Khát vọng của những 'tỷ phú nông dân'

Thời tiết se lạnh kèm mưa phùn mang đặc trưng của mùa xuân, chúng tôi tới Ba Vì, Thạch Thất với những 'tỷ phú nông dân' đang cần mẫn, miệt mài trên những thửa vườn, khu trang trại… tạo ra nguồn nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Năm cũ chất chồng khó khăn qua đi, năm mới với nhiều kỳ vọng mới đang đến. Mùa xuân mang đến cho người nông dân nhiều niềm vui và khát vọng về những 'mùa vàng' no ấm, yên bình.

Chuyện về hai tỷ phú nông dân Hà Nội

Thời tiết lạnh nhưng câu chuyện với anh Ngô Trọng Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì), một trong những tỷ phú nông dân trẻ ở địa phương, cho chúng tôi cảm giác ấm áp với nhiều niềm hy vọng.

Công nhân đã nghỉ nhưng điện vẫn thắp sáng quanh khu vực, mọi hoạt động vẫn diễn ra trong vòng quay thường nhật. Trong khuôn viên trang trại, Ngô Trọng Hiển nói với chúng tôi: Với nguồn vốn ít ỏi, những năm 2002, gia đình chỉ nuôi 200 con gà, rồi mở rộng mô hình lên 500 con, rồi những lứa sau tiếp tục nhân đàn lên 1.000 con, 2.000 con… Vừa làm, vừa tích lũy vốn, tái đầu tư, đến nay, trang trại đã nuôi tới hơn một vạn con gà đẻ, hai vạn gà thịt, 60 vạn gà giống và kết hợp trồng cây ăn quả...

Để tạo niềm tin với khách hàng và đáp ứng những nhu cầu mới của thị trường, anh Ngô Trọng Hiển đã xác định phải làm ra sản phẩm sạch, an toàn, từ đó tạo ra thương hiệu cho riêng mình. Quyết tâm đầu tư trang trại theo hướng hiện đại, anh đầu tư các khu ấp trứng, khu nuôi gà bố mẹ, khu nuôi gà thương phẩm riêng biệt; đầu tư hệ thống giàn lạnh làm mát, uống nước tự động cho các chuồng nuôi; đồng thời lò ấp trứng có công nghệ hiện đại, công suất 4 vạn trứng mỗi mẻ.

Năm 2022, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng chăn nuôi theo hướng an toàn, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh nên trang trại vẫn cung cấp cho thị trường 20.000 con gà thương phẩm (tương đương 50 tấn) và 80.000 gà giống mỗi tháng. Tổng doanh thu của trang trại ước khoảng 10 tỷ đồng/năm. Anh Ngô Trọng Hiển kỳ vọng năm mới 2023 sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho các trang trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Rời vùng núi huyện Ba Vì, chúng tôi đi qua gần chục ki lô mét đến xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), trước đây đường sá đi lại khó khăn, nhưng từ tháng 8-2008 xã Yên Bình sáp nhập về Hà Nội, đường làng ngõ xóm ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đi dọc con đường từ Đại lộ Thăng Long vào thôn Dục, xã Yên Bình có trang trại Hoa Viên trồng rau hữu cơ thuộc hàng lớn nhất Hà Nội với 110ha mới thấy sức người thật kỳ diệu. Giữa tiết trời xuân, là một khung cảnh làng quê yên bình với bạt ngàn khóm rau xanh đang đâm trồi nảy lộc, mang tín hiệu no ấm đến với những người nông dân.

Tết Nguyên đán cận kề nhưng Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc Trương Kim Hoa vẫn miệt mài với vô vàn công việc để vận hành khu trang trại rộng lớn. Trong câu chuyện ngày một dài thêm với phóng viên Báo Hànôịmới, bà Trương Kim Hoa cho biết: “Là một cán bộ ngân hàng bỏ phố lên rừng mua đất trồng rau, nuôi lợn, nhiều bạn bè nghĩ tôi làm liều. Tôi đến với nông nghiệp hữu cơ như một cơ duyên, đầu tiên muốn tự mình trồng các loại rau củ sạch nhưng nhu cầu thị trường về rau sạch, rau hữu cơ ngày càng lớn, từng bước tôi mở rộng diện tích, đa dạng các loại rau…”.

Hiện tại, trang trại được chia thành 2 khu, với diện tích 60ha tại xã Yên Bình và 50ha tại xã Yên Trung của huyện Thạch Thất, trồng gần 100 các loại rau, từ rau muống, rau cải các loại, lang ngọt, mướp hương, su su, ngọn bí, rau dền, rau ngót, các loại rau thơm (húng quế, mùi tàu, kinh giới, tía tô,…) đến các loại rau rừng như: Rau sắng (ngót rừng), bò khai (dạ hiến), rau mỏ, sau sau, dền chua đỏ,… theo phương pháp hữu cơ. “Nhờ vào chất lượng sản phẩm qua một thời gian, thương hiệu “Rau Đại Ngàn” đã khẳng định được uy tín trên thị trường và được siêu thị, cửa hàng tiện ích lựa chọn để đưa đến tay người tiêu dùng Thủ đô. Vào dịp Tết Nguyên đán, trang trại vẫn tiếp tục gia tăng hoạt động sản xuất, bảo đảm các đơn đặt hàng đã ký kết” - bà Trương Kim Hoa cho biết thêm.

Trong câu chuyện về nữ tỷ phú nông dân mạo hiểm với vùng đất cằn cỗi của xã Yên Bình, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng kể rằng, nhiều năm trước, trang trại Hoa Viên chủ yếu nuôi lợn rừng và cho hiệu quả kinh tế rất cao, vài năm trở lại đây, trang trại đã chuyển sang sản xuất cả rau hữu cơ, cho doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/năm. Hiện trang trại đang đầu tư mở rộng các loại dịch vụ để thu hút khách du lịch tới tham quan, tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm hữu cơ, những lợi ích mà phương thức canh tác này mang lại và tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế.

Những kỳ vọng mang tín hiệu mùa xuân

Sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, từ thiên tai, dịch bệnh cho đến tác động thị trường... Bước sang năm mới Quý Mão - 2023 các “tỷ phú chân đất” cũng như bà con nông dân đều mong muốn mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Ăm ắp dự định cho tương lai, “tỷ phú nông dân” Ngô Trọng Hiển cho biết, thách thức vẫn đang ở phía trước, nhưng với lợi thế của địa phương thì chăn nuôi gia cầm ở Ba Vì vẫn có nhiều cơ hội phát triển. Vấn đề là cần có tư duy và động lực mới để thúc đẩy chăn nuôi theo hướng an toàn và xây dựng thương hiệu để chiếm lĩnh thị trường. “Người nông dân cần Nhà nước quan tâm hơn nữa, có các chính sách hỗ trợ sản xuất, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, phát triển chăn nuôi hàng hóa quy mô lớn” - "tỷ phú nông dân" - ông Ngô Trọng Hiển cho biết thêm.

Được huyện Thạch Thất chọn là nơi thí điểm xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc Trương Kim Hoa cho biết, trang trại Hoa Viên tập trung đầu tư phát triển loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm gắn với các mô hình nông nghiệp. Không những góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình ở nông thôn, mô hình này còn giúp thay đổi nhận thức của mọi người về sản phẩm hữu cơ. Đây cũng là định hướng của trang trại góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái theo hướng bền vững.

“Có thể nói trong thành quả chung của ngành Nông nghiệp Hà Nội, có sự đóng góp không nhỏ của những người nông dân làm việc bằng tất cả đam mê và nhiệt huyết của mình…”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết thêm, trên địa bàn thành phố đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, hướng tới phát triển bền vững. Những “tỷ phú nông dân” Hà Nội không ngại khó khăn, có nhiều cách làm sáng tạo, cùng nông dân cả nước vẽ những “gam màu” tươi sáng cho bức tranh nông nghiệp của đất nước.

Khi sắc xuân đã hiện rõ nơi nơi, những “tỷ phú nông dân” Hà Nội vẫn miệt mài với vô vàn công việc trên mảnh đất gắn bó như “máu thịt” của mình để có những mùa vàng “đơm hoa kết trái”. Những người nông dân năng động với những dự định, kế hoạch, dự án… chất chứa tinh thần sáng tạo sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa xuân rực rỡ!

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doanh-nghiep/1053365/khat-vong-cua-nhung-ty-phu-nong-dan