Khẳng định giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn Độc lập

77 năm về trước, ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Đây là cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ có giá trị lịch sử khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) vào ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam) vào ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Vang mãi lời thề

Ngày 2/9/1945, đông đảo các tầng lớp nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình. Trong thời khắc lịch sử đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người tuyên bố: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.

Để tranh thủ thêm sự ủng hộ của thế giới, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Người cũng kêu gọi: “Chúng tôi tin rằng, các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Cuối cùng, Người nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Đứng trước lá quốc kỳ và đứng trước quốc dân, các thành viên của Chính phủ Cách mạng lâm thời thề rằng: “Sẽ kiên quyết lãnh đạo toàn dân giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc và thực hiện bản chương trình của Việt Minh, để đem lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc”. Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh kêu gọi toàn thể đồng bào thống nhất, đoàn kết lại để ủng hộ Chính phủ.

Sau đó, những lời thề của quốc dân đã vang lên: “Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề: Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin thề: Cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng”.

Phát huy tinh thần Tuyên ngôn Độc lập

Tinh thần độc lập - tự do - hạnh phúc của Tuyên ngôn Độc lập đã phát triển thành ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH để đưa đất nước Việt Nam tiến bước thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (ngày 11/2/1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc lại: “Ngày 2/9/1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, đã tuyên bố trước thế giới quyền độc lập của Việt Nam, và thực hiện những quyền tự do dân chủ ở trong nước”1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình tìm đường cứu nước đã sống hàng chục năm ở các nước tư bản tiên tiến nhất là Mỹ, Anh, Pháp…, biết quá rõ về tình hình dân chủ ở các nước tư bản. Người nhận ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa phương Tây “trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”2 và kết luận “cách mệnh tư bản là cách mệnh chưa đến nơi”3. Nền dân chủ mà người dân Việt Nam khao khát sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là nền dân chủ Mỹ, nền dân chủ Pháp hay nền dân chủ phương Tây nào khác mà là nền dân chủ XHCN, trong đó, quần chúng nhân dân lao động vừa là đối tượng sáng tạo của nền dân chủ XHCN, vừa là đối tượng được hưởng các quyền dân chủ đó.

Do vậy, vấn đề dân chủ ở Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám 1945 chính là vấn đề “người cày có ruộng”. Kết quả là hiện nay, Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới (xuất khẩu gạo năm 2021 đạt 6,2 triệu tấn, tương đương 3,3 tỷ USD) và đời sống của người nông dân nước ta không ngừng được nâng cao.

Lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử và toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN... Hiện nay, quy mô nền kinh tế Việt Nam đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và đứng thứ 4 trong ASEAN. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 vượt mốc 668,5 tỉ USD, đưa Việt Nam thành một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia; có quan hệ kinh tế, thương mại với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Công cuộc đổi mới có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” vào năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Nguyễn Văn Toàn

1 Hồ Chí Minh: Tuyển tập, tập 2, Nxb. Sự Thật, Hà Nội,1980, tr. 463.

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 268.

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 270.

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khang-dinh-gia-tri-lich-su-va-y-nghia-thoi-dai-cua-tuyen-ngon-doc-lap-post454064.html