Khi cascadeur cũng bắt cướp

Những pha hành động nguy hiểm, những màn truy bắt tội phạm đến nghẹt thở của các chiến sĩ Công an trong phim 'Vết dầu loang', 'Gai hồng', 'Vật chứng mong manh'… đều do sự thế vai hoàn hảo của cascadeur. Song, những cascadeur như Bùi Văn Hải, Huỳnh Phú, Phi Ngọc Ánh, Kim Dung… cho rằng: Vai diễn của mình chỉ phản ánh một phần cuộc chiến đấu đầy khốc liệt mà các chiến sĩ Công an đang đối mặt trong đời thực.

Hơn mười năm chuyển sang vị trí đạo diễn hành động, nhưng hễ hỏi ai là cascadeur có nhiều vai khoác cảnh phục nhất thì Huỳnh Phú vẫn là gương mặt hàng đầu. Từ thập niên 90 cho đến nay, anh đã có hàng chục lần đóng thế vai công an trong hơn 20 phim. Huỳnh Phú và các thành viên trong CLB cascadeur Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh đã mang đến những cảnh diễn xuất làm nức lòng fan cứng dòng phim thị trường, hành động thời thập niên 90 như “Hồng hải tặc”, “Lưới trời lồng lộng”, “Nữ cảnh sát đặc nhiệm”...

Một pha hành động của cascadeur Phi Ngọc Ánh.

Năm 1996, đạo diễn phim “Hồng hải tặc” mời Huỳnh Phú đóng thế các pha hành động của Quan Kế Huy. Chàng diễn viên Hồng Kông vào vai một cảnh sát chìm. Ngoài thế vai cho Quan Kế Huy, Huỳnh Phú còn được chọn vào một vai Công an phụ. Lần đầu tiên đóng thế và vào vai công an, Huỳnh Phú vô cùng tự hào.

“Giới cascadeur chúng tôi có câu, vai giang hồ, ma cô thì cascadeur nào cũng được đóng dù mặt mũi đẹp như tài tử hay xấu ma chê quỷ hờn. Còn vai công an thì tụi tôi khó mơ vì tiêu chuẩn khá cao. Ngoài “mặt tiền” thuộc diện trai xinh, gái đẹp thì phong thái, dáng đi phải đàng hoàng, đĩnh đạc, toát lên bản lĩnh cương trực, khí phách. Đòn đánh cũng phải bài bản, ra chất võ thuật chứ không “tả pí lù” như vai giang hồ. Dù mặt diễn viên đóng thế hiếm khi lộ ra trên hình nhưng đây là yêu cầu bắt buộc để ra tác phong người Công an” - cựu cascadeur Huỳnh Phú phân tích.

Huỳnh Phú tâm sự, có lẽ nhờ khuôn mặt hiền lành, vóc dáng nho nhã khác với vẻ bặm trợn, cơ bắp của hầu hết cascadeur nam nên anh “chuyên trị” vai công an. Sau “Hồng hải tặc”, anh liên tục được khoác cảnh phục trong nhiều bộ phim như: "Lưới trời lồng lộng", "Nữ cảnh sát đặc nhiệm", "Bước qua quá khứ", “Lấy vợ Sài Gòn”… Từng dạy võ thuật cho một số đơn vị công an trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Huỳnh Phú có khá nhiều bạn bè thân hữu trong ngành. Cũng chính từ môi trường này, anh sớm có cơ hội học hỏi tác phong, cách làm việc cũng như nắm bắt tâm tư, tình cảm của anh em để thể hiện đúng “chất công an” cho nhân vật.

Cascadeur là nghề đối mặt với sự nguy hiểm. Dù đã được bảo hộ, tính toán trong kịch bản nhưng tai nạn nghề nghiệp trở thành chuyện cơm bữa. Đóng thế vai công an, mức độ nguy hiểm càng cao hơn khi phải thực hiện các phân cảnh đấm đá, đu dây, đấu súng, lao người trên xe… khống chế tội phạm. Trên người Huỳnh Phú, các vết sẹo không kể xiết.

Hồi thực hiện cảnh rượt bắt cướp bằng môtô tại nghĩa địa Bình Hưng Hòa trong phim “Không chỉ là chiếc bóng”, Huỳnh Phú bỗng thấy nhói buốt ở hông. Sờ thử thì anh phát hoảng khi máu ứa ra. Hóa ra khi nhảy từ xe của đồng đội sang xe môtô của tên cướp để vật hắn xuống xe, lăn lộn một hồi dưới đất rồi còng tay tên cướp, Phú bị một dằm của gốc cây đâm thẳng vào hông.

Nổi tiếng trong giới cascadeur nữ là Phi Ngọc Ánh và Kim Dung. Nhờ có khả năng diễn xuất đa dạng, ngoài đóng thế, hai người đẹp dần trở thành diễn viên hành động khi trở thành nhân vật chính trong phim “Vật chứng mong manh”, “Gai hồng”, “Vườn đời”… Ở những phim này, các cô gây dấu ấn với vai nữ công an xinh đẹp, mưu trí, giỏi võ nghệ. Tai nạn trên phim trường tưởng có lúc buộc Phi Ngọc Ánh từ giã nghiệp cascadeur.

Trong phim “Gai hồng”, Thiếu tá Hoàng Hoa, Đội phó Đội trọng án do Ngọc Ánh thủ vai vì cứu nữ hung thủ mà rơi từ lầu ba xuống đất. Trước khi bấm máy, đạo diễn Quốc Thịnh nhất định không chịu để Ánh thực hiện mà tìm một cascadeur nam giả nữ đóng thế. Anh bảo: “Em nhảy từ lầu 2 còn được, chứ lầu 3 thì phải diễn viên nam mới trụ nổi”.

Trong nghề, cascadeur Bùi Văn Hải là gương mặt chuyên đóng thế chị em trong pha hành động mang tính rủi ro cao vì anh nhỏ con. Ánh nghe vậy liền cự: “Em vốn là cascadeur. Nay lại nhờ người khác đóng thế. Anh coi vậy sao được?”. Sau khi thực hiện phân cảnh ấy, Ánh bị trật vai, vỡ bao sụn, phải điều trị một thời gian dài.

Cascadeur Phi Ngọc Ánh và Kim Dung trong phim “Gai hồng”.

Đóng thế công an trong những pha hành động mạo hiểm, các cascadeur mới hiểu cuộc chiến đấu của lực lượng Công an ở đời thực vô cùng cam go, nguy khó. Cascadeur Anh Tuấn tâm sự: “Nhiều người vẫn nghĩ rằng những màn rượt bắt cướp bằng mô tô, đấu võ khống chế tội phạm nơi triền dốc cheo leo hay trên cây cầu sắp gãy chỉ có trên phim hành động. Nhưng thực tế, tất cả điều ấy đều xuất phát từ thực tế cuộc chiến đấu của lực lượng Công an. Thậm chí, cuộc chiến ấy còn khốc liệt, nguy hiểm gấp bội bởi tình huống nguy hiểm trên phim đều có kịch bản, được dàn dựng và tính toán chi tiết. Ngoài ra còn có ít nhiều thiết bị bảo hộ nên cascadeur chúng tôi có thể lường trước rủi ro. Nhưng với các anh công an, đối tượng và tình huống nguy hiểm mà họ đối mặt đều không thể lường trước được”.

Sự cảm kích cộng với dòng máu nghĩa hiệp, khí khái được thấm dần trên phim trường đã giúp những cascadeur ấy trở thành người đồng hành thân tín của lực lượng Công an trong cuộc chiến chống tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên. Phi Ngọc Ánh không nhớ nổi đã mấy lần mình bắt bọn cướp giải về Công an phường. Vì tính chất nghề nghiệp, cô hay đi làm về khuya hoặc rạng sáng. Đó là giờ mà bọn cướp giật bắt đầu lượn lờ trên đường phố “săn mồi”.

Có lần Ánh chứng kiến chúng giật túi xách của một cô gái trẻ. Không chần chừ, cô rú ga đuổi theo. Bị cô đá xe ngã xuống đường, hai tên cướp lóp ngóp bò dậy, móc con dao găm sáng loáng. Ánh nhảy xuống hạ gục một tên, bẻ tay tên cầm dao khiến hắn la oai oái. Lúc giải hai tên lên phường, một tên bỗng lăn ra sùi bọp mép. Hóa ra hắn nghiện.

“Máu công an” còn giúp nhóm cascadeur Bảo An lập công khi khống chế được một tên tội phạm nguy hiểm ẩn nấp trong nhà dân. Lúc nào hắn cũng lăm lăm con dao cố thủ một góc, hễ ai vào là chém. Nhiều ngày bàn phương án, công an mật phục bên ngoài còn bốn người của nhóm cascadeur Bảo An lẻn vào trên mái nhà. Chờ cho tên này ngủ say, nhóm cascadeur lao vào trói chặt. Hóa thân thành chiến sĩ công an trên phim trường, trở về đời thực, họ mong đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong cuộc chiến giữa đôi bờ thiện - ác.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/khi-cascadeur-cung-bat-cuop-i703755/