Khi các giới cùng được trao quyền và hòa đồng

Nói đến bình đẳng giới là nói đến sự bình đẳng về vị thế, cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới. Khi phụ nữ và trẻ em gái được trao quyền năng và tạo cơ hội tham gia mọi hoạt động, được thụ hưởng các dịch vụ, quyền lợi trong cuộc sống thì bình đẳng giới sẽ được thể hiện rõ nét và bạo lực trên cơ sở giới được xóa bỏ.

Phụ nữ và trẻ em gái được tham gia vào nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí và có cơ hội khẳng định, phát triển bản thân

Từ những điều nhỏ nhặt

Có những việc làm không cần "đao to búa lớn" như vợ chồng cùng phụ giúp nhau những công việc sinh hoạt trong gia đình, tạo điều kiện cho nhau để học tập, bổ trợ kiến thức, tham gia công tác xã hội... cũng đã gọi là hòa đồng, bình đẳng. Anh Hồ Viết An, thôn Âr Kêu Nhâm, xã Quảng Nhâm (A Lưới) chia sẻ: "Ngoài công việc nương rẫy, về nhà, mình còn giúp vợ giặt giũ áo quần, chăm con, phụ vợ nấu ăn. Mình thấy những việc đó chẳng to tát gì, nhưng nhờ thế mà gia đình luôn êm ấm, vợ chồng rất ít khi có lời qua tiếng lại".

Chị Đồng Thị Loan, ở xã Phong Thu (Phong Điền), đang trong giai đoạn ở "cữ" cảm thấy an tâm, hạnh phúc và không bị rơi vào trầm cảm như một số bà mẹ bỉm sữa khác sau sinh. Chồng chị Loan là cán bộ công chức, nhưng việc nhà anh cũng rất đảm đang, lo trôi tròn, cả việc chăm con dại, giúp chị Loan sớm hồi phục sức khỏe sau sinh và tâm trạng phấn chấn. Được sự san sẻ của chồng, chị Loan sớm được tham gia vào các hoạt động của các hội đoàn thể, câu lạc bộ trong thôn, xã

Bình đẳng không miễn cưỡng mà xuất phát từ tình thương, trách nhiệm của các giới và ở mọi lứa tuổi, trong mọi hoàn cảnh. Bình đẳng là một khi người phụ nữ không bị phụ thuộc về tài chính và họ được chia sẻ trong việc giữ lửa hạnh phúc gia đình cũng như có quyền tham gia các vị trí, công việc trong xã hội. Chia sẻ tại các hội thảo, hội nghị tập huấn, nhiều chị em phụ nữ mong muốn được tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, cũng như trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, văn hóa, thông tin... Thực tế, nguyện vọng chính đáng này của các chị em đang ngày một được đáp ứng, tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận các dịch vụ cần thiết ở thành thị, nông thôn và miền núi được tăng lên.

Theo thống kê của ngành lao động - thương binh và xã hội, trong tổng số gần 621.000 người trong độ tuổi lao động, có 298.100 nữ (chiếm 48%) có việc làm, tự chủ về kinh tế, thu nhập. Phụ nữ đang được tạo điều kiện tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, được ưu tiên hưởng các quyền lợi trong các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra, phụ nữ còn được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong lĩnh vực lao động, việc làm, dạy nghề, bảo hiểm xã hội; được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường để tăng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Đồng điệu để cùng nhau tiến bộ

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới". Thực hiện văn bản pháp lý cao nhất này, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Qua đó, đã góp phần quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực, nâng cao vị thế và phát huy vai trò của phụ nữ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân và an sinh xã hội.

Kết quả Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ (BCHĐB) cấp xã tăng 5% so với nhiệm kỳ trước; cán bộ nữ tham gia BCHĐB cấp huyện tăng 5,6 % so với nhiệm kỳ trước; cán bộ nữ tham gia BCHĐB cấp tỉnh giảm 1,1% so với nhiệm kỳ trước. Kết quả bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tỷ lệ nữ tham gia tăng so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, cấp xã tăng 0,42%, cấp huyện tăng 3,29%, cấp tỉnh tăng 0,52%, đặc biệt đây là nhiệm kỳ đầu tiên, Thừa Thiên Huế có nữ đại biểu Quốc hội. Tuy vậy, công tác bình đẳng giới theo bà Phan Minh Nguyệt, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH vẫn còn nhiều rào cản, thách thức mà chủ yếu xuất phát từ những quan niệm, nhận thức sai lệch về vai trò, vị trí của nam và nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý ở khu vực công cũng như trong doanh nghiệp, tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực, định kiến về giới vẫn còn trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Tháng hành động vì bình đẳng giới năm 2023 từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 với chủ đề: "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới" nhằm kêu gọi sự chủ động tham gia hành động của các cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng, chống bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/khi-cac-gioi-cung-duoc-trao-quyen-va-hoa-dong-135140.html