Khảo sát vị trí sạt lở ở Hòa Bình do động đất ở Hà Nội

Trận động đất 4.0 độ richter sáng ngày 25/3 tại Mỹ Đức (Hà Nội) đã gây rung lắc, sạt lở núi, sập chuồng dê ở Hòa Bình, nơi giáp ranh với Hà Nội.

Động đất ở Hà Nội, Hòa Bình ảnh hưởng nặng?

Ngày 26/3, UBND xã Cao Dương, huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã có báo cáo về thiệt hại do trận động đất 4 độ richter - tâm chấn tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) gây ra. Sau khi nhận thông tin, UBND xã Cao Dương đã thành lập tổ công tác đến các hộ gia đình kiểm tra hiện trường. Kết quả cho thấy có 3 điểm sạt lở đá. Trong đó, điểm sạt lớn nhất là đỉnh núi đá sau nhà ông Viễn (vệt sạt lở rộng khoảng 10-20m, chạy dài hàng chục mét). Nhà ông Viễn bị các tảng đá lớn (kích thước 1x2m) sạt lở gây sập một góc nhà chính, toàn bộ nhà bếp, chuồng heo và chuồng dê.

Tài sản của người dân bị thiệt hại sau khi bị ảnh hưởng của động đất.

Trước đó, theo phản ánh của người dân, tại các xã Trung Sơn, Cao Dương của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), biểu hiện của trận động đất là những tiếng nổ và sau đó là núi lở. Theo đó, hộ ông Nguyễn Xuân Viễn (ở khu Thung Ngái, giáp mỏ đá Phú Đỉnh) vào khoảng hơn 8h sáng bị đá sạt lở rơi vào nhà gây thiệt hại tài sản, công trình. Từ đỉnh núi đá phía sau nhà ông Viễn có một vệt sạt lở, chiều rộng khoảng 10 -20m. Hiện trường có nhiều đá, xuất hiện do trận sạt lở sáng cùng ngày gây ra.

Thống kê sơ bộ tài sản tại hiện trường, gia đình bị thiệt hại gồm: đàn dê 25 con đang nhốt trong chuồng bị đè chết, gãy chân; tủ lạnh, máy lọc nước, bình đựng nước, bếp ga, giường, tủ phòng ngủ và xe máy bị hư hỏng toàn bộ.

Tại hai điểm sạt lở còn lại khu vực Thung Ngái, núi đá phía sau nhà ông Trần Quốc Hội có một vệt sạt lở đá từ trên đỉnh núi xuống phía sau vườn nhà, một số tảng đá to gây hư hỏng cây trồng. Vị trí núi đá phía dưới chằm Ngái (phía gần huyện Mỹ Đức) cũng có một vệt sạt lở đá từ đỉnh núi xuống chân núi. Khu vực này không có nhà ở, tài sản.

Vì sao động đất ở Hà Nội mà khu vực Hòa Bình lại bị ảnh hưởng nặng nề như vậy? Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, hiện các cán bộ Viện Vật lý Địa cầu đang tiến hành khảo sát, đo đạc tại vị trí sạt lở do động đất hôm qua. Kết quả sẽ được Viện thông báo sớm nhất đến người dân.

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, Hà Nội nằm trong vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy, các đứt gãy sinh chấn vẫn hoạt động. Khi các đứt gãy này tích tụ đủ năng lượng thì phát sinh động đất.

Theo chuyên gia địa chấn này, vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy từng xảy ra động đất trong quá khứ. Tại Hà Nội, vào thế kỷ XII, một trận động đất mạnh cấp 8 xảy ra đã làm bia chùa Báo Thiên bị vỡ làm đôi. Quy luật động đất do các đứt gãy sinh chấn ở vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy có tần suất vài trăm năm đến 500-700 năm mới có một lần xảy ra trận động đất mạnh.

Các đứt gãy vẫn đang hoạt động, không thể chủ quan

Theo chuyên gia, động đất tại huyện Mỹ Đức ngày 25/3 nằm cách đới đứt gãy sông Hồng chỉ khoảng 1,8km - là nguồn phát sinh động đất, chạy cắt qua địa phận TP Hà Nội. Đây là đứt gãy kéo dài đến hơn 1.000km bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) chạy đến miền Bắc Việt Nam. Đứt gãy này đang trong thời kỳ ngủ yên và kỷ nguyên này kéo dài khoảng vài ngàn năm. Do đó, dọc theo đới đứt gãy này chỉ phát sinh những trận động đất trung bình hoặc nhỏ.

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, đây không phải là lần đầu Hà Nội bị tác động từ loại hình thiên tai này. Thống kê trong 5 năm trở lại đây (từ năm 2019), tại Hà Nội và vùng lân cận đã chịu ảnh hưởng của ít nhất 10 trận động đất. Các trận động đất này có độ lớn từ 2.5 - 4.0.

Ngược về lịch sử, trong khoảng 100 năm trở lại đây, khu vực Đồng bằng sông Hồng (bao gồm cả Hà Nội) đã chịu ảnh hưởng của khoảng 150 trận động đất. Nhiều năm về trước, khoa học - công nghệ chưa phát triển, năng lực đo đạc, tính toán độ lớn của động đất còn hạn chế. Dù vậy, lịch sử ghi lại có trận động đất với độ lớn 6.1 từng ảnh hưởng đến khu vực này.

Những năm gần đây, Hà Nội thường xuyên bị ảnh hưởng của động đất xa. Nguyên nhân có thể liên quan đến đới đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy. Các đứt gãy vẫn đang hoạt động và khi các đứt gãy này tích tụ đủ năng lượng thì sẽ gây ra động đất.

Nhìn chung, các trận động đất ảnh hưởng đến Hà Nội những năm qua đều có cường độ nhẹ, những tác động dễ nhận thấy mới dừng ở hiện tượng rung lắc nhẹ. Tuy nhiên, không thể chủ quan vì tần suất ảnh hưởng đang ngày một thường xuyên hơn.

Sau khi xảy ra động đất ở Hà Nội, TS Nguyễn Xuân Anh kiến nghị Hà Nội cần có bản đồ cảnh báo mức độ động đất chi tiết, trong đó cập nhật các trận động đất mới, từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất ở các quận nội thành để phục vụ việc kháng chấn của công trình xây dựng.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu phát đi thông báo, lúc 8 giờ 5 phút 35 giây (giờ Hà Nội) ngày 25/3 đã xảy ra trận động đất 4 độ Richter, tại vị trí có tọa độ 20,770 độ vĩ bắc, 105,720 độ kinh đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 16 km. Trận động đất được đánh giá có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Vị trí chấn tâm của trận động đất được xác định là tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Khu vực tâm động đất nằm ở bờ tây sông Đáy, trên địa bàn các xã Bột Xuyên, Mỹ Thành, Tuy Lai, An Mỹ của huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Đây là các xã khu vực phía bắc huyện Mỹ Đức, và nằm ở phía nam - tây nam Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km đường chim bay. Trong đó, Tuy Lai, An Mỹ phía tây giáp ranh với tỉnh Hòa Bình.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khao-sat-vi-tri-sat-lo-o-hoa-binh-do-dong-dat-o-ha-noi-169240326112123243.htm