Khánh Casa tát nữ nhân viên mang bầu có thể bị phạt 300.000 đồng

Theo Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội, hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa 300.000 đồng.

Luật sư (LS) Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng với hành vi tát nữ nhân viên mang bầu, ông Khánh Casa có thể bị xử phạt hành chính đến 300.000 đồng.

Tuy nhiên, nếu nữ nhân viên cho rằng hành vi của ông Khánh Casa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của mình thì có thể yêu cầu ông bồi thường thiệt hại.

Làm nhục người khác

Theo LS Huỳnh Phước Hiệp, hành vi tát thể hiện sự khinh thường, thường được thực hiện nhằm mục đích làm nhục người khác, làm bẽ mặt và gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín hơn là để cố ý gây thương tích.

Ông Khánh Casa tát vào mặt nữ nhân viên. Ảnh: Cắt từ clip.

Theo luật dân sự, người bị tát có thể khởi kiện, yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm xin lỗi công khai và yêu cầu bồi thường. Nếu hai bên không thỏa thuận được mức tiền bồi thường thì mức tối đa sẽ không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Ngoài ra, cơ quan công an nếu xét thấy cần thiết có thể xử lý hành chính hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác, hoặc nặng hơn có thể khởi tố hình sự hành vi làm nhục người khác.

Tuy nhiên, LS Huỳnh Phước Hiệp cho rằng trường hợp này chưa đủ yếu tố cấu thành tội làm nhục người khác theo điều 121, Bộ luật Hình sự 1999.

Cửa hàng nơi xảy ra vụ nữ nhân viên bị tát. Ảnh: Lê Trai.

“Bởi điều này chỉ quy định về hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của người khác, các hành vi như lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cạo đầu, cắt tóc, lột quần áo, quay clip, có những hành vi vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực như bắt trói, tra khảo, vật lộn, đấm đá hoặc khống chế, đe dọa, buộc người bị hại phải làm theo ý muốn của mình nhằm làm nhục.

Hành vi tát của ông Khánh Casa đối với cô nhân viên có thể chưa được xem là nghiêm trọng. Do đó tôi cho rằng có thể ông này chỉ bị xử phạt hành chính”, LS Hiệp nói.

Ông Hiệp cho rằng mức xử lý hành chính có thể không cao, nhưng đây là mức phạt cơ sở để nếu sau này đối tượng có tái phạm hành vi thì cơ quan chức năng có cơ sở để khởi tố hình sự.

Việc mang bầu có được xem là tình tiết tăng nặng?

Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), việc nữ nhân viên bị tát đang mang bầu có được xem là tình tiết tăng nặng hay không còn phụ thuộc vào việc người tát có biết cô này đang mang bầu hay không qua việc nhìn thấy hoặc nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai.

Trong trường hợp người vi phạm không biết người phụ nữ đang mang thai thì đây sẽ không được xem là tình tiết tăng nặng.

Một yếu tố được quan tâm khác là việc hành vi làm nhục được thực hiện tại nơi công cộng. Tuy nhiên, theo ông Thế Trạch, luật không hề có quy định đây là một tình tiết tăng nặng.

“Việc có nhiều người chứng kiến hành vi chỉ làm dấu hiệu của hành vi rõ ràng hơn mà thôi”, ông Trạch nói.

Chi Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khanh-casa-tat-nu-nhan-vien-mang-bau-co-the-bi-phat-300000-dong-post770849.html