Kháng kháng sinh: Bệnh thông thường thành nguy hiểm

GD&TĐ - Kháng kháng sinh không còn là khái niệm mới bởi nó đang diễn ra ở mọi quốc gia và có xu hướng lan truyền mạnh.

Kháng kháng sinh để lại hậu quả nghiêm trọng trong công tác điều trị bởi thuốc thế hệ cũ không còn tác dụng trong khi thuốc thế hệ mới chưa kịp ra đời hoặc thuốc mới nhưng tác dụng không nhiều.

Kháng thuốc: Trẻ không tha

Lâu nay, bệnh nhân kháng thuốc thường được mọi người ngầm hiểu là người mắc bệnh mãn tính, điều trị lâu dài, người mắc cùng lúc nhiều loại bệnh. Nhưng mọi quan niệm dường như đã thay đổi khi một em bé mới 19 ngày tuổi đã kháng thuốc bậc cao.

Em bé 19 ngày tuổi ở TPHCM được xác định kháng kháng sinh thế hệ mới do lây nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc từ người thân trong gia đình hoặc cộng đồng.

Bé nhập viện trong tình trạng sốt, quấy khóc sau chuyển sang thở mệt, sốc, co giật liên tục. Sau 36 giờ hồi sức, điều chỉnh kháng sinh, tình trạng bệnh tạm ổn.

Kết quả vi sinh cấy dịch não tủy và cấy máu xác định bệnh nhi bị nhiễm vi khuẩn Gram dương kháng cả thuốc Vancomycin - một loại kháng sinh bậc cao.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tình trạng kháng kháng sinh ở mức báo động trên toàn cầu. Việt Nam không phải ngoại lệ, thậm chí còn là nước nằm trong tốp có tỷ lệ kháng thuốc cao nhất thế giới.

Kháng kháng sinh có nhiều nguyên nhân, trong đó liên quan đến cả ý thức người dân lẫn quy định của Nhà nước. Trước hết, phải kể đến việc dùng kháng sinh trong dân.

Do thói quen tồn tại lâu nay là dịch bệnh chủ yếu do vi khuẩn, cơ sở y tế xa dân nên người dân thường rút kinh nghiệm từ lần bệnh trước để chữa cho lần mắc sau.

Tuy nhiên, do việc dùng kháng sinh phụ thuộc vào tình trạng bệnh nên liều lượng, ngày dùng khác nhau cộng với việc mô hình bệnh ngày nay đã thay đổi mà cách dùng kháng sinh vẫn như cũ dẫn đến kháng thuốc.

Một lý do không kém phần quan trọng là việc mua - bán kháng sinh quá dễ. Nhiều người ví dễ hơn cả mua mớ rau ngoài chợ trong khi loại thuốc này có thể chữa bệnh nhưng cũng có thể khiến bệnh nặng hơn, thậm chí gây chết người.

Kết quả một nghiên cứu được công bố gần đây cho thấy, hầu hết các nhà thuốc tư ở Hà Nội đều bán các kháng sinh không có đơn, cho cả những bệnh không cần điều trị bằng kháng sinh, phản ánh tình trạng sử dụng kháng sinh không hợp lý rất phổ biến trong cộng đồng.

Còn khảo sát của Bộ Y tế đối với gần 3.000 nhà thuốc có tới 90% số người mua thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ. Ampicillin, ammoxicilin, cephalexin và azithromycin là những loại kháng sinh được bán nhiều nhất mà không kê đơn, thường được kết hợp với các loại thuốc khác như thuốc giảm đau, cảm và ho, vitamin, thuốc y học cổ truyền…

Bệnh cũ thành khó chữa

Sự ra đời của kháng sinh được ví như cuộc cách mạng trong lĩnh vực y tế. Nó đem lại hy vọng, cứu chữa cho hàng triệu người mắc bệnh do vi khuẩn trên toàn cầu.

Nhưng có lẽ do mải mê với tác dụng như thần dược của kháng sinh mà con người quên đi rằng, cũng như nhiều loại thuốc khác, kháng sinh cũng kén người bệnh.

Điều này khiến nhiều loại kháng sinh cũ gần như không còn tác dụng. Không ít kháng sinh thế hệ mới ra đời chỉ tồn tại được vài năm lại rơi vào tình trạng nhờn thuốc.

Kháng thuốc đẩy ngành Y tế lẫn loài người phải đối mặt với tốc độ lan truyền của các loại vi khuẩn có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh ở mức độ ngày càng nặng nề.

Bằng chứng là rất nhiều bệnh nhân lao không đáp ứng với phác đồ điều trị hiện hành. Và việc em bé mới 19 ngày tuổi kháng thuốc bậc cao cho thấy vi khuẩn kháng thuốc có mặt ở mọi nơi, tấn công bất kỳ ai…

Ở nước ta, mặc dù đã có quy định kháng sinh là thuốc kê đơn và chỉ bán thuốc theo đơn nhưng thực tế, kháng sinh là mặt hàng có mặt ở tất cả cửa hàng thuốc. Người mua - kẻ bán chẳng ai quan tâm đến quy định trên.

Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê nhận định, tình trạng kháng thuốc đang làm xói mòn nỗ lực của chúng ta trong điều trị các bệnh truyền nhiễm và giảm hiệu quả của tiến bộ y học.

Còn theo PGS Nguyễn Văn Kính, đứng trước nguy cơ bệnh thông thường cũng hết thuốc chữa do vi khuẩn kháng thuốc, biến đổi, không còn cách nào khác, mỗi quốc gia cần xây dựng hệ thống giám sát kháng thuốc, giảm sử dụng kháng sinh và dùng kháng sinh hợp lý với người bệnh.

Hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp không phải dùng thuốc như thực hiện các hành vi có lợi cho sức khỏe, ăn uống hợp vệ sinh, chống thực phẩm bẩn, vệ sinh môi trường và chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Chỉ dùng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn. Luôn dùng đủ liều kể cả khi bệnh đã đỡ;

Không bao giờ dùng kháng sinh còn thừa từ đợt điều trị trước. Không chia sẻ thuốc của mình cho người khác.

Phòng bệnh nhiễm trùng bằng cách giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay và tiêm phòng đầy đủ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/khang-khang-sinh-benh-thong-thuong-thanh-nguy-hiem-2573223-b.html