Khát khao đưa âm hưởng vùng cao biên giới đến đông đảo công chúng

Sinh ra tại Thái Nguyên nhưng nhạc sĩ Bùi Trường Giang (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang) đã có gần 20 năm gắn bó với con người và vùng đất Hà Giang. Từ cảm xúc chân thành, giản dị, anh đã sáng tác nhiều bài hát về quê hương thứ hai này. Mới đây, ca khúc 'Pao ơi bay lên' của anh (phổ thơ Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang) được vinh danh là 'Tác phẩm hay nhất viết về Hà Giang' tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2023, do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho nhạc sĩ Bùi Trường Giang, tác giả ca khúc “Pao ơi bay lên” - tác phẩm hay nhất về Hà Giang tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt II - năm 2023. Ảnh: Ngô Khiêm

Tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội năm 2006 thì đúng 1 năm sau, nhạc sĩ xứ chè Bùi Trường Giang khăn gói lên công tác tại cao nguyên đá Hà Giang. Vốn là người chơi keyboard, tham gia phối khí từ rất sớm và nhiều lúc anh cũng trăn trở muốn ghi chép lại những cảm xúc của mình trên bản nhạc, nhưng do công việc bộn bề nên anh chưa thể chắp bút ra được ca khúc. Cho đến một ngày, người anh, người đồng nghiệp của anh là nhạc sĩ Ngô Sĩ Tùng, Phó Trưởng đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ tỉnh Hà Giang động viên, khích lệ thì anh mới viết được những ca khúc đầu tiên. Từ năm 2012 đến nay, anh lao vào sáng tác với tình yêu mãnh liệt, cảm xúc bất tận về Hà Giang, trong đó có nhiều ca khúc đoạt giải cao.

Những ca khúc, như: “Hà Giang vào Xuân”, “Há Ía ngược mùa yêu”, “Quản Bạ khúc hát mời gọi”, “Mùa Xuân về từ con đường huyền thoại”, “Chuyện của đá”, “Khúc biến tấu trống Giáy”, “Tảo hôn”... cho thấy anh đã khai thác chất liệu, hình ảnh, phong tục, tập quán được coi là đặc trưng nhất của con người và miền đất cao nguyên đá để ca khúc như một lời tuyên truyền, vận động, một thông điệp nhân văn sâu sắc. Như ca khúc “Tảo hôn” (giành giải Nhất Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi năm 2020, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức) là câu chuyện kể về em bé gái người Mông phải đối mặt với hủ tục tảo hôn và anh truyền đi thông điệp cần dẹp bỏ những tập tục không còn phù hợp với đời sống hiện nay.

Nhạc sĩ Ngô Sĩ Tùng khẳng định, với lòng đam mê âm nhạc và đặc biệt là âm nhạc dân tộc, nhạc sĩ Bùi Trường Giang đã từ Thái Nguyên lên với Hà Giang theo tiếng gọi của tình yêu âm nhạc, sự đam mê với cuộc sống đồng bào vùng cao. Nhạc sĩ đã viết rất nhiều ca khúc các chủ đề về vùng cao nói chung và Hà Giang nói riêng. Ca khúc “Pao ơi bay lên” được viết ở giọng thứ, có tính chất tình cảm đằm thắm, đặc biệt tác giả đã biết chắt chiu từ những ca từ của lời thơ bay bổng để làm bật được chủ đề của ca khúc nói đến một nét văn hóa đặc trưng của người Mông vùng cao Hà Giang, ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa cùng nhau xây đắp quê hương cao nguyên đá ngày càng tươi đẹp.

Nhạc sĩ Bùi Trường Giang chia sẻ, ngoài việc phục vụ nhiệm vụ chính trị trong tỉnh, biểu diễn cho đồng bào thì hiện nay, Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang còn kết hợp với các ban, ngành liên quan phát triển du lịch. Đoàn đã có những buổi biểu diễn chương trình nghệ thuật với sắc màu bản địa phục vụ khách thập phương đến với Hà Giang. “Hà Giang là mảnh đất có tiềm năng du lịch. Ngoài những cảnh quan đẹp, tự nhiên, hùng vĩ, du khách còn muốn khám phá âm nhạc của con người nơi đây. Bởi thế, chúng tôi được coi là những “sứ giả” mang đến cho du khách hình ảnh một Hà Giang thân thiện, mến khách, giàu truyền thống văn hóa, nghệ thuật” - nhạc sĩ Bùi Trường Giang nhấn mạnh.

Bản thân không phải là người gốc ở Hà Giang, nhưng cái chân chất của con người nơi đây, cùng sự thiếu thốn vật chất khiến nhạc sĩ Bùi Trường Giang có sự khát khao muốn làm điều gì đó để nhiều người biết đến Hà Giang hơn bởi văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng mà nơi đây vẫn còn gìn giữ được, đó là sự hoang sơ, bản địa. Để tạo ra lối riêng của mình, nhạc sĩ Bùi Trường Giang thường sắp xếp những thời gian rảnh hoặc xen kẽ khi đi công tác vùng cao để điền dã, sưu tầm chất liệu từ trong cộng đồng, từng tộc người.

“Trong sáng tác âm nhạc không có sự sao chép đề tài, sao chép nội dung, đó hoàn toàn là tư duy sáng tạo, sự vận dụng, đổi mới của nhạc sĩ. Bởi thế, người nhạc sĩ phải luôn “làm mới” mình để trong giai điệu, lời ca luôn hừng hực sức sống, mang hơi thở thời đại, đặc biệt là phải bám rễ và phát triển trên nền dân ca của các dân tộc anh em trên cao nguyên đá. Trên tinh thần đó, trong thời gian tới, ngoài việc sáng tác những ca khúc về tình yêu quê hương, đất nước, tôi sẽ tập trung vào việc sáng tác những ca khúc cho thiếu nhi vùng cao, vì hiện giờ đang rất thiếu những ca khúc chất lượng” - nhạc sĩ Bùi Trường Giang nhấn mạnh.

Sinh năm 1990, con đường âm nhạc phía trước của nhạc sĩ Bùi Trường Giang còn rất thênh thang, rộng mở nhưng chắc chắn sẽ còn không ít thử thách. Với hành trang là nền tảng kiến thức âm nhạc, tình yêu vô bờ với Hà Giang, tin rằng, nhạc sĩ xứ chè sẽ còn làm nên những tác phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc của cao nguyên đá.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khat-khao-dua-am-huong-vung-cao-bien-gioi-den-dong-dao-cong-chung-post471157.html