Khẩu chiến Mỹ- Triều: Thông điệp nào sau những thách thức căng thẳng?

Theo ông Masao Okonogi- giáo sư danh dự của Đại học Keio- Nhật Bản- thông báo của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đang đưa ra cảnh báo về những thay đổi của chương trình thử tên lửa hơn là đe dọa một cuộc tấn công-

Căng thẳng leo thang sau lệnh trừng phạt Triều Tiên

Khẩu chiến Mỹ-Triều Tiên ngày càng trở nên dữ dội, với việc Bình Nhưỡng tuyên bố đang lên kế hoạch tấn công tên lửa các lực lượng quân sự Mỹ ở đảo Guam.

Ngay sau đó, Tổng thống Donald Trump cũng đăng thông điệp lên Twitter, cho rằng Triều Tiên sẽ phải hứng chịu "lửa giận dữ" sau khi truyền thông Mỹ đưa tin rằng Bình Nhưỡng đã sản xuất được đầu đạn hạt nhân thu nhỏ.

“Khẩu chiến” Mỹ-Triều Tiên đang ngày càng trở nên dữ dội.

Trong một động thái cứng rắn hơn, truyền thông Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng sẽ có kế hoạch phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung tới căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương vào giữa tháng 8. Các tên lửa Hwasong-12 do KPA phóng sẽ đi qua vùng trời Shimane, Hiroshima và Koichi Prefectures, Nhật Bản. Chúng sẽ bay tổng cộng quãng đường 3.356,7 km trong 1.065 giây và rơi xuống vùng biển cách Guam 30-40 km

Nhằm đáp trả tuyên bố tấn công đảo Guam của Triều Tiên, Không quân Mỹ tuyên bố sẵn sàng xuất kích ngay trong đêm. Đi kèm với đó là hình ảnh máy bay ném bom B-1B đang được tiếp nhiên liệu trên không, B-1B chuẩn bị cất cánh từ căn cứ không quân Anderson ở Guam cùng phi đội F-15 của Nhật và KF-16 của Hàn Quốc.

Khẩu chiến Mỹ - Triều chỉ mang tính chất "đe dọa"?

Một số nhà phân tích cho rằng lời đe dọa máu lửa của Tổng thống Donald Trump hôm 8/8 chỉ nhằm cảnh báo Triều Tiên chớ có liều lĩnh tấn công nước Mỹ, mặc dù lời lẽ lại giống giọng điệu tuyên truyền đặc trưng của Triều hơn là giống những tuyên bố thận trọng của các vị tổng thống Mỹ tiền nhiệm.

Theo ông Masao Okonogi, giáo sư danh dự của Đại học Keio, Nhật Bản, thông báo của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng đang đưa ra cảnh báo về những thay đổi của chương trình thử tên lửa hơn là đe dọa một cuộc tấn công.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung Un và các nhà khoa học, kỹ thuật viên của Học viện Khoa học quốc phòng sau khi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong - 14 ngày 5/7.

“Tôi tin rằng đây là thông điệp cho thấy họ lên kế hoạch chuyển các vụ thử tên lửa từ biển Nhật Bản sang những khu vực quanh đảo Guam. Bằng cách đưa ra thông báo sớm như vậy, họ cũng đang gửi thông điệp ngầm rằng cái mà họ sẽ làm không phải là một cuộc tấn công thực sự” – ông Masao Okonogi nói.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích trong khu vực lại cho rằng nguy cơ chiến tranh đang trở nên nhãn tiền.

Nhà phân tích Cheng Xiaohe, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói: "Sự đối đầu giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên sẽ trở nên tàn nhẫn, quyết liệt và đẫm máu”. Ông Cheng Xiaohe gọi tuyên bố của Tổng thống Donald Trump là "kích động" và cuộc “khẩu chiến” đe dọa lẫn nhau này dẫn đến một giai đoạn đối đầu mới.

Trên khắp khu vực Châu Á, các nhà phân tích đã phản ứng lo ngại trước tuyên bố “máu lửa” của Tổng thống Mỹ Donal cũng như trước tiến trình không bị cản trở của CHDCND Triều Tiên hướng tới việc trở thành một cường quốc hạt nhân có thể tấn công Mỹ hay các nước phương Tây khác.

Nếu Triều Tiên tung đòn chiến tranh, Mỹ chống đỡ ra sao?

Theo các chuyên gia quân sự, tuyên bố tấn công căn cứ Mỹ trên đảo Guam là lời đe dọa thực tế nhất mà Triều Tiên đưa ra cho đến thời điểm hiện tại. Nếu Triều Tiên tấn công căn cứ Guam và leo thang chiến tranh trong thời gian tới, năng lực chiến đấu của Mỹ sẽ phụ thuộc vào các lực lượng sẵn có ở Hàn Quốc, Nhật Bản và từ các hòn đảo ở Thái Bình Dương.

Cụ thể, để chống lại mối đe dọa từ các tên lửa Triều Tiên, Mỹ sẽ sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).

Các tên lửa đặt tại Hàn Quốc, cách Triều Tiên khoảng 250km có thể sẽ tung đòn đánh chặn hoặc thông báo ngay lập tức cho các tổ hợp phòng không trên đảo Guam để vạch ra phương án ngăn chặn hợp lý.

Triều Tiên hiện có 3 tên lửa đạn đạo đủ sức bắn đến căn cứ Mỹ trên đảo Guam.

Bên cạnh đó, lực lượng Mỹ sẽ cố gắng bảo vệ Hàn Quốc bằng 140 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abram. Các xe tăng này đang hiện diện ở thành phố Paju, cách biên giới Triều Tiên vài km. 28.500 binh sĩ Mỹ ở Triều Tiên cũng được yểm trợ bởi 170 xe chiến đấu bộ binh Bradley, 30 pháo tự hành 155mm và 30 hệ thống rocket đa nòng.

Để đối phó với không quân Triều Tiên, Mỹ có thể sử dụng 250 máy bay hiện diện trên khắp khu vực. Đa số đóng quân tại căn cứ quân sự ở Nhật Bản. 70 chiến đấu cơ F-16 và 10 chiếc cường kích chống tăng A-10 luôn sẵn sàng nghênh chiến.

Để đề phòng hải quân Triều Tiên, Mỹ hiện vẫn duy trì Hạm đội 7 tại Nhật Bản. Đây là lực lượng chiến đấu trên biển hùng hậu nhất của Mỹ trên thế giới, với 50-70 tàu chiến, tàu ngầm và 20.000 thủy thủ.

Đội tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan với 14 tàu khu trục, tàu tuần dương hộ tống, hiện đang neo tại căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản.

Tú An (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/quan-su/khau-chien-my-trieu-thong-diep-nao-sau-nhung-thach-thuc-cang-thang