Khánh thành Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam trị giá 62 triệu USD

Ngày 20/3, tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), Công ty TNHH công nghiệp SAB Việt Nam thuộc Tập đoàn Weixing đã tổ chức lễ khánh thành Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam trị giá 62 triệu USD.

Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam có quy mô diện tích 66,44ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 62 triệu USD, tương đương 1.443,220 tỷ đồng.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khánh thành. Ảnh: Khắc Kiên

Nhà máy chuyên sản xuất phụ kiện quần áo như: dây khóa kéo kim loại, dây khóa kéo nhựa, dây khóa kéo nylon, cúc nhựa, cúc kim loại... Sau khi đi vào hoạt động, Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam sẽ giải quyết việc làm giai đoạn 1 cho khoảng 700 lao động có tay nghề kỹ thuật, với sản lượng hàng hóa ước tính khoảng 100 triệu USD/năm. Giai đoạn 2 khoảng 1.500 lao động...

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi nhấn mạnh: Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Đồng thời góp phần vào việc phát triển công nghiệp phụ trợ ngành may mặc, giảm thiểu sự phụ thuộc của ngành may vào các phụ kiện lâu nay đang phải nhập khẩu từ nước ngoài. Để đảm bảo cho nhà máy đi vào hoạt động thuận lợi, ông Nguyễn Văn Thi đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh tích cực chủ động phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng Khu A - Khu công nghiệp Bỉm Sơn giải quyết kịp thời các vấn đề về cấp điện, cấp nước, hạ tầng kỹ thuật cho Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam; hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư trong quá trình hoạt động của nhà máy. "Sau khi đi vào hoạt động ổn định, công ty tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư sản xuất và hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa mời gọi xúc tiến các nhà đầu tư vào hoạt động" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị.

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang. Ảnh: Khắc Kiên

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết, ngành dệt may Việt Nam năm 2023 đã xuất khẩu được 40 tỉ USD. Năm 2024 dự kiến xuất khẩu 44 tỉ USD vào 104 quốc gia, trong đó Mỹ chiếm 44%, thứ 2 là Nhật, thứ ba các nước EU...

Ngành dệt may đang thực hiện và hưởng lợi từ 16 hiệp định thương mại tự do. Nhưng doanh nghiệp đang đứng trước thách thức và cơ hội, do đó SAB quyết định lựa chọn đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo ra nguồn nguyên phụ liệu cho ngành may mặc, giúp giảm chi phí và giá thành sản phẩm...

"Việt Nam là nước đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may, sau Trung Quốc, Bangladesh. Cộng đồng doanh nghiệp dệt may cũng đứng trước thách thức về xanh hóa, nguyên phụ liệu... Hi vọng, SAB sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của ngành dệt may Việt Nam nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung" - ông Vũ Đức Giang nói.

Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH công nghiệp SAB Việt Nam Cai liyong khẳng định, trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và Nhà máy công nghiệp SAB Việt Nam sẽ tuân thủ pháp luật và quy định của Việt Nam. Thực hiện tinh thần doanh nghiệp “Đoàn kết, cố gắng, thực tế, sáng tạo” để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao tại Việt Nam.

SAB Việt Nam cũng cam kết trở thành nơi "phụ kiện thời trang toàn cầu và sáng tạo", cung cấp cho khách hàng các dịch vụ "one stop garment” (1 điểm đến, toàn bộ sản phẩm) nhanh chóng và chu đáo. SAB Việt Nam là điểm khởi đầu mới cho SAB với tư cách là cơ sở sản xuất toàn cầu, mang đến cho khách hàng Việt Nam thời gian giao hàng thuận tiện hơn, dịch vụ tốt hơn và giá cả cạnh tranh hơn...

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khanh-thanh-nha-may-cong-nghiep-sab-viet-nam-tri-gia-62-trieu-usd.html