KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN

Năm 2019, công tác dân tộc có nhiều đổi mới mang tính lịch sử, trong đó có đóng góp không nhỏ của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Với tâm huyết và bề dày kinh nghiệm cùng sự sâu sát với thực tiễn, mong mỏi của mỗi thành viên của Hội đồng Dân tộc là làm thế sao để khơi dậy được tính tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số, khẳng định vị thế của mỗi người dân và của từng dân tộc trong khối đại đoàn kết toàn dân... là những trăn trở Phó Chủ tịch Hội đồng Dân Nguyễn Lâm Thành.

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Phóng viên: Thưa ông, năm 2019, Hội đồng Dân tộc được giao chủ trì triển khai hoạt động Giám sát của Ủy ban Thường vụ “Về việc thực hiện Chính sách giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2012-2018”. Quá trình giám sát cho thấy tình hình kinh tế xã hội của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Thực tiễn giám sát ở các bộ ngành, đặc biệt là ở các địa phương và trực tiếp đến với đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy điểm ấn tượng nhất là bộ mặt nông thôn miền núi đã có sự thay đổi rất đáng kể. Đến rất nhiều vùng chúng ta có thể thấy đường giao thông hiện đã tốt hơn, điện đã đến với bà con, nước sạch đã đến với bà con và đặc biệt là hệ thống các trường học và trạm y tế đã được đầu tư, xây dựng rộng khắp. Tôi cho rằng đây là định hướng chính sách rất lớn của Đảng và Nhà nước để xây dựng phát triển nguồn nhân lực ở các vùng này.

Điểm thứ hai mà chúng ta thấy rất rõ là đời sống của đồng bào đã được nâng lên một cách đáng kể, người dân đã được tiếp cận dịch vụ y tế và giáo dục, đây là hai dịch vụ cơ bản để góp phần cho sự phát triển của đồng bào.

Điểm thứ ba là việc làm và thu nhập của người dân đã được nâng lên và một điểm thấy rất rõ là tỷ lệ nghèo ở nhiều vùng đã giảm đáng kể. Việt Nam cũng được quốc tế đánh giá đã thành công lớn trong công cuộc giảm nghèo trong đó có giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói là bức tranh của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi. Sự thay đổi cả về đời sống, văn hóa, y tế, giáo dục như vậy thì đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là một thành tựu rất lớn mà quá trình giám sát chúng tôi đã ghi nhận được. Những chuyển biến này nhờ vào sự phát triển chung của đất nước và sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua.

Phóng viên: Trong năm qua, Quốc hội đã có nhiều đổi mới thể hiện vai trò trong việc quyết định chính sách dân tộc, theo đó đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan đến công tác dân tộc, bên cạnh sự thay đổi về chính sách thì còn cần những giải pháp gì nâng cao đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Giai đoạn vừa qua Quốc hội quan tâm rất nhiều đến lĩnh vực dân tộc, thể hiện vai trò và thực hiện nội dung quy định của Hiến pháp 2013 là Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của Nhà nước. Rất nhiều nội dung liên quan đến miền núi dân tộc đã được Quốc hội thể hiện qua các nghị quyết chuyên đề liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia như nông thôn mới hay giảm nghèo bền vững, các nghị quyết liên quan đến chuyên đề khác như đất đai, phát triển nông lâm nghiệp với các nghị quyết phát triển kinh tế xã hội hàng năm, 5 năm đều được Quốc hội quan tâm.

Đặc biệt, một điểm rất đáng mừng là kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 về Đề án Tổng thể phát triển dân tộc kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Có thể nói, đây là lần đầu tiên Quốc hội có một Nghị quyết mang tính dài hơi như vậy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi đánh giá rất cao quyết định lịch sử này của Quốc hội. Trước kia, Quốc hội ra nhiều nghị quyết, tuy nhiên đã được cài xen vào trong các nội dung các chương trình, chứ chưa có một nghị quyết nào mang tính tổng thể và riêng biệt như vậy. Đây là bản lề cho việc đổi mới những chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt là trong Nghị quyết và chính sách trong thời gian tới sẽ có thay đổi một cách căn bản định hướng tiếp cận trong chính sách dân tộc. Phải tập trung đầu tư phát triển, lấy phát triển để giải quyết vấn đề giảm nghèo, lấy phát triển để hội nhập, việc phát triển của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển của đất nước; sẽ tập trung vào nhóm những vấn đề liên quan đến tổ chức sản xuất, làm sao người dân có được nền sản xuất tốt hơn, thay đổi được phương thức sản xuất tốt hơn để sản xuất một cách có hiệu quả và hội nhập được vào quá trình sản xuất của đất nước, từ đó mới có thể tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân.

Thứ hai nữa là chính sách tạo điều kiện cho người dân phát huy được nội lực, đây là một nguyên tắc hết sức cơ bản và được được quy định trong điều 5 của Hiến pháp 2013, để đồng bào dân tộc thiểu số hội nhập và phát triển vùng, làm sao chính sách của chúng ta phải khơi dậy được những tiềm năng ở các vùng, khơi dậy được tính tự lực tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Và một điểm quan trọng nữa là chúng ta phải phát huy được những giá trị cả về mặt tinh thần cả về mặt văn hóa của đồng bào, những giá trị hết sức phong phú. Chúng tôi cho rằng đây là một nguồn sức mạnh rất lớn để đồng bào có thể hội nhập được vào quá trình phát triển và qua đó chính sách của chúng ta mới có thể thành công.

Phóng viên: Thưa ông, nhiều năm công tác trong lĩnh vực dân tộc, gắn bó với cử tri đồng bào dân tộc thiểu số, điều gì làm ông trăn trở nhất và mong muốn đóng góp cho bà con dân tộc thiểu số?

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Qua quá trình công tác, chúng tôi có thể thấy: về mặt cơ bản thì đời sống của bà con bước đầu đã được nâng lên. Tuy nhiên, còn ở rất nhiều vùng, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, những vùng của đồng bào một số dân tộc rất ít người, do điều kiện hoàn cảnh tự nhiên và điểm xuất phát thấp nên đời sống của đồng bào còn khá khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng này còn cao và một số nơi thì hàng năm vẫn phải có những biện pháp hỗ trợ cứu đói hay một số biện pháp hỗ trợ khác để hỗ trợ đồng bào. Thứ hai nữa là một số vùng hiện nay, do sự biến đổi thời tiết nên tình hình thiên tai bão lụt xảy ra nhiều, gây khó khăn cho bà con.

Thực trạng đời sống của bà con như vậy đòi hỏi chúng ta phải thực hiện chính sách tốt hơn để người dân ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ về y tế và giáo dục, đây là hai dịch vụ hết sức cơ bản và có thể nói là mức độ hưởng thụ ở các vùng hiện đang khác nhau trong đó có nhiều vùng đồng bào còn nhiều khó khăn. Đó là điều mà những người làm chính sách như chúng tôi rất trăn trở.

Điểm thứ hai là hiện nay nhiều dân tộc đang sở hữu những giá trị văn hóa rất đặc sắc, chúng ta cần phải gìn giữ, bảo tồn và phát triển những giá trị đó. Người dân là chủ thể của những giá trị văn hóa này nhưng chính sách của Nhà nước là một bệ đỡ rất quan trọng để khơi dậy và giúp bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa, để có thể đóng góp vào sự phát triển đất nước. Còn nếu không thì trong quá trình phát triển, với nhiều tác động, những bản sắc văn hóa này dễ bị mai một, dễ bị mất đi. Điều này đồng nghĩa với việc những giá trị văn hóa dân tộc của quốc gia sẽ bị tổn hại.

Và điểm thứ ba, chúng tôi mong muốn là sự tham gia của người dân nhiều hơn, đặc biệt là của dân tộc thiểu số vào trong hoạt động quản lý nhà nước, trong hoạt động về xây dựng chính quyền Nhà nước, tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, các cơ cấu của Hội đồng nhân dân để thể hiện được tiếng nói, thể hiện được quyền bình đẳng của mình một cách đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hóa. Đây là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì rất lớn cả hai phía. Về phía Đảng, Nhà nước là những người đưa ra chủ trương đường lối chính sách và kiên trì thực hiện chủ trương đường lối này đóng góp và sự vươn lên của một cộng đồng dân tộc để hòa nhập chung trong sự phát triển của đất nước

Phóng viên: Trong những ngày đầu xuân mới, ông có chia sẻ đôi điều với cử tri đồng bào dân tộc thiểu số, thưa ông?

Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: Canh Tý là một mùa xuân sẽ đem đến nhiều sự khởi sắc sự phát triển của đất nước. Chúng tôi mong muốn Đảng và Nhà nước luôn luôn khẳng định chủ trương đường lối nhất quán là quan tâm đến đời sống, quan tâm đến sự phát triển, quan tâm đến quyền bình đẳng của đồng bào các dân tộc, thể hiện đúng theo tư tưởng của Bác cũng như đường lối trong suốt mấy chục năm qua của Đảng ta.

Điểm thứ hai chúng tôi muốn trao gửi đối với bà con, cử tri là: Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến đồng bào và tiếp tục hành trình này và cũng mong muốn và con tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc và tinh thần chủ động sáng tạo của đồng bào các dân tộc để đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước. Trong quá trình phát triển luôn khẳng định vị thế của mỗi người dân đồng bào dân tộc thiểu số cũng như khẳng định được vị thế của mỗi dân tộc trong bức tranh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, trong việc phát triển kinh tế, xã hội trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và tham gia vào trong quá trình quản lý và phát triển của đất nước. Về phía đại biểu Quốc hội, chúng tôi, đặc biệt là Hội đồng Dân tộc, luôn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phấn đấu vươn lên của bà con dân tộc. Tôi cho rằng, năm 2020 là một năm hứa hẹn nhiều thành tựu, nhiều thắng lợi và đem được nhiều niềm vui đến cho mọi nhà.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông! Xin chúc ông và gia đình một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin chúc Hội đồng Dân tộc gặt hái được nhiều thành công hơn nữa và luôn là chỗ dựa tin cậy của cử tri, của bà con dân tộc!

Phan Xanh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=43938