Kháng thuốc chống nấm mối đe dọa mới với sức khỏe cộng đồng

Hiện một số chủng nấm đã phát triển khả năng kháng thuốc khiến nhiều bệnh nhiễm nấm phổ biến như nấm da, nấm móng... có nguy cơ không thể điều trị. Vậy nguyên nhân nào thúc đẩy sự gia tăng tình trạng kháng thuốc chống nấm và cần làm gì để ngăn chặn?

1. Kháng thuốc chống nấm khiến các bệnh nhiễm nấm phổ biến có nguy cơ không thể điều trị

Nấm là nguyên nhân gây ra một loạt bệnh nhiễm trùng ở người. Lang ben, hắc lào, nấm kẽ, nấm móng, nấm da đầu, nấm âm đạo… là những bệnh nhiễm nấm phổ biến tại Việt Nam. Ngoài ra còn có các bệnh nhiễm nấm đe dọa tính mạng như aspergillosis, cryptococcosis và nhiễm nấm xâm lấn vào máu, bao gồm cả những bệnh do candida albicans và candida auris gây ra.

Theo TS.BS Vũ Quốc Đạt, Bệnh viện Đại học Y - Hà Nội, nhiễm nấm nghiêm trọng chủ yếu xảy ra ở những người bị ức chế miễn dịch, như người bệnh HIV, người bệnh rối loạn chuyển hóa, bệnh nhân đang hóa trị ung thư hoặc sử dụng liệu pháp ức chế miễn dịch sau ghép tạng. Nhiễm nấm gây nguy cơ cho những bệnh nhân bị bệnh nặng tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

Nấm da là bệnh nhiễm nấm phổ biến tại Việt Nam.

Trong thực hành lâm sàng, việc chẩn đoán chính xác, sớm và kịp thời kết hợp với điều trị bằng thuốc chống nấm hiệu quả là hết sức quan trọng để quản lý các bệnh nhiễm nấm toàn thân nhằm tránh hậu quả nghiêm trọng cho bệnh nhân.

Thuốc điều trị nhiễm nấm hiện được giới hạn ở 4 nhóm thuốc chính bao gồm azole, polyene, echinocandin và purine. Thuốc chống nấm azole có hiệu quả tương đối cao và độc tính thấp, có sẵn để sử dụng qua đường uống, nên là loại thuốc chống nấm phù hợp nhất trên lâm sàng. Tuy nhiên các bệnh nhiễm nấm phổ biến ngày càng kháng lại các thuốc điều trị hiện có kể cả azole gây rủi ro cho người bệnh.

Hiện các bệnh nhiễm nấm phổ biến như nấm da, móng, tóc, có xu hướng gia tăng trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng đến gần 20%–25% dân số nhưng tỷ lệ kháng thuốc azole được báo cáo đã lên đến 19%, là một nguyên nhân gây lo ngại sâu sắc. Khả năng kháng thuốc tăng lên dẫn đến giảm hiệu quả điều trị. Ở cấp độ bệnh nhân, thất bại điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng kéo dài, thậm chí tử vong.

2. Giải pháp nào ngăn chặn thực trạng kháng thuốc chống nấm?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra cảnh báo về thực trạng nấm kháng thuốc khi công bố danh sách 19 loài nấm là "mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng" do khả năng kháng thuốc ngày càng tăng. Trong số đó có chủng nấm Candida auris, kháng với gần như tất cả các thuốc chống nấm hiện nay.

Ngoài các yếu tố môi trường thúc đẩy sự tiến hóa ở các loài nấm (ví dụ, biến đổi khí hậu đã dẫn đến xuất hiện các mầm bệnh nấm mới, bao gồm cả các nhánh C. auris mới), có nhiều yếu tố góp phần vào sự phát triển tính kháng thuốc chống nấm. Một số trong số này bao gồm việc hạn chế về số lượng các thuốc nấm mới.

Lạm dụng thuốc chống nấm cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Tại Hội thảo về Chẩn đoán và điều trị nhiễm nấm xâm lấn do các bác sĩ của Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, PGS.TS Justin Beardsley Đại học Sydney (Australia), cho biết: Đối với điều trị nấm, trên thế giới và ở Việt Nam hiện chỉ có tổng số 4 nhóm thuốc chính bao gồm Azole, polyene, echinocandin và purine.. nhưng trước thực trạng kháng thuốc gia tăng thì sự hạn chế về số lượng thuốc điều trị nấm sẽ dẫn tới rất nhiều khó khăn cho việc điều trị.

Cũng theo PGS. TS. Justin Beardsley các thuốc kháng nấm mới hiện đang được nghiên cứu và phát triển. Các thuốc mới này bao gồm rezafungin, fosmanogepix, ibrexafunerp và olorofin. Tuy nhiên, các phác đồ điều trị hiện tại và tiềm năng vẫn còn nhiều hạn chế so với gánh nặng bệnh tật hiện nay.

Một nguyên nhân nữa là thực trạng lạm dụng thuốc diệt nấm trong nông nghiệp, lạm dụng và kê đơn thuốc chống nấm quá mức trong chăm sóc sức khỏe và việc bệnh nhân không hoàn thành toàn bộ lộ trình điều trị bằng thuốc chống nấm. Người bệnh không tuân thủ điều trị, sử dụng liều lượng không phù hợp sẽ tạo điều kiện cho áp lực chọn lọc thúc đẩy sự tiến hóa của chính loại nấm đang được điều trị.

Vì vậy, đối với người bệnh, khi được kê đơn thuốc, cần thực hiện đúng chế độ dùng thuốc để đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn mầm bệnh. Khi đến thăm bệnh nhân trong bệnh viện cần rửa tay sạch sẽ. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa sẽ là cách tiếp cận phù hợp để giảm thiểu mối đe dọa kháng thuốc chống nấm.

Hoài An

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khang-thuoc-chong-nam-moi-de-doa-moi-voi-suc-khoe-cong-dong-169231127114403445.htm