẫn còn nguy cơ sập tiếp hoặc có những biến dạng, sập đổ từ công trình lân cận.

Theo Thượng tá Phan Mạnh Hà, chạy ra khỏi vùng nguy hiểm là cách tốt nhất được rút ra qua nghiên cứu, phân tích nguyên nhân gây tử vong cho nạn nhân trong các vụ cháy, sự cố, tai nạn.

Việc 2 người đã dũng cảm dùng chăn che mũi, miệng để chạy ra ngoài mà không chui vào phòng kín có 13 người trú ẩn bên trong đã chứng minh điều đó.

Với riêng việc cháy nổi ở chung cư, Thiếu tá Vũ Công Hòa cho biết, khi gặp sự cố cháy nổ, người dân phải giữ bình tĩnh. Tại các khu chung cư có phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình cứu hỏa thì phải sử dụng. Đồng thời gọi báo cáo cứu hộ, cứu nạn.

Ở các chung cư đều có thang thoát nạn, tránh được khói, khi cháy người dân chạy vào cửa sẽ đóng. Thang này phải được kiểm tra thường xuyên, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, khi có cháy, có thể dùng các thiết bị có thể như đèn pin (tắt, bật) để báo hiệu cấp cứu. Tuyệt đối không chạy vào thang máy.

Tuân thủ 5 nguyên tắc ăn toàn chống cháy nổ

Về nguyên tắc an toàn để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ, Trung tá Phạm Văn Điềm chỉ ra 5 điều người dân cần đặc biệt chú ý:

1. Có biện pháp quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt, bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC, ví dụ như: Không để các hàng hóa vật tư dễ cháy, nổ ở gần nơi đun nấu; hệ thống điện trong gia đình phải được thiết kế và lắp đặt các thiết bị bảo vệ điện.

2. Hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy như: gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan. Không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can trên các tầng nhà để khi xảy ra cháy tạo điều kiện cho việc chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ, thang, thang dây để tạo lối thoát nạn và thoát nạn khi cháy xảy ra.

Vụ cháy tại Nguyễn Khang chiều ngày 17/9

3. Chủ động dự kiến các tình huống cháy, nổ có thể xẩy ra để có các giải pháp, biện pháp chữa cháy và thoát nạn. Trang bị dụng cụ trữ nước, xô thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy, trang bị bình chữa cháy và mọi người trong gia đình phải học tập để sử dụng thành thạo các dụng cụ chữa cháy đã được trang bị.

4. Mỗi thành viên trong gia đình thường xuyên có ý thức kiểm tra, phát hiện và loại trừ kịp thời các nguy cơ gây mất an toàn PCCC, đặc biệt vào ban đêm trước khi đi ngủ hoặc trước khi ra khỏi nhà.

5. Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, Công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh cho biết thêm, mỗi hộ gia đình nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy cục bộ đơn giản để nếu có cháy, khói thì thiết bị có cảnh báo ngay. Cùng với đó phải có thiết bị cảnh báo rò rỉ khí ga, vì hiện nay nhiều hộ sử dụng bình ga đến hỏng thì thôi chứ không biết, không kiểm soát được khí bị rò rỉ. Nếu khí ga bị rò rỉ sẽ tích mỗi ngày một ít và gặp điều kiện cháy, sẽ cháy, nổ với tốc độ nhanh.

Những việc cần làm khi phát hiện có cháy nổ

Theo Thiếu tá Vũ Công Hòa, khi phát hiện ra cháy nổ, người dân cần lập tức thực hiện những việc sau:

Thứ nhất, người dân cần phải bình tĩnh, bằng mọi cách báo động cho mọi người xung quanh cùng biết (hô to: Cháy! Cháy, ấn nút báo cháy, dùng kẻng...).

Thứ hai, báo cháy cho lực lượng PCCC chuyên nghiệp biết theo số điện thoạt số 114 và các lực lượng khác như lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC tại chỗ, chính quyền địa phương và công an noi gần nhất để xử lý.

Cháy tầng 8 chung cư Linh Đàm 10/2016

Thứ ba, cắt điện khu vực xảy ra cháy.

Thứ tư, tìm cách cứu người bị nạn (nếu có)

Thứ năm, sử dụng các phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại chỗ để chữa cháy như: bình chữa cháy xách tay, chăn chiên, hệ thống chữa cháy vách tường... để chữa cháy

Để giảm thiểu nguy cơ cháy nổ hiện nay, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh mong có kênh truyền hình riêng về lĩnh vực này bởi các chương trình PCCC hiện nay vẫn chưa được thường xuyên, chỉ khi tới kỳ cuộc thì công tác PCCC mới truyền thông còn trước đó người dân không biết vào đâu để tìm hiểu.

Cuối buổi tọa đàm, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh chia sẻ: “Chúng tôi chỉ mong người dân nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của PCCC được nâng cao. Khoảng cách giữa nhận thức, hành động phải thu hẹp lại và bằng hành động thực tế. Điều này đồng nghĩa với việc người dân phải có kiến thức, trải nghiệm để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người.

Tôi cũng rất mong phong trào toàn dân tham gia PCCC phát triển thật là sâu rộng và có nhiều mô hình tự quản, các gương điển hình tiên tiến trong phong trào này và cuối cùng: an toàn là hạnh phúc của mọi gia đình, mọi người và của chúng ta.

Tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí!”.

Tọa đàm trực tuyến “Làm gì để giảm nguy cơ cháy nổ hiện nay?”

Thời gian qua, công tác PCCC đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, kiềm chế được số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Hồi đầu tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy tại nơi có nguy cơ cháy cao, như: Khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, nhà liền kề, cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí…, nhất là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán 2017.

Một trong những nhiệm vụ Thủ tướng giao là yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các biện pháp thoát nạn, cứu người để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, tự giác thực hiện. Tập trung công khai phê phán các hành vi vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy của chủ cơ sở, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, phòng ngừa chung.

P.V

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/khi-chay-no-phai-bang-moi-cach-thoat-ra-ngoai-chu-khong-tim-noi-lan-t-d102896.html