Khảo sát sinh viên ra trường có việc làm ở nhiều trường chỉ mang tính đối phó!

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến năm 2021, trong 22 lĩnh vực đào tạo có 8 lĩnh vực tỉ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm thấp nhất.

Ngày 26-5, tại “Diễn đàn phát triển hợp tác nhà trường và doanh nghiệp”, nhiều đại biểu đã chia sẻ những ý kiến thực tiễn về hợp tác giữa đại học (ĐH) và doanh nghiệp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung thời gian qua.

Chương trình do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam phối hợp với Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức.

Đáng chú ý, trong báo cáo tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp giai đoạn 2017 – 2021, Tiến sĩ Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết tính đến quý 3- 2022, tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động thất nghiệp chiếm 2,28%. Trong đó, thời điểm số lao động có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp cao nhất rơi vào quý I-2021 với 13%, hai quý sau đó chỉ ở mức 2,9%.

Theo ông Nghệ, từ năm 2016, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH hàng năm khảo sát và báo cáo về tình hình việc làm của sinh viên trong vòng 12 tháng sau khi được công nhận tốt nghiệp.

Tính từ năm 2018 đến 2021, tỉ lệ việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng ở mức từ 86,68% đến 90,69%, riêng năm 2021 đạt 90,52%.

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ báo cáo tại diễn đàn. Ảnh: QUỲNH NGUYỄN

Tiến sĩ Phạm Như Nghệ báo cáo tại diễn đàn. Ảnh: QUỲNH NGUYỄN

Cụ thể, từ thống kê này của Bộ GD&ĐT, trong 22 lĩnh vực đào tạo, tính đến năm 2021, có 8 lĩnh vực tỉ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm thấp nhất, gồm: Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân với 82,5%; dịch vụ vận tải 84,7%; kiến trúc và xây dựng; khoa học tự nhiên; pháp luật; Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; thú y.

Trong khi đó, nhóm ngành có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao nhất llàmôi trường và bảo vệ môi trường với 96,3%, kế đến là nông – lâm nghiệp – thủy sản với 95,7%.

Tỉ lệ từng lĩnh vực như sau:

Ông Nghệ cho rằng nguyên nhân sinh viên ra trường tìm việc làm còn khó khăn vì trình độ năng lực còn hạn chế, đặc biệt là ở những ngành lĩnh vực công nghệ cao. Số lượng doanh nghiệp hợp tác không ít nhưng chất lượng hợp tác cũng còn nhiều điều cần chú ý.

Bên cạnh đó còn có các khó khăn khách quan như thiên tai dịch bệnh, tình hình kinh doanh. Theo đại diện của Bộ, chưa kể việc khảo sát của nhiều cơ sở đào tạo còn mang tính đối phó; dự báo nhân lực chưa thực hiện tốt; chính sách hỗ trợ kinh phí để đào tạo nhân lực theo nhu cầu của địa phương cũng gặp phải nhiều bất cập trong quá trình triển khai.

Cơ chế chính sách hỗ trợ cho các trường, các doanh nghiệp trong vấn đề việc làm sinh viên chưa đáp ứng được mong đợi.

Trước thực tế này, đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2023-2026, ông Nghệ nhấn mạnh rằng để đào tạo ĐH gắn với nhu cầu của thị trường lao động, công tác quy hoạch nhân lực là yếu tố có tính quyết định.

Bên cạnh tiếp tục hoàn thiện các quy định về nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và công tác đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH, đại diện Bộ GD&ĐT cho rằng các trường ĐH và doanh nghiệp phải có sự phối hợp chặt chẽ trong thống nhất các quy chuẩn về đào tạo và các tiêu chuẩn nghề nghiệp.

Ông Nghệ cũng cho hay, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và công tác đào tạo các trình độ của giáo dục ĐH.

Bộ cũng đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách cho vay vốn ưu đãi đối với người tốt nghiệp trình độ ĐH, CĐ có nhu cầu vay vốn khởi nghiệp nhằm tạo cơ hội khuyến khích sinh viên chủ động tự tạo việc làm cho chính bản thân và những người lao động khác qua các dự án sản xuất, kinh doanh hoặc các ý tưởng hay, có ý nghĩa đối với xã hội.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/khao-sat-sinh-vien-ra-truong-co-viec-lam-o-nhieu-truong-chi-mang-tinh-doi-pho-post735104.html