Khi bóng đá 'đẩy thuyền' Bangladesh và Mỹ Latinh

Thông qua sự ủng hộ nhiệt thành dành cho bóng đá của những người hâm mộ, Bangladesh có thể tận dụng cơ hội tăng cường quan hệ song phương với các nước Mỹ Latinh như Argentina, Brazil,...

Người Bangladesh ăn mừng mỗi khi đội tuyển Argentina ghi bàn. (Nguồn: AFP)

Người Bangladesh ăn mừng mỗi khi đội tuyển Argentina ghi bàn. (Nguồn: AFP)

Chúng ta chỉ vừa mới trải qua vài tuần mà World Cup 2022 đã khơi dậy không khí sôi nổi, hứng khởi của các quốc gia yêu thể thao trên toàn thế giới. Những cảm xúc từ thất vọng, hụt hẫng đến vui mừng, hạnh phúc tột cùng chắc chắn đã ngập tràn tâm trí người hâm mộ bóng đá vào thời điểm cuối năm.

Ngày 18/12, Argentina và Pháp đã chơi trận chung kết tại Qatar. Sau một trận đấu nghẹt thở được 4 tỷ người theo dõi, Lionel Messi đã cùng đội tuyển Argentina nâng cao chiếc cúp vô địch World Cup 2022.

Điều đáng ngạc nhiên là tại Bangladesh, quốc gia xếp hạng 191 FIFA, khắp phố lại nhuộm màu xanh trắng và hình ảnh của Messi. Bangladesh đã ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Argentina bằng cách diễu hành, mặc áo thi đấu màu xanh sọc trắng và vẫy cờ Argentina với sự phấn khích tột độ như thể đội tuyển quốc gia họ vô địch World Cup.

Nghe có vẻ ngạc nhiên nhưng một lượng lớn người yêu bóng đá ở Bangladesh là cổ động viên Argentina. Màn trình diễn kỳ diệu của Diego Maradona tại World Cup 1986 và việc ông dẫn dắt đội tuyển Argentina giành chiến thắng đã tạo nên cơn sốt đối với những người hâm mộ bóng đá Bangladesh. Kể từ đó, sự ủng hộ dành cho đội tuyển Argentina ngày một tăng dần qua mỗi kỳ World Cup.

Nhiều thập kỷ sau, giờ đây với chiếc cúp vô địch World Cup 2022, Messi đã trở thành “người kế nhiệm” xứng tầm để gánh vác di sản của Maradona. Chiến thắng này cũng như “lời hồi đáp” dành cho người hâm mộ bóng đá Mỹ Latinh ở Bangladesh sau nhiều năm tin tưởng, cổ vũ.

Trao đi và nhận lại

Nhờ các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, YouTube… sự nhiệt thành của người hâm mộ bóng đá Argentina ở Bangladesh đã thu hút sự chú ý trên thế giới, đặc biệt là người Argentina.

Đáp lại tình cảm nồng nhiệt đó, Hiệp hội bóng đá Argentina đã có lời cảm ơn người dân Bangladesh trên các trang Twitter và Facebook. Huấn luyện viên đội tuyển Argentina, ông Lionel Scaloni, cũng đã tweet cho Bangladesh và cảm ơn người dân đất nước này vì tình yêu và sự ủng hộ của họ.

“Những gì sắc áo Albiceleste truyền tải thật diệu kỳ. Chúng tôi tự hào vì người Banglades đang cổ vũ cho đội tuyển Argentina”, ông Lionel Scaloni chia sẻ.

Trong khi đó, ông Roy Nemer, người lập ra website dành cho cổ động viên của đội tuyển Argentina trên toàn thế giới có tên Mundo Albiceleste cho biết: “Họ thức đến 2 giờ sáng để xem Argentina thi đấu. Họ trang trí nhà cửa bằng hai màu xanh và trắng để thể hiện tình yêu với đội tuyển Argentina. Thật đáng kinh ngạc!”.

Nhận thấy tình cảm to lớn như vậy từ quốc gia Nam Á, người Argentina cũng thể hiện tấm lòng của mình khi cổ vũ cho Bangladesh trong môn cricket, một trò chơi không phổ biến ở Mỹ Latinh nhưng lại là môn thể thao vua ở Bangladesh. Trên mạng xã hội, nhiều người Argentina thậm chí còn tìm mua cờ và áo thi đấu cricket của Bangladesh. Kết quả của mối quan hệ tương hỗ này đã tạo ra luồng thông tin về Bangladesh được chia sẻ rộng rãi ở Argentina.

Bằng cách tận dụng mối quan hệ nhân văn này, cả hai quốc gia đã tạo ra cơ hội trao đổi sản phẩm và tri thức trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội-văn hóa-ngoại giao.

Nhân cơ hội này, cả Argentina và Bangladesh hiện đã đồng ý tăng cường hơn nữa và cải thiện quan hệ thương mại và kinh doanh. Đồng thời, ngành du lịch, ngành may mặc của Bangladesh cũng đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu sang các nước Mỹ Latinh nhằm nâng tầm quan hệ kinh tế. Phía Bangladesh cũng mong muốn thế hệ trẻ Argentina yêu bóng đá có thể sử dụng các sản phẩm của họ. Argentina với dân số 4,5 triệu người có thể là thị trường màu mỡ mà Bangladesh đang nhắm đến.

Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp đang ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong kim ngạch thương mại song phương. Năm 2021, Argentina đã xuất khẩu đậu nành, dầu đậu nành, lúa mì và các sản phẩm ngô trị giá 876 triệu USD sang Bangladesh, tăng gấp đôi so với năm 2020.

Trong khi đó, Bangladesh chỉ xuất khẩu các sản phẩm dệt kim, không dệt kim và giày dép trị giá 17,5 triệu USD sang Argentina vào năm 2020. Mức độ thâm hụt thương mại của Bangladesh với Argentina là điều rõ ràng. Và sự thiếu hụt này có thể được lấp đầy bằng cách tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước sau cú hích từ tình yêu thể thao này.

Hiện nay, Bangladesh có lãnh sự quán ở Buenos Aires, nhưng Argentina không có đại sứ quán ở Dhaka. Argentina cho biết đang “tích cực xem xét” khả năng mở đại sứ quán của nước này tại Bangladesh vì những cơ hội kinh tế quan trọng. Sự ủng hộ đông đảo, nhiệt tình của người Bangladesh đối với đội tuyển Argentina càng tiếp thêm động lực thúc đẩy chính phủ Argentina xem xét nghiêm túc.

Nếu đại sứ quán Argentina được mở tại Dhaka, quan hệ ngoại giao giữa Bangladesh và Argentina sẽ ngày càng được mở rộng và đi vào chiều sâu.

Người Bangladesh sơn nhà hình Messi. (Nguồn: Tribuna)

Người Bangladesh sơn nhà hình Messi. (Nguồn: Tribuna)

Cầu nối đến Mỹ Latinh

Tương tự như với bóng đá Argentina, Bangladesh cũng có một lượng lớn người hâm mộ đội tuyển Brazil. Hàng nghìn cổ động viên Bangladesh ủng hộ cho đội tuyển bóng đá Brazil đã cổ vũ và thổi kèn vuvuzela trong suốt giải đấu vừa qua.

Brazil, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, cũng là quốc gia có diện tích lớn thứ năm trên thế giới. Nổi tiếng về sản xuất cà phê, Brazil còn là nước sản xuất bông lớn thứ tư và xuất khẩu đứng thứ hai thế giới. Trong khi đó, Bangladesh là nước nhập khẩu bông lớn thứ hai thế giới. Có thể thấy, Bangladesh và Brazil có nhiều điểm tương hỗ cho nhau, có điều kiện để gia tăng kim ngạch thương mại song phương.

Bên cạnh đó, Bangladesh và Brazil còn có quan hệ hữu nghị lâu đời và hợp tác nhiều mặt như kinh tế, ngoại giao, văn hóa… Mới đây Bangladesh và Brazil đã ký thỏa thuận miễn thị thực để đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Trong 25 năm qua, xuất khẩu của Brazil sang Bangladesh đã tăng với tốc độ hàng năm là 11,1%, từ 110 triệu USD năm 1995 lên 1,53 tỷ USD vào năm 2020. Năm 2020, Bangladesh đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 132 triệu USD sang Brazil. Các sản phẩm chính mà Bangladesh xuất khẩu sang Brazil chủ yếu là các sản phẩm may mặc.

Đối với Bangladesh, quan hệ song phương với Argentina cũng như Brazil có thể được tăng cường thông qua tình yêu bóng đá. Bangladesh dường như cũng triển khai ngoại giao bóng đá với hai quốc gia Mỹ Latinh này. Mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Bangladesh AK Abdul Momen đã thông báo các cầu thủ Bangladesh sẽ được cử đi tập huấn tại một số nước, trong đó có Argentina và Brazil.

Rõ ràng, một chiếc cầu nối hữu nghị giữa quốc gia Nam Á với khu vực Mỹ Latinh đã được dựng nên sau kỳ World Cup 2022. Vậy làm sao để tận dụng hiệu quả chiếc cầu này là câu hỏi đang được đặt ra. Bangladesh có thể chủ động tận dụng cả Argentina và Brazil để phát triển nền bóng đá nước nhà, hay mời đội tuyển Argentina, bao gồm cả Messi, đến Bangladesh để làm đại sứ cho quan hệ song phương… là một số ý tưởng đang được bàn luận.

Nhờ bóng đá thắt chặt tình hữu nghị giữa các quốc gia, sự liên kết giữa các cấp chính sách và thương mại giữa các quốc gia cũng đang được củng cố, mở đường cho Bangladesh tiến sâu vào thị trường Mỹ Latinh. Điều này càng chứng minh sức mạnh của ngoại giao thể thao khi bóng đá không chỉ là một hình thức giải trí mà còn là một hiện tượng văn hóa toàn cầu có thể mang mọi người đến gần nhau hơn.

Người ta hy vọng rằng Bangladesh và hai quốc gia Nam Mỹ này có thể trở thành đồng minh trong kinh doanh và chiến lược, trong đó các bên cùng có lợi và phát triển quan hệ đối tác lâu dài.

Mối quan hệ này còn có thể trở thành một ví dụ tuyệt vời về trao đổi văn hóa và ngoại giao nhân dân từ hai lục địa xa xôi. Nhờ bóng đá kết nối tất cả chúng ta, khoảng cách địa lý không còn xa vời, màu da, dân tộc không còn khác biệt.

(theo Dhaka Tribune)

Quang Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-bong-da-day-thuyen-bangladesh-va-my-latinh-212403.html