Khéo vận động, đường đê rộng mở

Bằng sự khéo léo trong tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng chủ trương xây dựng 'tuyến đê kiểu mẫu', từ năm 2021 đến nay, người dân ở một số thôn thuộc xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa - Bắc Giang) đã tự nguyện hiến hơn 10 nghìn m2 đất, phá bỏ hàng trăm tường rào, mái tôn, cổng, thậm chí cả nhà đang ở để mở rộng mặt đường đê, tạo bộ mặt mới cho làng quê bên dòng sông Cầu thơ mộng.

Từ Cẩm Xuyên có nghị quyết chuyên đề…

Mặc dù mới hẹn trước ít phút nhưng khi chúng tôi đến nhà văn hóa thôn Cẩm Xuyên đã thấy ông Nguyễn Duy Hòa, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn đang ngồi chờ bên ấm trà nóng. Có lẽ vì từng trải qua quân ngũ nên người cựu chiến binh này vẫn giữ được tác phong nhanh nhẹn. Vừa rót nước mời khách, ông Hòa vừa tự hào nói: “Về Cẩm Xuyên hôm nay, đường giao thông phong quang, sạch đẹp chẳng khác gì phố huyện”.

Ông Nguyễn Duy Hòa, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Cẩm Xuyên (ngoài cùng bên trái) tuyên truyền về chủ trương mở rộng tuyến đường đê qua thôn.

Được biết, ông Hòa năm nay bước sang tuổi 68, là đại tá quân đội đã nghỉ hưu. Về địa phương, ông Hòa rất tích cực tham gia công tác xã hội, từ Bí thư Chi bộ, rồi Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi và nay là Trưởng ban công tác mặt trận thôn.

- Khi tham gia vận động bà con hiến đất làm đường, nhất là những trường hợp phá bỏ tường rào, công trình phụ mà không có kinh phí hỗ trợ đền bù, ông có gặp nhiều trở ngại không? - Tôi hỏi.

- Nhiều hôm tôi mất ăn, mất ngủ nghĩ cách cùng cấp ủy chi bộ, ban lãnh đạo thôn vận động, tuyên truyền làm sao để bà con nhận thức được ý nghĩa từ việc mở rộng tuyến đường. “Mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng mọi người đều đồng thuận, tôi thấy rất vui - Ông Hòa tâm sự.

Thôn Cẩm Xuyên có 620 hộ, là một trong những thôn cổ với số dân đông nhất nhì huyện. Đã bao đời nay, các hộ dân sinh sống, làm nhà dọc tuyến đê tả Cầu. Vì thế, con đường đê chạy qua thôn nhỏ hẹp, xuống cấp, đi lại khó khăn. Từ tháng 7/2021, khi tỉnh và huyện có chủ trương đầu tư xây dựng, cải tạo tuyến đê này theo mô hình “tuyến đê kiểu mẫu”- mặt đê trải nhựa, hai bên lắp đèn đường, vừa giúp tuyến đê an toàn, vừa lưu thông thuận tiện. Kinh phí xây dựng do T.Ư cấp, song mọi công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đều trông vào sự tự giác, tự nguyện hiến đất của người dân.

Để triển khai hiệu quả chủ trương trên, Chi ủy Chi bộ thôn họp bàn, ra nghị quyết chuyên đề về GPMB. Trong đó, xác định vai trò, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể. Kết quả, chỉ sau 1 tháng “ra quân”, toàn bộ tuyến đường đê dài 1,5 km chạy qua thôn đã được giải tỏa, bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Trong đó, người dân tự nguyện hiến gần 7 nghìn m2 đất, trị giá gần chục tỷ đồng.

Theo chân cựu chiến binh Nguyễn Duy Hòa, chúng tôi đến thăm gia đình ông La Văn Biểu, một trong những hộ có diện tích đất cũng như giá trị công trình phải phá bỏ để làm đường lớn nhất thôn, với gần 100 m2 đất.

Niềm nở đón khách từ cửa, ông Biểu tâm sự: “Lúc đầu, gia đình tôi cũng băn khoăn chưa muốn phá bỏ tường rào, sân, cổng vì thấy tốn kém quá. Thế nhưng, khi được cán bộ thôn đến tuyên truyền động viên, cuối cùng gia đình tôi cũng vui vẻ hưởng ứng”.

Hiện nay, quang cảnh làng quê Cẩm Xuyên đã thay da đổi thịt. Tuyến đường chính chạy qua thôn xưa kia nhỏ hẹp, nay được thay bằng tuyến đường trải nhựa phẳng phiu, rộng 11 m. Hai bên đường có vỉa hè và được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng cùng camera an ninh. Năm 2022, thôn Cẩm Xuyên được công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu của xã.

… đến Cẩm Hoàng tự nguyện hiến mặt bằng

Dưới nắng hè tháng Sáu oi ả, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 38 - 39 độ C, song không khí lao động trên trục đường chính của thôn Cẩm Hoàng vẫn sôi động. Tiếng cười nói hòa cùng tiếng máy xúc, máy cắt gạch như muốn át đi cái nắng chói chang. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng thôn Cẩm Hoàng cho biết: “Thấy một số thôn lân cận tích cực hiến đất làm đường, bà con thôn Cẩm Hoàng cũng hăng hái làm theo. Chúng tôi hạ quyết tâm trong năm nay sẽ hoàn thành việc cải tạo, mở rộng tuyến đường dài 1,5 km chạy qua thôn”.

Cũng như Cẩm Xuyên, thôn Cẩm Hoàng là một trong những thôn cổ ở xã Xuân Cẩm, các hộ dân sinh sống, làm nhà kiên cố dọc tuyến đê sông Cầu từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hưởng ứng phong trào hiến đất mở rộng tuyến đê, người dân nơi đây đã tự nguyện phá bỏ tường rào, cổng... thậm chí cả nhà đang ở để xây lùi vào vài mét cho con đường rộng ra. Cả thôn hiện có 538 hộ thì 174 hộ có diện tích đất phải giải tỏa, bà con đã hiến gần 6 nghìn m2. “Rút kinh nghiệm từ thôn Cẩm Xuyên, thôn tôi làm sau nên sẽ mở rộng tuyến đường rộng hơn, khoảng 12 m; sau này con cháu đi ô tô cũng thuận tiện”, ông Dũng cho biết.

Thấy chúng tôi đang trò chuyện ngay bên đường, bà Ngô Thị Can, người dân của thôn đi xe đạp từ đâu đến cũng dừng lại nói xen vào: “Các cán bộ xem khi nào cho làm mới tuyến đường này? Người dân chúng tôi đã tự nguyện lùi hết nhà cửa, sân vườn vào sâu phía trong rồi”.

- Bà yên tâm, sau khi đo đạc lại tuyến đường, nhà thầu sẽ thi công làm mới, dự kiến ngay trong tháng Sáu này - Trưởng thôn Nguyễn Tiến Dũng đáp.

Theo ông Dũng, gia đình bà Can đã tự nguyện cắt dọc ngôi nhà ngói 4 gian đang ở để mở rộng tuyến đường mà không hề đòi hỏi một chút tiền đền bù nào.

Thực tế, không chỉ gia đình bà Can mà nhiều hộ dân khác ở thôn Cẩm Hoàng cũng tự nguyện phá bỏ nếp nhà đang ở để lùi vào phía trong cho tuyến đường rộng hơn. Đơn cử như gia đình ông Vũ Văn Thành phá bỏ nhà chính 5 gian; các hộ ông: Nguyễn Văn Thăng, Nguyễn Văn Càng, Vũ Xuân Oánh, Nguyễn Thế Minh và Đào Văn Phê cũng tự nguyện phá bỏ nhà chính 4 gian đang ở…

Sức mạnh lòng dân

Về Xuân Cẩm hôm nay, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp không khí lòng dân phấn chấn. Mọi người đều đồng lòng chỉnh trang nhà cửa, sân vườn, nắn lại tuyến đường cho rộng rãi, phong quang. Ông Ngô Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Lúc đầu chúng tôi chỉ nghĩ làm thí điểm “tuyến đê kiểu mẫu” ở thôn Cẩm Xuyên, khó có thể làm ra các thôn khác bởi diện tích đất ở của người dân nơi đây không nhiều, trong khi đó không có nguồn kinh phí hỗ trợ GPMB”.

Tuyến đường đê chạy qua thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm vừa được mở rộng, trải nhựa phẳng phiu.

Xác định được ý nghĩa của việc mở rộng tuyến đường đê chạy qua các thôn có tác động rất lớn đến đời sống KT-XH của địa phương, Đảng ủy, UBND xã Xuân Cẩm đã tập trung triển khai chương trình này. UBND xã thành lập Ban chỉ đạo vận động hiến đất làm đường, Trưởng Ban là Chủ tịch UBND xã; các thành viên là trưởng ban, ngành đoàn thể từ xã đến thôn. Từ đây các thôn cũng thành lập tổ GPMB.

Từng cá nhân trong ban chỉ đạo, tổ GPMB tích cực tuyên truyền vận động người dân hiểu rõ về ý nghĩa, tác dụng của việc mở rộng tuyến đường. Các đồng chí lãnh đạo xã cũng luôn sâu sát địa bàn, dùng uy tín, mối quan hệ cá nhân để tác động, thuyết phục những trường hợp khó khăn, chưa đồng thuận. “Có lúc, cán bộ xã tự bỏ tiền túi ra hoặc vận động các mạnh thường quân trên địa bàn xã hỗ trợ một số hộ khó khăn mua thêm cát để xây lại tường”, ông Nguyễn Xuân Thủy tâm sự.

Kết quả, đến nay cả 3 thôn: Cẩm Xuyên, Cẩm Hoàng và Xuân Biều có tuyến đê chạy qua đều tích cực hưởng ứng hiến đất làm đường với tổng chiều dài toàn tuyến gần 4 km; ước tổng giá trị tiền từ việc hiến đất làm đường của bà con cũng lên đến vài chục tỷ đồng.

Khi trò chuyện với lãnh đạo xã Xuân Cẩm cũng như cán bộ các thôn Cẩm Xuyên, Cẩm Hoàng, chúng tôi nhận thấy, để có được những kết quả trên trước hết là do các gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu; đồng thời làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách liên quan, giúp cho mọi người nhận thức sâu sắc tác dụng của những việc làm trên. Đặc biệt, có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, thường xuyên cùng cán bộ thôn huy động các lực lượng hỗ trợ ngày công tham gia GPMB.

Về Xuân Cẩm hôm nay, nhiều tuyến đường đã được trải nhựa phẳng phiu, rộng rãi, thể hiện sức mạnh “ý Đảng- lòng dân”. Qua đó càng tô thắm thêm truyền thống quê hương cách mạng nơi có đình Xuân Biều- di tích cấp quốc gia đặc biệt đã từng diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp cơ sở đầu tiên trong cả nước.

Bài, ảnh: Đỗ Thành Nam

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/406220/kheo-van-dong-duong-de-rong-mo.html